BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP GIẢI TRÌNH VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

25/11/2019

Sáng ngày 25/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, sau khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Tại buổi thảo luận ở hội trường, có 24 ý kiến của đại biểu Quốc hội tham gia góp ý, tranh luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Đa số các đại biểu tán thành với việc cần thiết sửa đổi dự án Luật liên quan đến 3 nhóm vấn đề: Tổ chức thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2012; Quy định hiện hành của luật hiện nay; Bổ sung một số nội dung mới như: phòng giám định tư pháp về âm thanh, hình ảnh của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp của Kiểm toán Nhà nước, áp dụng quy định của luật đối với công tác thanh tra để thực hiện một số quy định Luật Thanh tra và Luật Phòng, chống tham nhũng...


Các đại biểu Quốc hội lắng nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp sáng 25/11.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhận thấy, các ý kiến thảo Luận tại tổ và tại hội trường cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp tập trung rất cao vào các vấn đề mà Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội có ý kiến. Đặc biệt, các ý kiến đều thống nhất rất cao với các nội dung cơ bản mà Chính phủ trình.

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Bộ sẽ cùng với cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình, báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, hoàn thiện dự án Luật này và thông qua báo cáo Quốc hội về sự cần thiết và phạm vi sửa đổi là một việc rất lớn.

Bộ trưởng Lê Thành Long nhận định, Luật Giám định tư pháp năm 2012 được áp dụng cho nay tương đối tốt. Tuy nhiên, để luật áp dụng vào trong thực tiễn đời sống được thiết thực hơn và phục vụ sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, giải quyết những vụ án về tham nhũng kinh tế, Bộ Tư pháp và các đại biểu Quốc hội đều nhất trí cao cần phải sửa đổi một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2012.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long,  có sự giao thoa giữa sửa đổi một số điều của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp với các bộ luật hiện hành, trong đó có Bộ luật Tố tụng hình sự. Về nguyên tắc, những vấn đề liên quan đến giám định tư pháp và thời hạn giám định phải được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, chúng ta đã sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nên một số nội dung mà lẽ ra có thể sửa đổi, bổ sung và đưa vào trong Bộ luật Tố tụng hình sự nhưng lại đưa vào Luật Giám định tư pháp và có sự bổ sung với nhau chứ không mâu thuẫn.

Về quy định thời hạn, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, ở đây mới chỉ xử lý một việc rất cụ thể, tức là Điều 206 trong Bộ luật Tố tụng hình sự quy định 6 trường hợp phải giám định bắt buộc. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ, đối với những trường hợp như vụ án lớn mà cụ thể là án tham nhũng kinh tế lại không bắt buộc, ngược lại, trong Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành chưa quy định về thời hạn.

Trên thực tế, từ các vụ án thời gian qua cho thấy các cơ quan vì lý do này hay lý do khác không chủ động, e ngại hoặc né tránh, không quy định rõ về thời hạn nên rất khó thực hiện. Vì vậy, Bộ Tư pháp sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội điều chỉnh vấn đề này vào trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp sao cho phù hợp hơn.


Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Về vấn đề xã hội hóa, trên thực tế thì phát sinh một số trường hợp mà cần phải xã hội hóa trong một số lĩnh vực có nhu cầu lớn nhưng lại vướng 1 câu trong Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Nghĩa là chỉ cho xã hội hóa trong các lĩnh vực mà xã hội ít có nhu cầu. Chính vì thế, Bộ Tư pháp sẽ tham mưu cho Chính phủ là trong quá trình tổng kết Nghị quyết 49 là sẽ sửa đổi một số điều sao cho phù hợp hơn với thực tế và tuân theo nguyên tắc thị trường. Đồng thời, đây cũng là ý kiến của các chuyên gia và Chính phủ đang dự kiến báo cáo Bộ Chính trị về việc cho mở rộng, sửa đổi điều khoản cụ thể khi tổng kết Nghị quyết 49.

Đối với nhiệm vụ giám định của kiểm toán Quốc hội, Chính phủ nhận thấy, kiểm toán cũng là cơ quan có trình độ chuyên môn cao về mặt tài chính trong quá trình đóng góp vào giải quyế những vụ việc độc lập.

Về Viện Kiểm sát, có ý kiến thắc mắc về cơ quan này là độc lập hay không độc lập? Hiện nay, chúng ta có 3 cơ quan điều tra là công an, quốc phòng, viện kiểm sát. Trong đó, cơ quan công an, quốc phòng đã có chức năng, nhiệm vụ riêng. Còn Viện kiểm sát có tổ chức rồi nhưng sẽ xin bổ sung về nhiệm vụ với những chuyên môn, phạm vi công việc rất cụ thể như thu thập dữ liệu điện tử, ADN...

Về vấn đề thanh tra, xuất phát từ thực tế trong thời gian vừa qua, các vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng có thanh tra và trưng cầu giám định nhưng chưa có quy chế quy định cụ thể. Luật Thanh tra có quy định là phải cụ thể hóa quy định chi tiết. Vì vậy, trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp có thể đưa vấn đề này vào sao cho đúng quy trình.

Những vấn đề khác, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục xem xét, nghiên cứu, giải trình để Quốc hội thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp./.

Bích Lan - Trọng Quỳnh