Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XII

23/11/2009

Ngày 21.11, buổi sáng QH thảo luận ở Tổ về dự án Luật Trọng tài thương mại. Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thuế nhà, đất.

* Dự án Luật Trọng tài thương mại: Trước mắt, chưa nên mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài thương mại

* Dự án Luật Thuế nhà, đất: Chưa nên đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế 

 

Sáng 21.11, QH thảo luận ở Tổ về dự án Luật Trọng tài thương mại.

 

Dự án Luật Trọng tài thương mại gồm 11 Chương, 75 Điều do Hội Luật gia Việt Nam chủ trì soạn thảo.

 

Về cơ bản, các ĐBQH cho rằng: hồ sơ dự án Luật trình QH đáp ứng được yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có Tờ trình, dự thảo Luật, Thuyết minh chi tiết và báo cáo đánh giá tác động, Báo cáo thẩm định, Báo cáo tổng kết thi hành Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, Giới thiệu tóm tắt Luật Trọng tài của một số nước trên thế giới. ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình) cho rằng: nâng một pháp lệnh lên thành luật mà luật không đi vào cuộc sống thì rất lãng phí. Ở ta, Trọng tài thương mại chưa phổ biến. Thực tế, sau nhiều năm ra đời, số vụ việc được giải quyết thông qua Trọng tài thương mại còn rất hạn chế. Một số ý kiến cho rằng dự án Luật Trọng tài thương mại còn sơ sài, thiếu chi tiết, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện. ĐB Trần Đình Nhã (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị: trước tiên, Ban soạn thảo cần có đánh giá tác động của dự án Luật đối với ngân sách nhà nước; đồng thời đưa ra được báo cáo tổng kết thực tiễn hoạt động của Trọng tài thương mại những năm qua. Có như vậy mới thấy rõ: khi nâng từ Pháp lệnh Trọng tài thương mại lên thành Luật Trọng tài thương mại phải điều chỉnh như thế nào. ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) chỉ rõ: thực tiễn qua hơn 6 năm thi hành Pháp lệnh Trọng tài thương mại mới có 7 Trung tâm Trọng tài được thành lập, trong đó có 3 Trung tâm từ khi thành lập đến nay chưa giải quyết được vụ việc nào. Khả năng và uy tín chuyên môn của một số Trọng tài viên chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, trước mắt, dự án Luật Trọng tài thương mại chưa nên mở rộng phạm vi thẩm quyền của Trọng tài thương mại.

 

Về mô hình tổ chức của Trọng tài Việt Nam, ĐB Nguyễn Hữu Quang (Nghệ An) cho rằng không nên chỉ có một tổ chức Trọng tài quốc gia để chỉ đạo các tổ chức Trọng tài địa phương mà nên hình thành các Trung tâm Trọng tài xuất phát từ các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Do đó, dự án Luật chỉ nên quy định các điều kiện để thành lập Trung tâm Trọng tài. Tùy thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương mà cho phép thành lập các tổ chức Trọng tài, bảo đảm hoạt động có hiệu quả. Việc quy định các điều kiện để thành lập Trung tâm Trọng tài cần chặt chẽ, tránh trường hợp sau khi Luật có hiệu lực thì nhiều Trung tâm Trọng tài được thành lập nhưng lại không phát huy được hiệu quả hoạt động.

 

Chiều 21.11, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thuế nhà, đất.

 

Đa số các ĐBQH đều cho rằng, cần nâng Pháp lệnh thuế nhà, đất thành Luật, nhằm hoàn thiện một bước khuôn khổ pháp lý về quản lý, sử dụng đất đai; khuyến khích thị trường bất động sản phát triển lành mạnh; bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích giữa người sử dụng đất với Nhà nước trong điều tiết nguồn thu. Tuy nhiên, ĐB H’Luộc Ntơr (Đăk Lăk) cho rằng, một sắc thuế quan trọng, phức tạp và liên quan trực tiếp đến mọi người dân nhưng chỉ có 13 điều, với những quy định đơn giản thì khó thuyết phục. Còn ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương) nhấn mạnh, cần xem xét lại các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng chịu thuế, giá tính thuế… bởi những ngổn ngang của Luật Đất đai chưa được khắc phục triệt để. ĐB Nguyễn Thị Mỹ Hương (Đà Nẵng) chỉ rõ, các điều kiện để thực hiện Luật này chưa hoàn thiện như chưa vận hành cơ sở dữ liệu về đất đai, không có cơ quan thẩm định giá trị nhà ở… thì chi phí triển khai sẽ lớn hơn rất nhiều nguồn thu đạt được, khó bảo đảm thu thuế công bằng, ngăn chặn nạn đầu cơ. Hơn nữa, với thủ tục tính thuế phức tạp sẽ cản trở người dân nộp thuế. Nhiều ĐBQH đề nghị, Ban soạn thảo cần rà soát thực tế áp dụng Pháp lệnh Thuế nhà, đất và nên tiến hành lấy ý kiến nhân dân để hoàn chỉnh dự thảo Luật trước khi trình QH xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy.

 

So với Pháp lệnh thuế nhà, đất hiện hành, dự thảo Luật đã đưa thêm nhà ở vào đối tượng chịu thuế. Tuy nhiên, các ĐBQH cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, chưa nên đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế. Bởi sở hữu nhà ở là quyền cơ bản của mỗi công dân, đã được hiến định. Người dân xây dựng nhà ở từ nguồn vốn tích lũy qua nhiều năm, đồng thời, trước khi xây dựng nhà người dân đã phải thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân. Với thu nhập bình quân đầu người còn thấp của nước ta, nếu thêm một sắc thuế sẽ thêm gánh nặng với cuộc sống còn eo hẹp của đại đa số nhân dân - ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) nhấn mạnh. Còn ĐB Điểu K’ré (Đăk Nông) cho rằng, nếu áp dụng thuế suất với nhà ở mà không tính toán đến sự khác biệt giữa miền núi - đồng bằng, nông thôn – thành thị sẽ khó bảo đảm công bằng và không khuyến khích người dân kiên cố hóa nhà ở. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng nhà ở, người dân đã thực hiện nghĩa vụ thuế khi mua nguyên vật liệu xây dựng, thi công xây dựng… sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng lên thuế. Các ĐBQH đề nghị, cần xây dựng lộ trình tính thuế hợp lý; công tác tuyên truyền đi trước một bước để tạo sự đồng thuận trong xã hội; xây dựng hạn mức chung để xác định ngưỡng sẽ phải nộp thuế… nhằm tăng tính khả thi cho dự thảo Luật này.

 

Về giá tính thuế, ĐB Trương Xuân Quý (Tuyên Quang), ĐB Trần Việt Hưng (Hòa Bình) cho rằng, căn cứ tính thuế dựa vào diện tích ghi trong Giấy chứng nhận hoặc diện tích thực địa chưa chặt chẽ. Thực tế, nhiều trường hợp diện tích đất lấn chiếm còn lớn hơn diện tích ghi trong Giấy chứng nhận nên khó bảo đảm công bằng cho mọi đối tượng nộp thuế. Nhiều ĐBQH cũng đề nghị, Ban soạn thảo cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để đưa các quy định về giá tính thuế với đất, nhà ở phù hợp, không tạo mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, cân nhắc về sự cần thiết ban hành khung giá chung làm căn cứ cho UBND các cấp xác định giá đất tính thuế, để vừa phù hợp với thực tế địa phương, vừa không tạo sự chênh lệch quá lớn về giá đất giữa các địa phương; tránh hiện tượng tùy tiện phát sinh trong định giá đất ở cấp cơ sở; phù hợp với Luật Đất đai.

V. Đào – P.Thủy

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)