Trọng tài thương mại góp phần giảm tải cho tòa án

22/11/2009

(VOV) - Trong khi VIAC - tổ chức trọng tài lớn nhất Việt Nam - chỉ tiếp nhận 30 vụ tranh chấp trong năm 2007 và 58 vụ trong năm 2008, thì mỗi thẩm phán ở Toà kinh tế Hà Nội phải xử trên 30 vụ/năm; mỗi thẩm phán ở Toà kinh tế TPHCM xử 50 vụ/năm

Sáng nay (21/11), Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Trọng tài thương mại.

 

Dự thảo Luật Trọng tài thương mại gồm 11 Chương và 75 Điều, quy định về thẩm quyền của Trọng tài thương mại, các hình thức trọng tài, tổ chức trọng tài, Trọng tài viên và tố tụng trọng tài để giải quyết các tranh chấp theo sự thoả thuận của các bên.

 

Theo tờ trình của Hội Luật gia Việt Nam, cơ quan chủ trì soạn thảo, thực tiễn giải quyết tranh chấp trên thế giới cho thấy, trọng tài đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp giữa các thương nhân. Ở Việt Nam, giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài sẽ góp phần làm giảm tải hoạt động xét xử của Tòa án.

 

Theo thống kê của các cơ quan Tư pháp, tại Tòa kinh tế Tòa án Nhân dân Hà Nội, từ năm 2005 đến nay, năm nào số lượng vụ việc năm sau cũng tăng gấp đôi năm trước. Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh hàng năm xử từ 1.000 - 1.100 vụ tranh chấp kinh tế. Tuy nhiên, con số này lại rất khiêm tốn nếu xem xét số vụ việc được giải quyết bởi Trọng tài. Trong khi VIAC - tổ chức trọng tài lớn nhất Việt Nam - chỉ tiếp nhận 30 vụ tranh chấp trong năm 2007 và 58 vụ trong năm 2008 thì mỗi thẩm phán ở Toà kinh tế Hà Nội phải xử trên 30 vụ một năm; mỗi thẩm phán ở Toà kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh xử 50 vụ một năm trong khi mỗi trọng tài viên của VIAC chỉ xử 0,25 vụ một năm. Tình hình đó ảnh hưởng đến chất lượng xét xử, gây áp lực cao đối với các Thẩm phán, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của các doanh nghiệp về mức độ an toàn pháp lý trong hoạt động kinh doanh thương mại.

 

Ý kiến của hầu hết các đại biểu đều nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Trọng tài thương mại, thay thế Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003. Thảo luận các nội dung cụ thể của Dự thảo Luật, ý kiến chung của các đại biểu tập trung vào 4 vấn đề lớn: phạm vi thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài thương mại; tiêu chuẩn trọng tài viên; quy định hoạt động của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam và  việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Chỉ giới hạn thẩm quyền của trọng tài trong các hoạt động thương mại

 

Thảo luận về phạm vi thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài thương mại, đa số ý kiến đại biểu cho rằng trước mắt chưa nên mở rộng phạm vi thẩm quyền của Trọng tài mà chỉ giới hạn thẩm quyền của Trọng tài thương mại giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 và có mở rộng thêm các trường hợp liên quan đến một bên có hoạt động thương mại; chứ không nên mở rộng thẩm quyền của Trọng tài cho tất cả các tranh chấp liên quan đến quyền và lợi ích của các bên phát sinh từ nghĩa vụ hợp đồng hoặc nghĩa vụ ngoài hợp đồng giữa các chủ thể dân sự, không phân biệt tranh chấp thương mại với dân sự.

 

Đại biểu Nguyễn Huy Hữu (đoàn Đắk Lắk) phân tích, “việc mở rộng thẩm quyền của Trọng tài cho tất cả các tranh chấp dân sự, sẽ gây ra tình trạng chồng chéo quyền hạn giữa Toà án và Trọng tài thương mại, khiến việc giải quyết vấn đề trở nên phức tạp hơn và có thể dẫn tới nhiều hậu quả kéo dài. Mục đích giảm tải cho các Toà án được thì ít, khó khăn hơn thì nhiều”.

Tiêu chuẩn tối thiểu đối với trọng tài viên

 

Đối với quy định tiêu chuẩn trọng tài viên, một số đại biểu cho rằng, quy định như trong Dự án Luật, điều 17, chương 2 là khá đầy đủ, hợp lý. Tuy nhiên, nhiều đại biểu lại kiến nghị, cần có quy định rõ ràng hơn về tiêu chuẩn trọng tài viên. Chẳng hạn, tiêu chuẩn “có trình độ chuyên môn cao” và “có nhiều kinh nghiệm thực tiễn”, phải được bổ sung và làm rõ hơn. Trình độ chuyên môn cao đến mức nào và kinh nghiệm thực tiễn bao nhiêu năm, cần phải được làm rõ ngay trong luật. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh xã hội và trình độ dân trí chưa thực sự cao như hiện nay, tiêu chuẩn tốt nghiệp Đại học Luật đối với Trọng tài viên Việt Nam là bắt buộc phải có.

 

Thảo luận Điều 48 quy định thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài được phép áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, nhiều ý kiến đại biểu không đồng tình với Ban soạn thảo cho rằng ngoài thẩm quyền Tòa án hỗ trợ Trọng tài bằng cách áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng Trọng tài cũng có quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm duy trì, khôi phục hiện trạng tranh chấp, tiến hành các biện pháp bảo quản tài sản cần thiết đảm bảo cho việc thi hành phán quyết, bảo quản chứng cứ hay bảo quản tài sản liên quan đến tranh chấp.

 

Đặc biệt đối với một số loại tranh chấp có liên quan đến tài sản, hàng hóa mau hư hỏng, nếu chờ các thủ tục tại Tòa án thì sẽ không kịp thời, có thể dẫn đến những tổn thất không đáng có cho các bên.  Phân tích của nhiều đại biểu cho rằng khi đã phải nhờ đến trung tâm trọng tài, nhu cầu của các bên chỉ cần có một phán quyết tương đối khách quan để hòa giải, thương lượng. Nếu áp dụng các biện pháp khẩn cấp, cứng rắn dễ gây khó khăn, không còn mang tính chất hòa giải.

 

Cũng có ý kiến đại biểu cho rằng quy định này là cần thiết và hợp lý, tuy nhiên, việc quy định cần phải cụ thể, chặt chẽ, đảm bảo việc gắn trách nhiệm của Hội đồng Trọng tài với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi giải quyết tranh chấp thương mại nảy sinh.

Cần ban hành mức khung phí cho dịch vụ trọng tài

 

Thảo luận nội dung của Điều 33 về thu phí trọng tài, đại biểu cho rằng, cũng giống như dịch vụ pháp lý của luật sư, trọng tài là một dịch vụ pháp lý, trung tâm thu phí để trả thù lao cho trọng tài đồng thời để nộp thuế cho ngân sách Nhà nước. Do vậy, nếu không quy định rõ, để cho các trung tâm tự quy định mức phí sẽ dẫn đến mâu thuẫn, cạnh tranh.

 

Các đại biểu đề nghị Nhà nước phải quy định khung cho phí trọng tài thương mại. Bên cạnh đó, dự thảo Luật mới chỉ quy định thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài trong việc xác định phí Trọng tài và người có nghĩa vụ nộp phí Trọng tài mà chưa đề cập về trình tự, thủ tục thu nộp phí cũng như nguyên tắc tính mức phí. Đại biểu kiến nghị cần làm rõ bản chất pháp lý của khoản thu này, là phí trọng tài hay là chi phí trọng tài; đồng thời, đề nghị quy định ngay những nội dung nêu trên trong dự thảo Luật.

 

Về quy định hoạt động của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, đa số đại biểu cho rằng, quy định như trong Dự án Luật là quá đơn giản, sơ sài. Với thực tế quan hệ thương mại rộng mở hiện nay giữa Việt Nam với các nước, việc quy định rõ ràng và cụ thể về nội dung này là đặc biệt cần thiết. Ban soạn thảo cần cân nhắc và nghiên cứu bổ sung một cách đầy đủ và phù hợp vào Dự án Luật.

 

Chiều nay, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận Dự thảo Luật thuế nhà, đất./.

Thanh Hà-Mạnh Hùng

(http://vovnews.vn)