Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội

02/11/2009

Chương trình Giám sát của Quốc hội trong năm 2010 mới được đưa ra thảo luận ở Tổ nhưng là nội dung được nhiều đại biểu rất quan tâm. Thực tế, thời gian qua hoạt động này cũng chưa đạt được kết quả như mong muốn.

(VOV) - Ngày mai (2/11), các đại biểu tham dự  kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XII bước sang tuần làm việc thứ 3. Trong tuần qua, nội dung được nhiều cử tri quan tâm là các phiên thảo luận về tình hình kinh tế-  xã hội năm 2009, nhiệm vụ năm 2010; thảo luận chương trình giám sát của Quốc hội trong năm 2010; thảo luận Dự thảo Luật khám, chữa bệnh và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục.

 

Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội luôn là nội dung “nóng’ tại các phiên họp Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 6, nội dung này càng sôi động hơn vì trong bối cảnh khó khăn của năm 2009, kinh tế xã hội nước ta đã đạt được những thành tựu đáng kể, thể hiện rõ nét là GDP dự tính đạt 5,2%. Tuy nhiên đi vào cụ thể từng vấn đề, từng lĩnh vực, nhiều đại biều cho rằng “Không thể lơ là, chủ quan, mà cần xem xét tính bền vững của nền kinh tế”.

 

Gói kích cầu của Chính phủ là nội dung gần như đại biểu nào khi phát biểu cũng cho ý kiến. Cùng với việc đánh giá cao hiệu quả của gói kích cầu, sự linh hoạt trong điều hành của Chính phủ thì những “mặt trái” cũng được phân tích để Chính phủ nhìn nhận. Đó là nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, người nông dân vẫn không thể tiếp cận được nguồn vốn này. Mà nguyên nhân cũng không ngoài những lý do “quá cũ”, thủ tục hành chính rườm rà, những quy định không phù hợp với thực tế… Sẽ không thể có được ý nghĩa của “gói kích cầu” như ý kiến của đại biểu đã nêu là có doanh nghiệp khi được vay vốn này nhưng tiếp tục đi cho vay lại hay đầu tư đất đai, chứng khoán để kiếm lời… Rõ ràng, đây là điều cần được “kiểm soát chặt” để có những giải pháp khi tiếp tục triển khai những chính sách “kích cầu” nhằm đạt mục đích “an sinh xã hội”...

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri.

 

Giám sát là một chức năng quan trọng của Quốc hội. Thế nên, mặc dù mới đưa ra thảo luận ở Tổ nhưng chương trình Giám sát của Quốc hội trong năm 2010 cũng là nội dung được nhiều đại biểu rất quan tâm. Hai chuyên đề giám sát dự định sẽ triển khai trong năm tới là việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo các hệ cao đẳng, đại học và sau đại học và giám sát thực hiện quy định của pháp luật về cải cách thủ tục hành chính trong quan hệ giữa nhà nước với nhân dân và doanh nghiệp.

 

Đây thực sự là hai vấn đề “mấu chốt” liên quan trực tiếp đến người dân vì chuyện học hành của con em, những thủ tục theo kiểu “hành dân” ở địa phương cơ sở vẫn thực sự là bức xúc của các bậc cha mẹ, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của đất nước và giảm lòng tin của nhân dân. Vì thế, khi thảo luận, có đại biểu bày tỏ “nếu được thì Quốc hội có một cuộc giám sát lòng dân, để hiểu, để biết thêm dân đang nghĩ gì”. Ý kiến tâm huyết này cần được suy nghĩ thấu đáo hơn vì suy cho cùng, mục đích của giám sát của Quốc hội là “vì  quyền lợi của những người đã bầu ra”.

 

Tại kỳ họp này, 2 trong số 8 dự thảo Luật dự định được Quốc hội thông qua là: Dự thảo Luật Khám chữa bệnh và dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Đồng tình với việc cần sớm thông qua và sửa đổi, bổ sung các dự án Luật này nhưng còn nhiều quy định cần được chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện trước khi tiếp tục trình Quốc hội. Với dự thảo Luật Khám chữa bệnh, cần có quy định việc khám chữa bệnh cho người nước ngoài ; có chính sách đầu tư của Nhà nước đối với ngành y tế cũng như lộ trình và biện pháp tăng thu nhập chính đáng của cán bộ y tế;  làm rõ quy định thẩm quyền cấp chứng chỉ và giá trị của chứng chỉ hành nghề, có những quy định chi tiết về y đức đối với những người hành nghề...

 

Còn với dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, theo nhiều đại biểu, điều quan trọng nhất, đ­ược xã hội quan tâm cần phải đề cập rõ hơn đó là chất lượng giáo dục, chất l­ượng nguồn nhân lực. Đây đều là những “điểm yếu” của nền giáo dục nước ta. Sẽ không thể không lo lắng về chất lượng giáo dục khi vẫn phổ biến tình trạng một số cán bộ về h­ưu muốn mở tr­ường và thỉnh giảng nhiều nơi. Một ngư­ời giảng 4 đến 5 tr­ường, giảng kiểu chạy “xô” như­ ca sĩ, không có thời gian bồi d­ưỡng, bổ sung kiến thức là một thực tế. Rõ ràng, chất l­ượng giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực đang có vấn đề mà Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục lần này cần tập trung khắc phục.

 

Ngày 2/11, Quốc hội bước sang tuần làm việc thứ 3. Buổi sáng, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án Luật Bưu chính; dự án Luật Nuôi con nuôi; Dự án luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi), dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Buổi chiều Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự án Luật Bưu chính./.

Đặng Linh

(http://vovnews.vn)