Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XII

30/10/2009

Sáng 29.10, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, QH đã nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Dân quân tự vệ

* Dự án Luật Dân quân tự vệ: nếu giao Chủ tịch UBND xã quyết định danh sách dân quân nòng cốt có bảo đảm công bằng hay không?

* Dự kiến chương trình giám sát của QH năm 2010: nội dung hoạt động giám sát cần tiếp tục bám sát những bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.

 

Sáng 29.10, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, QH đã nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Dân quân tự vệ.

 

Dự án Luật Dân quân tự vệ đã được QH Khóa XII cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Năm. Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, tại Kỳ họp lần này, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung chức năng của dân quân tự vệ; tiêu chuẩn tuyển chọn, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt và tạm hoãn, miễn, thôi trước thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; chỉnh lý quy định về tổ chức lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp... Để bảo đảm tuân thủ đúng Luật Ngân sách nhà nước, dự thảo Luật trình QH lần này không quy định cụ thể về việc: nếu địa phương nào có nguồn thu ngân sách thấp, không đủ chi cho tổ chức, huấn luyện và hoạt động dân quân tự vệ thì được ngân sách Trung ương hỗ trợ. 

 

Đa số ĐBQH đồng thuận với những nội dung được tiếp thu và chỉnh lý nêu trong dự thảo Luật và tập trung đóng góp ý kiến vào tiêu chuẩn tuyển chọn, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ; việc tổ chức lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp, quản lý nhà nước về dân quân tự vệ...

 

Về tiêu chuẩn tuyển chọn dân quân tự vệ nòng cốt, dự thảo Luật quy định, việc tuyển chọn dân quân tự vệ nòng cốt có sự tham gia của cấp thôn và giao Chủ tịch UBND cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định danh sách dân quân tự vệ nòng cốt. Chưa nhất trí với hướng chỉnh lý này, ĐB Lê Dũng (Tiền Giang) cho rằng, nếu chỉ giao cho Chủ tịch UBND xã quyết định danh sách dân quân nòng cốt theo đề nghị của Ban Chỉ huy quân sự cấp xã e là không bảo đảm công bằng, dễ phát sinh xin cho và các hình thức tiêu cực khác. Bởi, hàng năm số lượng người có đủ tiêu chuẩn tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ ở xã, phường rất đông, nhưng nhu cầu tổ chức và xây dựng lực lượng dân quân tự vệ nòng cốt không nhiều. Vậy nên, thực tế, sẽ chỉ có một số ít người được tham gia thực hiện nghĩa vụ dân quân và nhiều người khác không phải làm nghĩa vụ này. Cần quy định rõ ngay trong Luật là việc tuyển chọn dân quân tự vệ phải qua bình xét công khai, minh bạch và công bằng tại thôn, ấp, khu phố theo Quy chế dân chủ cơ sở - ĐB Lê Dũng đề nghị.

 

Về tổ chức lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp, tiếp thu ý kiến các ĐBQH, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng, căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, kế hoạch xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ của địa phương; sự phù hợp về quy mô lao động, tổ chức sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp... để cấp có thẩm quyền quyết định việc thành lập đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp. Theo ĐB Bế Xuân Trường (Bắc Kạn), Đỗ Căn (Hà Nội)... đây là hướng tiếp thu hoàn toàn hợp lý, sáng tạo và có sự vận dụng nguyên tắc tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang, trong đó có dân quân tự vệ trong tình hình mới hiện nay. Quy định như vậy vừa tổ chức được lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp mà vẫn bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế đất nước và không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam - Ý kiến của ĐB Bế Xuân Trường.

 

Buổi chiều, QH thảo luận tại tổ về dự kiến Chương trình giám sát của QH năm 2010.

 

Về tình hình thực hiện chương trình hoạt động giám sát của năm 2009, nhiều ĐBQH nhất trí với đánh giá nêu trong Tờ trình của UBTVQH là hoạt động giám sát của QH đã đạt được kết quả tích cực. Nội dung giám sát thiết thực, tập trung vào những bức xúc mà cử tri đang quan tâm. Hình thức, phương pháp giám sát đã có những bước tiến, nhất là hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề. Từ đó chất lượng, hiệu quả giám sát tiếp tục được nâng lên, góp phần thiết thực vào việc bảo đảm các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH ban hành được thực thi nghiêm túc hơn. Tuy nhiên, nhiều ĐBQH cũng thẳng thắn chỉ rõ, hoạt động giám sát tối cao, mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hiện thực cuộc sống. Sự phối hợp giữa các cơ quan của QH và Đoàn ĐBQH, các ĐBQH; giữa các cơ quan của QH với các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương trong một số hoạt động giám sát chưa có hiệu quả cao.

 

Về dự kiến chương trình giám sát của QH năm 2010, nhiều ĐBQH đề nghị, nội dung các hoạt động giám sát cần bám sát những bức xúc đang nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước; được các ĐBQH, cử tri quan tâm với phạm vi hợp lý và có điều kiện giám sát sâu; bảo đảm sự hài hòa, hợp lý giữa các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, đối ngoại. Số lượng giám sát chuyên đề tối cao năm 2010 cũng nên tập trung vào 2 chuyên đề như đề nghị nêu trong Tờ trình của UBTVQH. Về dự kiến nội dung giám sát, Tờ trình của UBTVQH dự kiến trình QH giám sát tối cao chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với các hệ giáo dục cao đẳng, đại học, sau đại học (tại Kỳ họp thứ Bảy); Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 (tại Kỳ họp thứ Tám). ĐB Bùi Thị Bình (Hòa Bình) cơ bản nhất trí với dự kiến nội dung 2 giám sát chuyên đề của QH, nhưng băn khoăn về phạm vi của giám sát chuyên đề dự kiến trình QH tại Kỳ họp thứ Tám. Bởi, với nội dung khá rộng và chung chung - việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp công dân và doanh nghiệp… - như vậy, sẽ rất khó để triển khai thực hiện giám sát. Với thời gian eo hẹp, nếu ôm đồm sẽ khó phát hiện được trúng vướng mắc, tồn tại trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính. Nếu QH nhất trí thông qua nội dung giám sát về việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn năm 2001 – 2010 tại Kỳ họp thứ Tám thì nên khuôn lại phạm vi giám sát, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả.

 

ĐB Bùi Thị Bình, Nguyễn Văn Quynh (Quảng Ninh)... đề nghị nghiên cứu bổ sung vào dự kiến chương trình giám sát nội dung về hiệu quả gói kích cầu. Đây là nội dung được cử tri và nhiều ĐBQH, đặc biệt là tại các phiên QH thảo luận về tình hình KT – XH năm 2009 ngày 28 - 29.10, quan tâm. Theo tính toán của ĐB Bùi Thị Bình, trong một ngày rưỡi làm việc tại hội trường vừa qua, đã có gần 100 ĐBQH phát biểu về các vấn đề liên quan đến kinh tế đất nước, trong đó, tập trung đánh giá về hiệu quả của gói kích thích kinh tế. Cơ bản nhất trí với đề xuất của ĐBQH, nhưng Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng, trong thời điểm hiện nay, yêu cầu về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, trong đó, công tác đào tạo bậc cao đẳng, đại học, sau đại học phục vụ công cuộc đổi mới và phát triển đất nước cấp thiết hơn. Mặt khác, vấn đề hiệu quả của gói kích thích kinh tế đã đưa vào dự kiến chương trình giám sát của UB Kinh tế và UB Tài chính và Ngân sách. Vậy nên, về cơ bản 2 nội dung giám sát mà UBTVQH là phù hợp với tình hình thực tiễn cuộc sống.

L. Hiển - P. Thủy

(http://nguoidaibieu.com.vn)