Hoạt động giám sát cần có cơ chế “hậu kiểm”

30/10/2009

Theo nhiều đại biểu, cái yếu trong hoạt động giám sát thời gian qua vẫn là hậu giám sát. Nhiều vấn đề sau chất vấn, sau giám sát không “quy” được người chịu trách nhiệm

(VOV) - Chiều nay (29/10), các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010.

 

Theo Tờ trình của Uỷ ban thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, thực hiện Nghị quyết về chương trình giám sát năm 2009, Quốc hội đã tiến hành các hoạt động giám sát thường xuyên như xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2009.

 

Tại Kỳ họp thứ 6 này, Quốc hội cũng sẽ xem xét báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2009; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010; phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2010.

 

Cũng tại Kỳ họp thứ 6 này, Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước” theo đúng chương trình đã đề ra và tiến hành hoạt động chất vấn với thời gian dự kiến khoảng 2,5 ngày.

 

Nhìn chung, trong năm 2009, hoạt động giám sát của Quốc hội đã được tiến hành theo đúng luật định, đạt được kết quả tích cực và hoàn thành chương trình theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Nội dung giám sát là những vấn đề thiết thực, được cử tri cả nước quan tâm. Hình thức giám sát đã có những bước cải tiến, nhất là hoạt động chất vấn và giám sát chuyên đề, từ đó, chất lượng, hiệu quả giám sát tiếp tục được nâng lên, góp phần thiết thực vào việc bảo đảm các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội ban hành được thực thi nghiêm chỉnh.

 

Năm 2010, hoạt động giám sát của Quốc hội dự kiến tập trung vào những vấn đề bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, được cử tri và dư luận quan tâm, như: Hiệu quả sử dụng vốn, ngân sách, tài sản nhà nước; thực hiện các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản; việc thực hiện các chính sách về kinh tế, văn hóa giáo dục, y tế, nông nghiệp, nông thôn, nông dân, khoa học-công nghệ, tài nguyên-môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, cải cách hành chính, tư pháp; hiệu quả, tiến độ thực hiện các công trình quan trọng quốc gia; giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là trong lĩnh vực đất đai; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

 

Căn cứ vào tình hình thực tế, năm 2010, Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến đưa vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội 2 nội dung: Thứ nhất là “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với các hệ giáo dục cao đẳng, đại học, sau đại học”. Theo Uỷ ban thường vụ Quốc hội, đây là vấn đề bức xúc, được nhiều đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội quan tâm. Dự kiến nội dung này sẽ được đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.

 

Nội dung thứ 2 dự kiến được đưa vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội năm 2010 là “Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010” dự kiến được đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

 

Thảo luận tại Tổ về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010, đa số các đại biểu đều tán thành việc Quốc hội cần tăng cường các hoạt động giám sát, cũng như một số vấn đề cần quan tâm khi xây dựng Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2010. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, việc lựa chọn các nội dung giám sát tối cao của Quốc hội cần xem xét lựa chọn những vấn đề được đại biểu và dư luận cử tri quan tâm nhất trong thời gian qua.

 

Theo đại biểu Nguyễn Văn Quynh (đoàn Quảng Ninh), việc Uỷ ban thường vụ Quốc hội lựa chọn nội dung giám sát tối cao là “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với các hệ giáo dục cao đẳng, đại học, sau đại học”, đúng là vấn đề được dư luận quan tâm. Tuy nhiên đây cũng là lĩnh vực ở trong phạm vi hẹp, chủ yếu dư luận tập trung sự quan tâm vào các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập. Theo đại biểu, tại Kỳ họp này có một nội dung rất được quan tâm là các vấn đề xung quanh việc sử dụng gói kích cầu, việc sử dụng vốn của gói kích cầu này như thế nào? Do vậy Quốc hội cũng cần xem xét việc cần thiết phải giám sát nội dung này trong năm 2010 hay không. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Văn Quynh cũng bày tỏ sự nhất trí cao với nội dung giám sát về cải cách thủ tục hành chính. Theo đại biểu, đây là “điểm nghẽn” tồn tại nhiều năm qua cần được quan tâm giải quyết.

 

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Quảng Ninh) cho rằng, trong những năm qua, việc lựa chọn các nội dung giám sát tối cao thường chủ yếu tập trung vào lĩnh lực kinh tế. Do vậy, đại biểu nhất trí với việc lựa chọn các chuyên đề giám sát tối cao tập trung vào các nội dung khác và nhất trí với việc lựa chọn 2 nội dung giám sát năm 2010 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

 

Bên cạnh việc cho ý kiến về các nội dung lựa chọn giám sát của Quốc hội năm 2010, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về tính hiệu quả trong hoạt động giám sát của Quốc hội. Theo đại biểu Nguyễn Bá Thanh (đoàn Đà Nẵng), hoạt động giám sát trong thời gia qua chưa đạt hiệu quả cao là do nhiều khi chúng ta cũng không có đủ người để làm công việc này. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát cũng đòi hỏi phải có năng lực, có trình độ chuyên môn về lĩnh vực đó - điều mà hiện nay chúng ta đang thiếu.

 

Cùng chung quan điểm này, đại biểu Trần Bá Thiều (đoàn Hải Phòng) cho rằng, nếu không có trình độ chuyên sâu về nội dung mình giám sát thì chỉ mất thời gian mà kết quả cũng chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa” mà thôi.

 

Nhiều đại biểu cũng khẳng định, mặc dù đã có nhiều cải tiến và đạt kết quả, tuy nhiên, cái yếu trong hoạt động giám sát thời gian qua vẫn là hậu giám sát. Nhiều vấn đề sau chất vấn, sau giám sát không “quy” được người chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, theo nhiều đại biểu, trong năm tới cần có cải tiến trong việc giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hàng năm, các Bộ, ngành ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhưng trong thực tế hiệu lực thực thi vẫn thấp. Đại biểu đề nghị, sau khi giao các Bộ, ngành quyền ra văn bản quy phạm pháp luật, Quốc hội cũng cần tiến hành giám sát chặt chẽ hơn nữa.

 

Ngày mai (30/10), buổi sáng Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý  dự thảo Luật khám, chữa bệnh, đồng thời thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục./.

Mạnh Hùng – Thanh Hà

(http://vovnews.vn)