Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá đây là đạo luật rất quan trọng nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền, xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Phát biểu tại hội trường đa số các ý kiến phát biểu đều tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Theo đó, ở tất cả các đơn vị hành chính đều thành lập cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
Đối với mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính đặc biệt quy định về cơ cấu tổ chức bên trong và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sẽ thể hiện rõ đặc thù của các cấp chính quyền địa phương này.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa phát biểu tại Hội trường Ảnh : Đình Nam
Đại biểu Huỳnh Nghĩa-Đà Nẵng cho rằng, mô hình tổ chức chính quyền địa phương được quy định như trong dự thảo Luật là hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp mới, được đa số đại biểu Quốc hội kỳ vọng và cũng là nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa khẳng định: việc xác định mô hình tổ chức chính quyền địa phương lần này là “cơ hội vàng” để tiếp tục khẳng định, củng cố, tăng cường quyền làm chủ của nhân dân, thể hiện sâu sắc, rõ nét bản chất của Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc phát biểu tại Hội trường
Tán thành với quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Nguyễn Thị Phúc-Bình Thuận đánh giá, quy định này không làm xáo trộn so với mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay, vừa thể hiện sự gắn kết giữa Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Việc thiết lập tổ chức chính quyền địa phương cùng với các tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị xã hội nằm trên cùng một địa bàn sẽ là một chỉnh thể hệ thống chính trị thống nhất.
Có cùng quan điểm với các đại biểu trên, song đại biểu Trần Thị Hiền-Hà Nam đề nghị, mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện nay cần khắc phục hai vấn đề đó là tính hình thức trong hoạt động của Hội đồng nhân dân và tính kỷ luật hành chính trong hoạt động của Ủy ban nhân dân.
Đại biểu Trần Thị Hiền phát biểu tại Hội trường
Đại biểu phân tích, hoạt động của Hội đồng nhân dân hiện nay chưa thực sự phát huy được vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân chưa thực sự được đổi mới. Tính kỷ luật hành chính trong hoạt động của Ủy ban nhân dân chưa nghiêm, hiệu quả quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các cấp không cao, tính tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương còn hạn chế.
Do đó, đại biểu đề nghị quy định về cơ chế hoạt động cụ thể, rõ hơn để khắc phục tính hình thức trong hoạt động của Hội đồng nhân dân. Đồng thời, dự thảo luật cần nghiên cứu cách thức thiết lập bộ máy chính quyền địa phương từ bầu cử sang cơ chế bổ nhiệm, trước hết đối với người đứng đầu Ủy ban nhân dân các cấp. Dự thảo cần quy định chặt chẽ hơn về việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền của cấp trên cho cấp dưới.
Đại biểu Mã Điền Cư phát biểu tại Hội trường
Đại biểu Mã Điền Cư-Quảng Ngãi kiến nghị, dự án Luật cần quy định nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong việc quyết định các vấn đề của địa phương. Quy định cho cấp chính quyền địa phương ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở cả 3 cấp nhưng không giao ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật mà chỉ ban hành những biện pháp thực hiện pháp luật.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật tổ chức Chính phủ tiếp tục được chỉnh lý, hoàn thiện trước khi được Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp này./.