Khoản 1, Điều 7 dự thảo Luật kiểm toán nhà nước quy định: “Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về các sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”.
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Phùng Đức Tiến-Hà Nam bày tỏ, để đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch và làm rõ nghĩa quy định của pháp luật cũng như phù hợp với Điều 50 của dự thảo Luật.
Khoản 1, Điều 7, cần bổ sung sửa đổi như sau: Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước sau khi được phát hành và được công bố, công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về các sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Điều này có nghĩa là chỉ khi Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước được lập theo đúng chuẩn mực về kiểm toán, đúng trình tự được phát hành chính thức và công bố, công khai theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước thì mới có giá trị pháp lý và mới bắt buộc phải thi hành đối với các đơn vị được kiểm toán.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh-Hà Nội đề nghị nên bổ sung sửa đổi vào điểm a, Khoản 2 như sau: Báo cáo kiếm toán của Kiểm toán nhà nước là căn cứ để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội sử dụng trong quá trình xem xét quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư dự án và công trình quan trọng quốc gia được đầu tư từ nguồn ngân sách...
Theo đại biểu, nếu bổ sung quy định này sẽ phù hợp với Điều 63 của dự thảo luật. Nó làm cho báo cáo về kiểm toán được sử dụng thực sự có hiệu quả. Làm cho các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ phải có sự phối hợp để nghiên cứu khi xem xét quyết định. Làm cho chất lượng xem xét những vấn đề về ngân sách nhà nước có thiết thực và hiệu quả hơn.
Đại biểu Bùi Đức Thụ-Lai Châu cho răng, nếu như chúng ta không quy định giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán nhà nước thì vấn đề sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính, phải chờ các cơ quan quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực, xem xét thừa nhận cái đó mới có giá trị thi hành. Điều này làm chậm lại việc thực thi, khắc phục những khuyết, nhược điểm, những sai phạm và để đảm bảo cho kỷ luật tài chính nghiêm minh, kịp thời. Đại biểu Bùi Đức Thụ đề nghị, phải quy định giá trị pháp lý của kiểm toán như dự thảo luật hiện hành cũng như luật sửa đổi là phù hợp.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng trong quy định tại Khoản 2: báo cáo kiểm toán nhà nước còn là một căn cứ sử dụng để Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan nhà nước ở trung ương, địa phương xem xét trong việc quản lý là không cần thiết. Bởi vì, đây chỉ là một trong những căn cứ để xem xét nên nó không có giá trị trong việc điều chỉnh các mối quan hệ này.