Cần quy định cụ thể về khai báo tai nạn lao động, sự cố an toàn lao động

26/05/2015

Chiều 25/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung của Dự thảo luật an toàn, vệ sinh lao động. Tại buổi thảo luận, một số đại biểu cho rằng, quy định tại điều 35 của dự thảo còn chưa rõ ràng.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hằng-Nam Định phát biểu tại Hội trường                                                        Ảnh: Đình Nam 

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hằng-Nam Định, Điều 35, Khoản 1, điểm b, dự thảo Luật quy định về khai báo tai nạn lao động, sự cố an toàn lao động khi xảy ra tai nạn lao động làm chết người hoặc bị thương nặng đối với người lao động không theo hợp đồng lao động. Dự thảo Luật không giải thích cụ thể thế nào là bị thương nặng. Việc quy định như vậy sẽ dẫn đến khó áp dụng, có thể gây tùy tiện khi thực hiện. Đồng thời, dẫn đến việc báo cáo về tai nạn lao động không được chính xác.

Đại biểu phân tích, do tính chất phức tạp của việc báo cáo thống kê về tai nạn lao động, các số liệu báo cáo hiện nay chủ yếu dựa vào mức độ tuân thủ của cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ báo cáo và cũng chưa có những quy định đảm bảo tính khả thi. Báo cáo chưa thể phản ánh đầy đủ, chính xác tình hình tai nạn lao động. Hơn nữa, hiện nay báo cáo sự cố an toàn lao động nghiêm trọng cũng chưa được làm tốt, sẽ rất khó để có được báo cáo thống kê chính xác kịp thời.

Theo đại biểu, luật vẫn phải mở rộng phạm vi báo cáo tai nạn lao động đối với tất cả các trường hợp về tai nạn lao động, quy định cụ thể đảm bảo tính tuân thủ của các tổ chức, cá nhân thực hiện báo cáo.

Đại biểu đề xuất, để có được thông tin đầy đủ về tình hình tai nạn lao động, đáp ứng được yêu cầu của báo cáo thống kê tai nạn lao động tại khu vực không có quan hệ lao động thì Ủy ban Nhân dân cấp xã nên giao cho người làm công tác văn xã hoặc trạm y tế cấp xã làm mà không cần phải tăng biên chế hay bộ máy. Tuy nhiên,  khâu tổ chức thực hiện cần phải có hệ thống biểu mẫu đơn giản, thống nhất, dễ làm đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của báo cáo thống kê.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương-Ninh Thuận phát biểu tại Hội trường                                                                     Ảnh: Đình Nam 

Cho rằng điều luật chưa quy định cụ thể về vấn đề thời gian, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương-Ninh Thuận đề nghị, Ban soạn thảo bổ sung thêm quy định về thời gian thực hiện khai báo các vụ tai nạn lao động, sự cố an toàn lao động. Cụ thể,  trong thời gian bao lâu khi tai nạn lao động, sự cố an toàn lao động xảy ra thì phải được khai báo, tránh tình trạng sự việc đã xảy ra lâu nhưng mới khai báo dẫn đến việc xử lý, khắc phục hậu quả khó khăn và tránh việc dấu diếm, né tránh hậu quả.

Đóng góp ý kiến vào Điều 35 của dự thảo luật, Trần Xuân Vinh - Quảng Nam cho rằng, điểm b, Khoản 1, Điều 35 quy định: "đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động, xảy ra tai nạn lao động, làm chết người hoặc bị thương nặng mới phải khai báo tai nạn lao động, sự cố an toàn lao động" là chưa đầy đủ. Vì trong đối tượng người lao động có cả trường hợp có hợp đồng và không hợp đồng. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định, khai báo tai nạn lao động, sự cố an toàn lao động cho cả người có hợp đồng hay không có hợp đồng lao động.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, Điều 35 không quy định cụ thể khái niệm, tiêu chí để xác định tai nạn lao động, như thế nào là tai nạn lao động nhẹ và nặng. Việc quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho các chủ thể trong việc thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ khai báo, thống kê, điều tra tai nạn lao động. Từ đó, đại biểu đề nghị, bổ sung quy định, khái niệm, tiêu chí phân loại tai nạn lao động vào trong dự thảo luật.

Đại biểu Trần Xuân Vinh-Quảng Nam phát biểu tại Hội trường                                                           Ảnh: Đình Nam 

Cũng cho ý kiến về điều 35 của dự thảo luật, đại biểu Ngô Thị Minh-Quảng Ninh đề nghị, việc khai báo tai nạn lao động, sự cố an toàn lao động nên thực hiện theo nguyên tắc: gia đình chỉ cần báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo cơ quan công an cấp huyện và thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội.

Theo đại biểu, điểm b, Khoản 1 sẽ được sửa lại như sau: “Khi xảy ra tại nạn lao động làm chết người, hoặc bị thương nặng đối với người không có hợp đồng lao động, hoặc sự cố an toàn lao động nghiêm trọng thì gia đình nạn nhân, hoặc người phát hiện có trách nhiệm kịp thời khai báo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn lao động, trường hợp xảy ra tai nạn lao động làm chết người, tai nạn lao động nặng làm bị thương từ hai người lao động trở nên thì Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo ngay với cơ quan công an cấp huyện và thanh tra sở lao động thương binh xã hội. Tương tự, áp dụng với Khoản 2 của điều này”.

Hồ Hương lược ghi