Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân cấp huyện, cấp xã hiện có hai loại ý kiến.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để bảo đảm chính quyền cấp huyện, cấp xã thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phù hợp với đặc điểm của địa phương thì việc giao cho các cấp chính quyền này thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết. Đây là công cụ quan trọng để chính quyền các cấp này thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của mình theo luật định.
Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Thắm phát biểu tại Hội trường Ảnh: Đình Nam
Đồng tình với vấn đề này, tuy nhiên Đại biểu Quốc hội Trần Hồng Thắm - Cần Thơ đề nghị, dự thảo Luật cần quy định chặt chẽ về phạm vi, điều kiện, quy trình ban hành nhằm khắc phục hạn chế hiện nay là cấp chính quyền này ban hành nhiều văn bản nhưng nội dung lại sao chép lại văn bản của cấp trên, ít chứa đựng quy định mới.
Dự thảo cần quy định Hội đồng Nhân dân cấp huyện ban hành nghị quyết, Ủy ban Nhân dân cấp huyện ban hành quyết định để quy định những vấn đề cấp trên giao và những vấn đề thuộc luật định theo thẩm quyền.
Đại biểu Tô Văn Tám-Kon Tum, tán thành với dự thảo khi vẫn giữ nguyên thẩm quyền ban hành và hình thức văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp huyện và cấp xã. Đại biểu đặt vấn đề, thực tiễn cho thấy, mặc dù văn bản cấp huyện, cấp xã vẫn còn tình trạng sao chép lại của văn bản cơ quan cấp trên, nhưng vẫn có nhiều quy phạm mới được ban hành. Vấn đề là chúng ta phải có quy định đầy đủ, giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng sao chép không phù hợp với văn bản của cơ quan cấp trên và những hạn chế khác trong quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp huyện, cấp xã, không phải là loại bỏ thẩm quyền của nó đi
Đại biểu Tô Văn Tám phát biểu tại Hội trường Ảnh: Đình Nam
Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Thủy - Vĩnh Phúc đề nghị quy định này trong dự thảo Luật cần phù hợp, cụ thể, khả thi hơn, đảm bảo sự đồng bộ với Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Để chính quyền cấp huyện, cấp xã thực hiện tốt thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới, đại biểu Hồ Thị Thủy đề nghị trong tổ chức thi hành luật cần có giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ nâng cao chất lượng quản lý nhà nước đối với công tác ban hành văn bản pháp luật, nhất là nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, xây dựng đội ngũ người làm công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, công tác rà soát hệ thống hóa, pháp điển hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Hữu Đức phát biểu tại Hội trường Ảnh: Đình Nam
Ngược lại với các ý kiến trên, theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Đức - Đồng Tháp, hiện cả nước có trên 7000 đơn vị cấp huyện, trên 11.000 đơn vị cấp xã, nhu cầu ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp huyện, cấp xã không lớn, nếu có thì chủ yếu là sao chép lại văn bản của cấp trên. Do đó, nhằm giảm bớt thủ tục hành chính và kiểm soát chặt chẽ tính hiệu lực của các văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu đề nghị không quy định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở cấp huyện và cấp xã.
Phát biểu kết luận buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, hầu hết các đại biểu đều nhất trí với việc quy định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân cấp huyện và cấp xã. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đề nghị dự thảo Luật phải quy định rõ ràng những nội dung gì thì được ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với các cấp chính quyền này.