Ảnh: hagiang.gov.vn
Cử tri và nhân dân cả nước đánh giá “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới” sau 4 năm thực hiện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Mặc dù vậy, nhưng nhiều địa phương cho rằng, một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới là quá cao so với thực tế và nhu cầu cuộc sống ở những xã miền núi, vùng sâu, vùng xa điều kiện kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn như: tiêu chí về kết cấu hạ tầng, y tế, văn hóa, hệ thống chính trị và nhà ở, thủy lợi, thu nhập, cơ cấu lao động.
Để giải quyết khó khăn này, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh một số tiêu chí quá cao chưa phù hợp với tính chất của các vùng, miền; đồng thời tăng mức hỗ trợ cho các xã, huyện vùng cao, đặc biệt khó khăn, thực hiện các chính sách cho các vùng đặc thù nhằm giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chính sách.
Cử tri và nhân dân phấn khởi với các chính sách, giải pháp quan trọng của Chính phủ hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất đã đem lại những kết quả thiết thực, qua đó giúp nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống của nông dân.
Tuy nhiên, nhân dân còn băn khoăn, lo lắng về tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, hạn hán xảy ra ở nhiều nơi, nhất là ở một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, gây nên tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành và địa phương liên quan có giải pháp kịp thời trước tình trạng nêu trên, đặc biệt là trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, quy hoạch và xây dựng các công trình thủy lợi.
Trong những năm gần đây, tình trạng nông dân gặp khó khăn trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp (gạo, dưa hấu, hành tây, vú sữa, hành tím, thanh long, vải thiều, cá tra), tình trạng “được mùa, mất giá” và ùn ứ hàng hóa trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp diễn ra ở nhiều nơi, do hiện nay nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu là sản xuất hộ cá thể, việc sản xuất còn theo phong trào, chưa gắn với quy hoạch sản xuất vùng và định hướng xuất khẩu theo nhu cầu và tính chất của thị trường.
Chính vì vậy, cử tri và nhân dân cả nước đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng cần có giải pháp hữu hiệu trong việc thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ các hộ nông dân liên kết thành lập các hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012 để thực hiện được chức năng nghiên cứu, dự báo thị trường, quy hoạch sản xuất, cung cấp đầu vào cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các hộ thành viên; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và liên kết theo chuỗi giá trị, từ đó nâng cao năng suất lao động nông nghiệp và thu nhập cho nông dân.
Ngoài ra, cử tri và nhân dân phấn khởi về một số chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ để đóng tàu lớn vươn khơi đánh bắt hải sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ hỗ trợ ngư dân đóng mới và nâng cấp tàu còn rất chậm. Cử tri đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hoàn thiện các quy định về thiết kế tàu, điều kiện, thủ tục về mức vay, thời hạn vay, lãi suất và hình thức cho vay phù hợp hơn với thực tế để ngư dân hiện đại hóa nhanh đội tàu, nâng cao hiệu quả đánh bắt và tiêu thụ sản phẩm.