Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Nguyễn Mạnh Tiến phát biểu tại tổ
Tăng cường công tác thú y, phòng chống dịch bệnh
Thảo luận về dự án Luật Thú y, đa số đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật như Tờ trình của Chính phủ; đồng thời nhấn mạnh việc ban hành Luật còn thể hiện rõ quan điểm đổi mới của Đảng, Nhà nước trong công tác thú y nhằm phát triển nhanh ngành chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn dịch bệnh, phù hợp với lợi thế từng vùng; tăng cường công tác thú y, phòng chống dịch bệnh.
Nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh việc phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản đa dạng, theo quy hoạch, phát huy lợi thế của từng vùng gắn với thị trường; xây dựng hệ thống thú y thủy sản…; góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế-xã hội.
Về hệ thống cơ quan chuyên ngành về thú y, đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) nêu ý kiến: hệ thống này chỉ nên từ Trung ương đến cấp huyện. Đại biểu phân tích: Pháp lệnh Thú y năm 2004 đã quy định hệ thống cơ quan chuyên ngành thú y từ Trung ương đến cấp huyện. Quy định về nhân viên thú y cấp xã được thực hiện theo Nghị định 92. Theo đó, mỗi xã có một thú y trưởng nằm trong ban nông nghiệp xã.
Dưới hệ thống mỗi xã, thôn bản có một thú y viên. Thực tế, theo phản ánh của nhiều địa phương, nhân viên thú y cấp xã đã được giao thêm một số nhiệm vụ kiêm nhiệm khác để tăng thêm thu nhập. Vì thế, đến thời hạn tiêm phòng thú y và phòng, chống dịch bệnh, công việc của các nhân viên này rất nhiều và hệ thống điều hành chuyên môn rất khó.
Dự án Luật Thú y quy định "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện phát triển chăn nuôi tại địa phương, bố trí nhân viên thú y ở xã, phường, thị trấn. Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức hệ thống cơ quan chuyên ngành thú y và chế độ chính sách cho nhân viên thú y cấp xã" là chưa rõ ràng, bởi nếu để Chính phủ quy định về hệ thống cơ quan chuyên ngành này sẽ rất dễ dẫn đến việc thêm biên chế thú y cấp xã.
Bên cạnh đó, Chiến lược chăn nuôi từ nay đến năm 2020 hướng đến việc phát triển mô hình trang trại nhằm xã hội hóa công tác thú y. Nếu điều này được thực hiện, người chủ trang trại phải tự lo phòng tránh dịch bệnh chứ không thể trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, vì vậy không nhất thiết phải có thêm biên chế thú y cấp xã, đại biểu nêu rõ.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Phạm Văn Cường (Lào Cai) nhận định: Pháp lệnh Thú y hiện hành chỉ quy định hệ thống cơ quan chuyên ngành thú y đến cấp huyện. Thực tế hiện nay, cán bộ thú y cấp xã làm nhiệm vụ hỗ trợ tiêm phòng khi có dịch. Vì vậy nếu tăng thêm biên chế, phụ cấp cho nhóm này, ngân sách Nhà nước không thể "gánh" nổi. Theo đại biểu, dự án Luật cần quy định rõ đối với hệ thống thú y từng cấp, không nên để Chính phủ quy định.
Liên quan đến quy định về thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật trên cạn, các đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định), Phạm Văn Cường (Lào Cai), Phạm Hồng Hà (Nam Định) đề nghị việc công bố dịch nên giữ như quy định của Pháp lệnh Thú y hiện hành, giao quyền cho Chủ tịch ủy ban Nhân dân tỉnh công bố dịch. Việc quy định như vậy nhằm gắn thẩm quyền công bố dịch với thẩm quyền huy động nguồn lực để việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện chống dịch hiệu quả.
Đồng thời, để khắc phục tình trạng bất cập, dự án Luật cần bổ sung quy định về thời gian phải công bố dịch, việc đăng tải thông tin về dịch bệnh, trách nhiệm của Chủ tịch ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trong việc ra quyết định công bố dịch để bảo đảm tính chính xác, kịp thời.
Băn khoăn về tính khả thi của dự án Luật, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh) nêu rõ: hiện nay, tình hình dịch bệnh rất phức tạp, lây truyền nhanh và rộng. Bệnh dịch lây truyền ở nhiều vùng, "dẹp được chỗ này thì phát sinh chỗ khác," nhất là ở khu vực vùng giáp biên. Bên cạnh việc ban hành Luật, cần tiếp tục củng cố hệ thống tổ chức, biện pháp kiểm soát, phòng tránh, mới giúp Luật mang tính khả thi và đi vào cuộc sống, đại biểu nhấn mạnh
Quy định vùng biển ven bờ cần thống nhất với quy định pháp luật liên quan
Cho ý kiến về Dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, nhiều đại biểu nhất trí cho rằng việc ban hành Luật nhằm khắc phục một số chồng chéo trong các văn bản về khai thác, sử dụng tài nguyên; nâng cao hiệu quả công tác quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo; góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý quan trọng thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển.
Tán thành với việc ban hành Luật, tuy nhiên đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) cho rằng còn có một số nội dung trong dự án Luật chưa được làm rõ, một số khái niệm còn khó hiểu.
Theo đại biểu, dự thảo Luật này điều chỉnh cho nhiều luật chuyên ngành khác nhưng lại ra đời sau, vì vậy một số nội dung của dự thảo Luật quy định chung chung, trong khi cùng nội dung, các luật chuyên ngành khác đã quy định rất cụ thể, chi tiết. Cũng có những nội dung Luật này quy định chi tiết nhưng luật chuyên ngành trước đó chỉ quy định chung chung...
Quan tâm đến quy định phạm vi vùng bờ, hành lang bảo vệ bờ biển, đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu, cân nhắc thêm việc tổ chức thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng bờ để phù hợp với quy định của pháp luật về biên giới quốc gia và các văn bản pháp luật liên quan.
Đại biểu Vũ Xuân Trường nêu quan điểm: Quy định “Vùng biển ven bờ là vùng biển có chiều rộng 6 hải lý tính từ đường mực nước triều kiệt trung bình nhiều năm ra phía biển” có nội hàm là giới hạn tương tự như vùng nội thủy mà Luật Biển đã xác định. Vì vậy, đại biểu đề nghị nên sửa nội dung "vùng biển có chiều rộng 6 hải lý tính từ đường mực nước triều kiệt trung bình nhiều năm ra phía biển" thành "vùng nội thủy" để phù hợp với Luật Biển và các Luật khác có liên quan.
Đại biểu lý giải: Vùng bảo vệ bờ biển là vùng tiếp giáp giữa thềm lục địa biển bao gồm vùng biển ven bờ và vùng đất ven biển, được xác định có chiều rộng từ đường mực nước triều kiệt trung bình nhiều năm (bờ biển) ra phía biển 6 hải lý (khoảng 10km), cách xác định này phù hợp với cách xác định vùng nội thủy trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) là: Vùng nội thủy là toàn bộ vùng nước tiếp giáp với bờ biển và nằm phía trong đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải.
Bên cạnh đó, theo quy định: “Chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển được tính từ đường mực nước triều cao trung bình trong nhiều năm về phía đất liền theo quy định của Chính phủ,” như vậy hành lang bảo vệ bờ biển có khác với vùng biển ven bờ hay không, điều này không được giải thích trong dự án luật. Do vậy, nên hợp nhất hai quy định này làm một để dễ hiểu hơn. Theo đó, Chính phủ quy định giới hạn chung, sau đó từng tỉnh thiết lập phạm vi và phương thức quản lý trên cơ sở đặc thù địa lý của từng tỉnh.
Đối với nội dung “Hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo với các nước có chung Biển Đông quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện hợp tác quốc tế với các nước có chung Biển Đông,” đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh) đề xuất dự án Luật giao Bộ Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối, nhưng vấn đề thay mặt quốc gia vẫn phải là Bộ Ngoại giao.
Một ý kiến khác cho rằng nội dung dự án Luật còn mang nặng tính quản lý Nhà nước, chưa phát huy được vai trò của xã hội, không có nhiều nội dung liên quan đến quyền, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức./.