Dự án Luật Đầu tư sửa đổi cần cụ thể hơn để thu hút đầu tư

10/11/2014

Tại phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) ngày 10/11, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao với dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) trình tại Quốc hội nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch và đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Vũ Tiến Lộc phát biểu ý kiến

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) cần cụ thể hóa hơn nữa để tạo điều kiện thu hút đầu tư, nhất là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Điều chỉnh ngay bất cập của danh mục kinh doanh có điều kiện

Về danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình), hầu hết các vấn đề về danh mục này đã được xử lý trong dự thảo Luật Đầu tư rất gọn gàng, triệt để. Thay vì đặt tại nghị định hướng dẫn, danh mục này đã được đưa luôn vào luật đảm bảo tính minh bạch, tính ổn định và hiệu lực áp dụng của danh mục này; khả năng danh mục bị vô hiệu hóa bởi những ngoại lệ từ các văn bản pháp luật chuyên ngành cũng được xử lý với quy định rõ ràng trong Dự thảo thứ tự ưu tiên áp dụng pháp luật.

Đây là một nỗ lực rất lớn của Ban soạn thảo và tất cả các bộ ngành liên quan. "Thống nhất được một danh mục như thế này không hề là điều đơn giản.Tuy nhiên, nếu đã quyết tâm làm được tới mức này, tôi đề nghị cần làm triệt để hơn. Hiệu lực của danh mục thì tốt rồi, nhưng nội dung của danh mục thì còn bừa bộn, dang dở lắm," đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, mới rà xét qua cũng có thể thấy danh mục có cả các hoạt động kinh doanh đơn lẻ không phải loại ngành nghề (ví dụ nhượng quyền thương mại), một số hoạt động thậm chí không phải là kinh doanh (như trọng tài thương mại) cũng được đưa vào và rất nhiều ngành nghề được nêu chồng lấn nhau (ví dụ khảo nghiệm giống thủy sản và khảo nghiệm giống thủy sản mới).

Nếu không làm rõ phạm vi các ngành nghề trong danh mục thì sẽ không thể biết được một hoạt động kinh doanh nào đó có thuộc diện "có điều kiện" hay không. Và nếu vậy thì mục tiêu minh bạch hóa qua danh mục này sẽ bị vô hiệu hóa từng phần.

Vì vậy, đại biểu Vũ Tiến Lộc và Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cùng đề nghị cần tập trung rà soát kỹ và điều chỉnh ngay các bất cập đó của bản Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Còn đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình (đoàn Bến Tre) đề nghị, ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần quy định cơ chế quản lý chặt chẽ quy định chi tiết sau khi luật này có hiệu lực cần thời bãi bỏ ngay những văn bản không phù hợp nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư khó tiếp cận.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh bày tỏ, cái mới nhất của dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) này là phương pháp tiếp cận mới khi làm luật, đó là phương pháp chọn, cho. Theo đó, những lĩnh vực cấm, ghi trong luật còn nếu không ghi thì được phép kinh doanh. Đây là vấn đề được đông đảo cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ. Ban soạn thảo cũng đã liên tục rà soát danh mục để bổ sung những lĩnh vực mới cần phải cấm làm sao cho luật luôn tạo được sự minh bạch. “Những cái gì bất lợp lý là được rà soát để tiếp tục loại bỏ hoặc đưa vào tránh tình trạng xin-cho,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về phạm vi các dự án phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (Điều 42) và thủ tục thông báo đầu tư (Điều 43), đại biểu Đỗ Văn Vẻ (đoàn Thái Bình) cho rằng, các dự án đầu tư vào hoạt động thương mại, dịch vụ thông thường không ràng buộc với thủ tục và điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhận đầu tư. Vì vậy, việc quy định cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho những dự án này là không cần thiết, gây phiền hà, tốn kém.

Đối với quy định thủ tục thông báo đầu tư trong dự thảo Luật về bản chất là một loại giấy phép, các quy định này chưa thể hiện được bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính như mục tiêu sửa đổi luật.

Hơn nữa, bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay thông báo đầu tư không làm mất đi công cụ quản lý của Nhà nước bởi các cơ quan quản lý vẫn có thể thực hiện chức năng của mình thông qua công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các điều kiện đầu tư, kinh doanh đã được pháp luật quy định. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính; đồng thời rà soát, loại bỏ những thủ tục không cần thiết để tạo bước đột phá về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư.

Ưu đãi đối với đầu tư vùng nông nghiệp nông thôn

Một số ý kiến cho rằng ưu đãi đầu tư được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau gây khó khăn cho nhà đầu tư, cần quy định về ưu đãi đầu tư cụ thể hơn và đặt trong tương quan so sánh với các nước cùng khu vực.

Nhiều ý kiến cho rằng quy định về lĩnh vực ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư là quá chung chung, chưa hợp lý, đề nghị quy định cụ thể lĩnh vực ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư, nhất là quy định cụ thể về ưu đãi đầu tư đối với khu vực nông thôn.

Theo đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang), dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng đã quy định ưư tiên ưu đãi đầu tư đối với các lĩnh vực nuôi trồng, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản; trồng và bảo vệ rừng; làm muối; khai thác hải sản; sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi; sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị luật cần cụ thể hơn đối với các ngành nghề khai thác hải sản để tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt xa bờ.

Ngoài ra, cũng theo đại biểu Danh Út, quy định trên cũng chưa đầy đủ vì vậy cần bổ sung thêm, quy định về ưu đãi với hậu cần nghề cá và khai thác hải sản. Đại biểu Danh Út cũng cho rằng, luật quy định ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư vào nông nghiệp nông thôn có quy mô 500 lao động, như vậy là quá cao. Đại biểu đề nghị cần ưu tiên đối với những dự án chỉ cần có quy mô từ 300 lao động trở lên là phù hợp.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Danh Út, đại biểu Phạm Văn Cường (đoàn Lào Cai) nêu ý kiến về ưu đãi đối với phát triển vận tải công cộng tại khu vực nông thôn. Theo đại biểu, vấn đề này là rất cần thiết nhưng chưa đầy đủ và chưa công bằng vì hiện tại chỉ ưu đãi đầu tư đối với vận tại tại các khu vực thành thị nhưng không ưu đãi đầu tư đối với vận tải tại khu vực nông thôn.

Đại biểu Phạm Văn Cường đề nghị bổ sung phát triển vận tải hành khách công cộng tại các đô thị và bổ sung thêm ở nông thôn và hải đảo.

Liên quan đến quy mô dự án đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, đại biểu cũng đồng tình với y kiến ưu đãi đối với những dự án đầu tư vào khu vực nông thôn chỉ cần có quy mô sử dụng hơn 300 lao động trở lên để tạo điều kiện hơn cho các doanh nghiệp mở rộng phát triển góp phần tạo việc làm cho khu vực này./.

 

(Theo TTXVN)