Dự án Luật dân sự (sửa đổi): Tránh phức tạp hóa không cần thiết

13/11/2014

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, sáng nay (13/11), Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Bộ Luật dân sự (sửa đổi).

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Vĩnh Long và Bạc Liêu thảo luận tại tổ. Ảnh: An Đăng – TTXVN

Dự án Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) là bộ luật chung, bộ luật lớn, làm cơ sở pháp lý chung nhất để các luật chuyên ngành căn cứ vào đó quy định các nội dung chi tiết. Do vậy, nhiều đại biểu cho rằng, Bộ luật dân sự sửa đổi không nên quy định quá chi tiết.

Nhiều ý kiến của đại biểu đề nghị Dự án Bộ Luật dân sự (sửa đổi) bổ sung thêm phần giải thích từ ngữ vì trong luật có quá nhiều từ pháp lý chuyên ngành khó hiểu. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị: với những khái niệm, từ ngữ pháp lý đã quá quen thuộc với hành pháp và tư pháp, cũng như người dân mà không dẫn tới hiểu sai thì đề nghị giữ nguyên, tránh sự phức tạp hóa không cần thiết.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) góp ý: “Về quyền và vật quyền, trước đây gọi là quyền và quyền sở hữu cá nhân, hoặc gọi là giao dịch dân sự nhưng bây giờ gọi là hành vi dân sự. Đây là từ mới, khái niệm mới. Đề nghị Tòa án, Viện Kiểm sát phải tổng kết, nếu dùng những từ ngữ mới phù hợp với thực tiễn thì nên sử dụng còn nếu luật cũ ghi là giao dịch dân sự, Tòa án và Viện kiểm sát không hiểu sai và nhân dân cũng hiểu quen rồi thì cũng không cần thiết phải sửa”.

Đồng tình với việc phân làm 2 loại gồm tư cách pháp nhân thương mại và tư cách pháp nhân phi thương mại, nhưng một số ý kiến của đại biểu đề nghị ban soạn thảo làm rõ khái niệm bao hàm của tư cách pháp nhân phi thương mại để tránh gặp những vướng mắc không đáng có sau này.

Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (đoàn Bình Thuận) phân tích: nếu giải thích pháp nhân phi thương mại là có tên tuổi, có văn phòng chính, có tài khoản, có bổ nhiệm, miễn nhiệm và hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, lợi nhuận không chia cho các thành viên thì hợp tác xã hay các tổ chức đoàn thể cũng được xem là pháp nhân phi thương mại.

Về hình thức sở hữu, dự luật đưa ra 2 phương án. Phương án 1 gồm 3 hình thức sở hữu là sở hữu chung, sở hữu riêng và sở hữu toàn dân. Phương án 2 quy định 2 hình thức sở hữu là sở hữu chung và sở hữu riêng.

Theo đại biểu Lê Đình Khanh, đoàn Hải Dương, nên để 2 hình thức sở hữu là sở hữu chung và sở hữu riêng. Bởi vì sở hữu toàn dân là đặc thù nhưng thực ra là một hình thức sở hữu chung.

Theo chương trình, chiều nay Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về Dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Dự án Luật thú y./.

 

(Theo TTXVN)