Bế mạc Phiên họp thứ Hai mươi của UBTVQH

15/05/2009

* Kỳ họp thứ Năm, QH Khóa XII đã và đang được chuẩn bị khẩn trương, chu đáo, bảo đảm các yêu cầu đề ra * Cho ý kiến đối với việc sửa đổi Nghị quyết 1003 về chế độ đối với Kiểm toán Nhà nước

Chiều 14.5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã bế  mạc Phiên họp thứ Hai mươi.

Trước đó, trong ngày làm việc cuối cùng của Phiên họp, UBTVQH đã cho ý kiến về Đề án tiếp nhận và đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng liên minh Nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA); Việc sửa đổi Nghị quyết 1003/2006/NQ- UBTVQH11 của UBTVQH về chế độ đối với Kiểm toán Nhà nước; Việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Năm, QH Khóa XII...

Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ đã trình bày Tờ trình của Kiểm toán Nhà nước về việc sửa đổi một số nội dung của Nghị quyết 1003/2006/NQ- UBTVQH11 (gọi tắt là NQ 1003), trong đó đề xuất sửa đổi chế độ ưu tiên đối với kiểm toán viên nhà nước. Theo NQ 1003 của UBTVQH Khóa XI thì Kiểm toán Nhà nước được trích 2% số tiền thực nộp vào Kho bạc Nhà nước (do Kiểm toán Nhà nước phát hiện). Kiểm toán Nhà nước đã sử dụng kinh phí này để khuyến khích, thưởng, hỗ trợ công tác phí cho kiểm toán viên; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động kiểm toán. Tuy nhiên, theo dự báo nguồn kinh phí 2% trên có xu hướng giảm dần. Do đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị UBTVQH cho phép Kiểm toán Nhà nước được trích 2% trên số tiền do Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị bao gồm: Các khoản tăng thu ngân sách nhà nước đã nộp ngân sách nhà nước; các khoản chi sai chế độ đã nộp ngân sách nhà nước; các khoản chi sai chế độ đã giảm trừ dự toán, giảm thanh toán, cấp phát từ ngân sách nhà nước… Căn cứ để trích nguồn kinh phí 2% cho Kiểm toán nhà nước là số liệu báo cáo của Bộ Tài chính và kiểm tra của Kiểm toán Nhà nước. Bộ trưởng Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm trước QH, UBTVQH và Chính phủ về tính trung thực và chính xác của số liệu báo cáo.

Trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển bày tỏ quan điểm của Ủy ban là cơ bản đồng tình với đề xuất của Kiểm toán Nhà nước. Về căn cứ để trích nguồn kinh phí 2%, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, nếu chỉ căn cứ vào số liệu báo cáo của Bộ Tài chính và kiểm tra của Kiểm toán nhà nước là chưa chính xác, chưa đầy đủ. Do vậy, căn cứ trích 2% là số thu ngân sách nhà nước phát hiện tăng thêm, số chi sai chế độ do Kiểm toán Nhà nước phát hiện đã nộp ngân sách nhà nước có xác nhận của Kho bạc Nhà nước... 

Tờ trình về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Năm, QH Khóa XII do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn trình bày cho biết: Đến nay, cơ bản các nội dung của Kỳ họp đang được các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thành, bảo đảm yêu cầu đề ra. Các nội dung trình tại Kỳ họp thứ Năm đều đã được UBTVQH cho ý kiến. Một số tài liệu đã được hoàn chỉnh gửi đến các vị ĐBQH. Việc bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất đều đã và đang được tiếp tục chuẩn bị chu đáo. Trên cơ sở nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các Đoàn ĐBQH, các vị ĐBQH và các cơ quan hữu quan, VPQH đề nghị bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ Năm một số nội dung đáng quan tâm như: Nguồn vốn sử dụng góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội có nguồn gốc ngân sách nhà nước; Việc miễn, giảm, giãn thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân; Việc QH xem xét các báo cáo về việc điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế, bội chi ngân sách, việc phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ năm 2009, dự án đầu tư tại Venezuela của Tập đoàn dầu khí Việt Nam... VPQH cũng đề nghị bổ sung việc trình QH xem xét, cho ý kiến về Đề án Đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2008-2012.

Các Ủy viên UBTVQH cơ bản nhất trí nội dung Tờ trình. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đề nghị bố trí thời gian thảo luận về Đề án đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2008-2012, không nên chỉ thảo luận ở tổ mà có thể bố trí thêm 1 ngày để QH thảo luận tại Hội trường.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng, đối với những dự án Luật mà QH cho ý kiến và thông qua tại một kỳ họp- nên bố trí thời gian thảo luận dài hơn và nên trình sớm hơn; Nên lấy mốc từ 13- 14 ngày sau khi đưa ra thảo luận thì hãy bố trí phiên họp thông qua dự án luật đó để các cơ quan hữu quan có thời gian chuẩn bị.

Về cách thức tổ chức và tiến hành Kỳ họp, QH vẫn tiếp tục thực hiện việc giảm thời gian đọc báo cáo, tăng thời gian thảo luận; chia tổ thảo luận; tổ chức hợp lý công tác ghi biên bản; tập hợp, tổng hợp ý kiến thảo luận của ĐBQH... Dự kiến tổng thời gian làm việc thực tế của QH tại Kỳ họp thứ Năm là khoảng 26 ngày, dự phòng 1 ngày. Theo Chương trình, Kỳ họp thứ Năm, QH Khóa XII sẽ khai mạc vào ngày 20.5.2009 và bế mạc ngày 19.6.2009.

Lâm Hiển

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)