Tại phiên họp thứ 20 của Uỷ ban Thường vụ QH: Chính phủ trình đề án Đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2008-2012

14/05/2009

Tại phiên họp thứ 20 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, hôm qua 13-5, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã trình Đề án đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2008-2012. Dự phiên họp có đại diện các bộ, ngành hữu quan và một số cơ quan của QH.

Sau khi trình bày sự cần thiết đổi mới cơ chế tài chính lĩnh vực nói trên và quá trình xây dựng Đề án, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ hai mục tiêu của Đề án là: Xây dựng cơ chế tài chính mới cho giáo dục và đào tạo, nhằm huy động ngày càng tăng và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của nhà nước và xã hội để nâng cao chất lượng và tăng quy mô giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thật sự coi giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Xây dựng hệ thống các chính sách để tiến tới mọi người ai cũng được học hành với nền giáo dục có chất lượng ngày càng cao.

Cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo gồm tám nội dung sau đây:

- Xác định nhu cầu tài chính cho các mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo. Xác định các nguồn lực từ ngân sách và xã hội và các giải pháp huy động và sử dụng tài chính khả thi và hiệu quả, từ đó bảo đảm cân đối nhu cầu và nguồn lực tài chính bền vững cho phát triển giáo dục và đào tạo quốc gia;

- Quy định về trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan quản lý Nhà nước trung ương và địa phương trong việc lập và thực hiện kế hoạch ngân sách cho giáo dục và đào tạo;

- Quy định về nguyên tắc xác định mức học phí mầm non, phổ thông và đào tạo nghề nghiệp. Quy định về thẩm quyền quyết định mức học phí và xác định mức học phí của các cơ quan T.Ư, địa phương và các cơ sở giáo dục và đào tạo;

- Xây dựng các chính sách của Nhà nước hỗ trợ việc học tập của nhân dân: Quy định đối tượng không phải đóng học phí, miễn giảm học phí, đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập; đối tượng được hưởng học bổng chính sách và trợ cấp xã hội; đối tượng được vay vốn ưu đãi để đi học. Quy định cơ chế thực hiện miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập;

- Xây dựng cơ chế và chính sách khuyến khích xã hội đầu tư cho giáo dục và đào tạo;

- Quy định về lương và các chính sách khuyến khích đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục;

- Quy định các nghĩa vụ và quyền hạn về tài chính của các cơ sở giáo dục và đào tạo;

- Quy định về trách nhiệm và quyền giám sát, kiểm tra của các Bộ và cơ quan quản lý nhà nước đối với việc sử dụng ngân sách cho giáo dục và đào tạo.

Theo đó, đổi mới phương thức xây dựng và giao kế hoạch ngân sách, cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước cho các mục tiêu của giáo dục đào tạo, như: đổi mới phương thức xây dựng và giao kế hoạch ngân sách cho ngành giáo dục đào tạo theo hướng lập kế hoạch và giao trần ngân sách trung hạn (ba năm). Ngân sách nhà nước đầu tư cho các cơ sở giáo dục đào tạo công lập bảo đảm đạt mức chất lượng cần thiết tối thiểu.

Xây dựng cơ chế thích hợp để huy động các nguồn lực cho giáo dục, chẳng hạn Nhà nước khuyến khích sự đóng góp của xã hội cho giáo dục theo khả năng của hộ gia đình, của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp; khuyến khích thành lập và phát triển các cơ sở giáo dục và đào tạo ngoài công lập.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập đào tạo giảng viên có trình độ cao; thực hiện các chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; cấp bù học phí (với mức học phí của các trường công lập trong vùng) cho con em các đối tượng chính sách học ở các trường mầm non, phổ thông ngoài công lập.

Sửa đổi chế độ học phí của các trường công lập theo hướng:

Mức học phí và các chi phí học tập hợp lý khác của hộ gia đình cho con em đi học mầm non và phổ thông không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình, do đó luôn nằm trong khả năng chi trả của hộ gia đình. Mức học phí do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương và thu nhập của hộ gia đình trên địa bàn;

Mức học phí đối với đào tạo công lập (dạy nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học) từng bước bảo đảm chi thường xuyên của các nhóm ngành, về lâu dài tiến tới phải bảo đảm chi phí đào tạo.

Các cơ sở đào tạo cung cấp chương trình đào tạo chất lượng cao, được thu học phí cao hơn để bù đắp chi phí đào tạo cao hơn. Thực hiện miễn học phí đối với học sinh tiểu học. Thay đổi chính sách miễn học phí đối với sinh viên ngành sư phạm hiện nay bằng chính sách tín dụng sinh viên, khi ra trường nếu đi dạy học ít nhất năm năm (đối với đại học, cao đẳng) và ba năm (đối với trung cấp chuyên nghiệp) thì nhà nước sẽ xoá nợ (cả gốc và lãi) phần chi trả cho học phí;

Thông qua chi từ ngân sách và thu học phí ở các trường công lập, Nhà nước bảo đảm thu nhập của giáo viên công lập ổn định đời sống và ngày càng được cải thiện;

Mức học phí được phân biệt giữa chương trình đào tạo đại trà (chương trình đạt mức chất lượng cần thiết tối thiểu) và chương trình đào tạo chất lượng cao.

Đối với chương trình đại trà: học phí ở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông thu theo nguyên tắc chung là học phí và các khoản chi cần thiết khác cho việc học tập không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình theo từng địa phương. Học phí đối với đào tạo nghề nghiệp từ bậc sơ cấp đến bậc trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí giữa nhà nước và người học, học phí phải bảo đảm bù đắp chi phí tiền lương, từng bước bảo đảm chi thường xuyên tối thiểu của các nhóm ngành tiến tới bảo đảm bù đắp chi phí đào tạo.

Các trường phổ thông chuyên là cơ sở giáo dục để đào tạo nhân tài của các địa phương. Các trường được đầu tư cao từ ngân sách và vận động xã hội tài trợ để các em có điều kiện học tập, rèn luyện đặc biệt tốt. Mức học phí ở các trường phổ thông chuyên thực hiện theo quy định chung của địa phương, không cao hơn các trường phổ thông đại trà khác trên địa bàn.

Các trường dân tộc nội trú được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoàn toàn chi phí hoạt động, người học không phải đóng học phí.

Học phí của khối đào tạo các trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học công lập được xác định mức thu học phí theo nhóm ngành nghề đào tạo trong khung học phí quy định của Chính phủ.

Khung học phí đại học của các nhóm ngành đào tạo đại trà giai đoạn 2008-2012 như sau: Khoa học xã hội, kinh tế, luật từ 250.000 đồng đến 550.000 đồng/tháng/sinh viên; Kỹ thuật, công nghệ: từ 270.000 đồng đến 650.000 đồng; Khoa học tự nhiên: từ 270.000 đồng đến 650.000 đồng; Nông-lâm-thuỷ sản: từ 230.000 đồng đến 550.000 đồng; Y dược: từ 290.000 đồng đến 800.000 đồng; Thể dục thể thao, nghệ thuật: từ 270.000 đồng đến 650.000 đồng; Sư phạm: từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng

Khung học phí của trung cấp nghề và cao đẳng nghề của các nhóm nghề đào tạo đại trà giai đoạn 2008-2012 như sau: Khối thăm dò địa chất, thuỷ văn, khí tượng: từ 300.000 đồng đến 700.000 đồng/tháng/học sinh; Khối hàng hải: từ 260.000 đồng đến 610.000 đồng; Khối y tế, dược: từ 250.000 đồng đến 580.000 đồng; Khối cơ khí luyện kim, kỹ thuật điện và điện, kỹ thuật xây dựng: từ 240.000 đồng đến 560.000 đồng; Khối công nghệ lương thực và thực phẩm: từ 230.000 đồng đến 540.000 đồng; Khối kỹ thuật bảo quản và vật tư hàng hoá: từ 220.000 đồng đến 530.000 đồng; Khối văn hoá, thể thao-du lịch: từ 210.000 đồng đến 520.000 đồng; Khối kỹ thuật điện tử, bưu chính viễn thông: từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.

Mức học phí đối với đào tạo không chính quy bảo đảm bù đắp chi phí thường xuyên tối thiểu và không vượt quá 150% mức học phí chính quy cùng cấp học và các nhóm ngành nghề đào tạo.

Các cơ sở đào tạo ngoài công lập và của nhà đầu tư nước ngoài được tự quyết định mức thu học phí, nhưng phải thực hiện ba công khai: chất lượng đào tạo, nguồn lực đào tạo (giáo viên, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học...) và tài chính, đóng thuế theo quy định của nhà nước.

Đối với chương trình chất lượng cao tại các cơ sở công lập: phần chi phí tăng thêm ngoài phần chi của Nhà nước để có chất lượng cao hơn sẽ do người học chi trả.

Các cơ sở giáo dục và đào tạo ngoài công lập được quyền chủ động xây dựng mức học phí, thông báo công khai mức học phí cho từng năm học (khối mầm non và phổ thông) hoặc cả khoá học (khối đào tạo nghề nghiệp) đồng thời phải công khai về thu chi tài chính, nguồn lực (chương trình đào tạo, sách giáo khoa, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục...) và chất lượng giáo dục để nhà nước, người học, gia đình người học và xã hội tham gia giám sát, đánh giá.

Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về các nội dung cơ bản của Đề án này, trong đó trọng tâm là hai mục tiêu tổng quát và tám nội dung đổi mới cơ chế tài chính như đã trình bày trên đây.

Thường trực Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH cũng như nhiều ý kiến phát biểu cơ bản tán thành sự cần thiết đổi mới cơ chế tài chính nêu trong Tờ trình của Chính phủ, đồng thời cho rằng, Đề án đề xuất thay đổi về chính sách học phí là vấn đề đặc biệt nhạy cảm, có tác động lớn đến đời sống xã hội. Trong khi mức sống của nhân dân ta còn thấp, xã hội còn quen với cơ chế bao cấp trong giáo dục thì việc tăng học phí của các cấp học có thể sẽ chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội.

Thường trực Uỷ ban cơ bản đồng ý với chính sách học phí và hỗ trợ người học với những nội dung nêu trong Đề án. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung, làm rõ một số vấn đề như lộ trình tiến tới miễn học phí đối với cấp trung học cơ sở cũng cần phải được làm rõ vì hiện nay theo mục tiêu của Chiến lược giáo dục thì tới năm 2010 nước ta sẽ phổ cập xong trung học cơ sở.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)