Xã hội hóa công tác thi hành án dân sự: Nên hay không?

26/05/2008

Sáng 24/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Dự án Luật thi hành án dân sự. Nội dung thu hút sự quan tâm của đại biểu là vấn đề xã hội hóa công tác thi hành án dân sự.

(VOV)_Đóng góp ý kiến về nội dung này, đa số đại biểu đều nhấn mạnh về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc xã hội hóa công tác thi hành án, góp phần làm giảm sự quá tải hiện nay ở các cơ quan thi hành án của Nhà nước, một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tồn đọng một số lượng lớn án dân sự trong thời gian qua. Ý kiến của các đại biểu cũng cho rằng xã hội hóa thi hành án là cần thiết và phù hợp với chiến lược cải cách hành chính, cải cách tư pháp và phù hợp với sự phát triển của xã hội. Bên cạnh đó, việc bổ sung quy định về xã hội hóa hoạt động thi hành án trong Dự thảo Luật còn nhằm thể chế hóa nội dung Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan Nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án.

Xã hội hóa hay nâng cao năng lực cơ quan thi hành án

Đại biểu Phạm Văn Hà (đoàn Nghệ An) phân tích, xã hội hóa hoạt động thi hành án khác với xã hội hóa việc giáo dục và y tế. Chúng ta mới chỉ đang bàn về vấn đề xã hội hóa thi hành án nhưng ngoài xã hội đã xuất hiện nhiều tổ chức, hoạt động mang tính chất “xã hội đen” như tổ chức đi đòi nợ thuê đã tập hợp những đối tượng có tiền án, tiền sự gây mất trật tự trị an xã hội, xâm phạm tới sức khỏe, tính mạng, tài sản của những người khác. Nhà nước của chúng ta là Nhà nước của dân, do nhân dân và vì nhân dân, công tác thi hành án nhằm đảm bảo cho quyền lợi, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của các tổ chức, của công dân và trật tự trị an.

Vì vậy, theo đại biểu Phạm Văn Hà, nếu cơ quan thi hành án dân sự thiếu người thì đề nghị tăng biên chế và nếu công việc khó khăn, phức tạp thì cũng cần tăng thêm phụ cấp. Trong tình hình hiện nay, Quốc hội chưa nên quy định trong dự thảo về việc xã hội hóa hoạt động thi hành án kể cả việc ra nghị quyết thí điểm về xã hội hóa thi hành án. Vấn đề trước mắt cần tập trung nghiên cứu là làm sao để nâng cao năng lực, hiệu quả của cơ quan thi hành án.

Xã hội hóa thi hành án hay xã hội hóa một số công việc thi hành án?

Đại biểu Trần Thế Vượng (đoàn Hải Dương) đặt vấn đề, Nghị quyết về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Đảng có nêu rõ: "từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan Nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án". Theo đại biểu, ở đây cần có sự phân biệt là xã hội hóa thi hành án hay là xã hội hóa một số công việc thi hành án. Đây là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau. Đại biểu cho rằng nếu đặt vấn đề xã hội hóa thi hành án thì cần làm sáng tỏ một số vấn đề như thi hành án dù là tư pháp hay hành chính tư pháp, hay là loại hình gì nữa thì cũng là quyền lực Nhà nước. Như vậy có thể đem giao quyền lực Nhà nước cho người dân thực hiện hay không? Đây là một vấn đề rất lớn. Đại biểu cho rằng, nếu đem giao quyền lực Nhà nước cho người dân (người dân ở đây có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật  được cấp giấy chứng nhận hành nghề), phải chăng quyền lực Nhà nước cũng là một nghề? “Như vậy phải chăng sẽ có cả hành nghề lập pháp, quản lý hành chính Nhà nước? Hành nghề tư vấn pháp luật, hành nghề luật sư, hành nghề công chứng có thể có, nhưng mà hành nghề về quyền thực thi quyền lực Nhà nước thì thật là khó hiểu!”, đại biểu Trần Thế Vượng nhấn mạnh.

Cần một lộ trình

Đại biểu Phan Thị Mỹ Bình (đoàn Tuyên Quang) cho rằng xã hội hóa thi hành án dân sự là một chủ trương lớn, vì vậy cần phải được nghiên cứu kỹ, xác định những khâu nào được xã hội hóa, những công việc gì được và không được giao cho tổ chức, cá nhân không phải là cơ quan Nhà nước thực hiện. Đại biểu đề nghị, nội dung Điều 14 Dự thảo Luật chỉ nên quy định về mặt nguyên tắc và giao cho Chính phủ hướng dẫn thực hiện. Trong đó, hướng dẫn về điều kiện tổ chức, cá nhân có thể thực hiện một số công việc thi hành án, phạm vi, nội dung xã hội hóa, hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức, cá nhân không phải là cơ quan Nhà nước thực hiện. Đồng thời, làm cơ sở cho Nghị quyết thi hành luật này, giao cho Chính phủ tổ chức thí điểm xã hội hóa một số hoạt động thi hành án dân sự, trong đó có vấn đề thừa phát lại.

Đại biểu Nguyễn Hồng Diện (đoàn Hậu Giang), Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) đề nghị cần có một lộ trình và một bước đi chặt chẽ cho chủ trương này. Các đại biểu này cho rằng có thể tổ chức thí điểm chứ không nhất thiết phải đưa vào Luật thi hành án dân sự để tổ chức vấn đề này.

Cũng trong buổi sáng 24/5, Quốc hội nghe và thảo luận về Dự án Luật quốc tịch sửa đổi./.

 

Thanh Hà - Cẩm Thủy

(http://www.vovnews.vn)