Quốc hội thảo luận các dự án: Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

16/05/2008

ND - Ngày 15-5, tại kỳ họp thứ ba, QH khóa XII, các đại biểu thảo luận tại Hội trường các dự án Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi); Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên.

Thảo luận dự án Luật thuế GTGT (sửa đổi), hầu hết các ý kiến phát biểu đều thể hiện sự nhất trí và tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật này cho phù hợp với thực tế tình hình sản xuất, kinh doanh của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Ðồng thời tập trung góp ý kiến  về những vấn đề cơ bản của dự án Luật.

Ðại biểu Trần Ðình Long (Ðác Lắc) cho rằng, tại khoản 7, Ðiều 5 của dự án Luật có bổ sung chuyển nhượng vốn và các dịch vụ tài chính phát sinh vào diện không chịu thuế nhưng chưa làm rõ vì sao những dịch vụ này lại được ưu tiên như vậy?

Ðại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) quan tâm tới Ðiều 9 của dự thảo khi đặt ra mức thuế suất 5% đối với một số sản phẩm, hàng hóa đầu vào của sản xuất nông nghiệp và nhấn mạnh đây là mức thuế cần xem lại vì như vậy người nông dân sẽ phải gánh thêm thuế GTGT. Trong khi hiện nay, nông dân nước ta còn gặp nhiều lúng túng, khó khăn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, giá trị vật tư tăng cao, thiên tai và dịch bệnh liên tục xảy ra... Khoản 2, Ðiều 9 quy định các sản phẩm phục vụ giáo dục, học tập thuộc diện chịu thuế suất 5% là không hợp lý trong giai đoạn hiện nay.

Tán thành với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Tiến Quân (Quảng Nam) nêu rõ, không nên "đánh đồng" các đối tượng chịu thuế và hiện nay 13-14 triệu hộ  nông dân đang chịu sự tác động trực tiếp và lớn nhất trong việc thực hiện thuế GTGT. Vì vậy, cần ưu tiên những hàng hóa, sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp và phục vụ đời sống nông dân.

Ðại biểu này đề nghị đưa các dịch vụ đầu vào của sản xuất nông nghiệp như cày, bừa đất, nạo vét kênh mương... vào diện không chịu thuế; đưa nhóm máy móc, phương tiện phục vụ sản xuất nông nghiệp chịu thuế suất 5% và nếu có thể nên miễn thuế, qua đó, giúp nông dân có điều kiện mua các trang thiết bị phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất và đời sống.

Về ba mức thuế suất 0%, 5%, 10% mà dự thảo đưa ra, đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) thể hiện sự nhất trí cao nhưng đề nghị chuyển một số đối tượng đang chịu thuế từ 5% sang 10% sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp và có thể sẽ không thực hiện được; hơn nữa, với mức thuế suất 10% thì số thu thuế tuyệt đối chưa chắc đã cao hơn mức 5%.

Ðại biểu Bùi Thị Hòa (Ðắc Nông) nhất trí với việc đưa ra ba mức thuế suất nhưng cho rằng, đưa các sản phẩm đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp chịu thuế là không hợp lý vì sẽ làm giảm thu nhập của người nông dân, vì vậy nên đưa vào diện không chịu thuế.

Khác với những ý kiến này, đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) lại đề nghị dự thảo luật không nên đưa ra ba mức thuế suất  mà nên đưa về một mức là 10%, vì nếu đưa ra ba mức khác nhau sẽ gây khó khăn cho các hoạt động của các doanh nghiệp vì không thể khấu trừ, hơn nữa sẽ dẫn tới hiện tượng nhà nước bị thất thu thuế. Bên cạnh đó, cần xem xét việc đưa tất cả các đối tượng kinh doanh thương mại đều thuộc diện phải nộp  thuế GTGT, còn những chính sách ưu đãi nên đưa vào việc hoàn thuế và phương pháp hoàn thuế cần tiến hành đơn giản, minh bạch.

Nhiều ý kiến đề nghị, cần bổ sung những chế tài hợp lý để việc quản lý, kiểm soát hóa đơn tài chính chặt chẽ hơn, tránh những hiện tượng tiêu cực xảy ra, gây thất thu thuế của Nhà nước. Một số ý kiến đề nghị đưa bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, xây dựng các nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, các phương tiện phục vụ người khuyết tật... vào diện không chịu thuế.

Có ý kiến đề xuất, để khuyến khích các làng nghề truyền thống phát triển, nên bổ sung nghề sản xuất đay, cói, tre, lá vào diện đối tượng không chịu thuế; các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt, bán ra ở các khâu nhập khẩu nên đưa vào diện chịu thuế để tạo công bằng về lợi ích và thúc đẩy cơ cấu sản xuất nông nghiệp có hiệu quả cao hơn, nền nếp hơn.

Thảo luận về dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), hầu hết ý kiến của đại biểu QH đều tán thành và nhất trí cao với việc sửa đổi lần này, nhằm tiếp tục tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bảo đảm công bằng, bình đẳng trong cạnh tranh; thực hiện giảm mức thuế suất chung để doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy, tích tụ đổi mới thiết bị, đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cải cách ưu đãi thuế nhằm tạo sự chuyển biến trong phân bố nguồn lực, khuyến khích và thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn và một số ít ngành, lĩnh vực quan trọng theo chính sách phát triển của Nhà nước trong giai đoạn sắp tới trên cơ sở thu hẹp diện ưu đãi theo ngành, lĩnh vực. Việc sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp cần hướng tới bảo đảm và tăng trưởng nguồn thu cho ngân sách.

Về mức thuế suất chung, dự án luật quy định sẽ giảm từ 28% xuống còn 25% được nhiều đại biểu QH tán thành, cho rằng, mức giảm này là phù hợp, vẫn bảo đảm nguồn thu cho NSNN, nhưng một số đại biểu QH đề nghị cần giảm hơn nữa.

Ðại biểu Nguyễn Thị Vân Yến (Hưng Yên) đề nghị đối với các doanh nghiệp sản xuất hoặc thương mại chịu mức thuế 25%, nhưng đối với các doanh nghiệp làm gia công nên áp dụng mức thuế là 22%.

Ðại biểu Phương Hữu Việt (Bắc Ninh) cho rằng mức 25% vẫn còn cao, để tăng sức cạnh tranh và thu hút đầu tư, cần giảm xuống mức 20% và ổn định trong một thời gian dài.

Nhiều đại biểu QH tán thành áp dụng thuế suất ưu đãi cho doanh nghiệp mới thành lập hoạt động tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn ở mức 10%, thực hiện trong 15 năm, nhưng cần quy định chặt chẽ, tránh doanh nghiệp "lách" luật (gần hết 15 năm, lập lại doanh nghiệp mới, chuyển sang địa bàn mới có điều kiện kinh tế-xã hội tương tự) để tiếp tục hưởng thuế suất ưu đãi.

Về một số khoản chi được khấu trừ khi xác định doanh thu tính thuế, nhiều đại biểu QH cho rằng, không nên chỉ là khoản chi cho giáo dục, mà trong điều kiện Việt Nam hiện nay, nên khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho y tế, cho XÐGN, cho công tác nhân đạo, từ thiện...

Ðại biểu Ðặng Ngọc Tùng (TP Hồ Chí Minh) đề nghị các quy định của dự luật cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhằm cải thiện mức sống của người lao động, vì thế, cần khấu trừ các khoản chi cho việc may trang phục, ăn giữa ca, xe đưa đón công nhân, và một số khoản chi mang tính xã hội.

Ðại biểu Nguyễn Tiến Quân (Quảng Nam) đề nghị Ban soạn thảo cần giữ nguyên chính sách ưu đãi của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (hiện hành) đối với khu vực kinh tế hợp tác xã, và bổ sung các chính sách ưu đãi đó vào Ðiều 14, Ðiều 15 của dự luật (sửa đổi) lần này, nhằm tạo điều kiện cho các hợp tác xã phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu hộ nghèo.

Các đại biểu QH cũng cho rằng, không nên quy định "cứng" tỷ lệ chi cho quảng cáo, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp, mà nên để doanh nghiệp tự chủ, hoặc nếu phải quy định, thì nên ở mức 20%; nhất trí việc doanh nghiệp cho thuê tài sản, hoặc có hoạt động chuyển nhượng bất động sản thì phải xác định riêng thu nhập chịu thuế từ hoạt động đó để kê khai nộp thuế riêng.

 

Song Linh và Trần Ðình Chính

(http://www.nhandan.com.vn/)