Ứng dụng năng lượng nguyên tử: An toàn là yếu tố hàng đầu

14/05/2008

Thảo luận về những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử, các Đại biểu Quốc hội cho rằng, độ an toàn của công nghệ ứng dụng năng lượng nguyên tử cao nhưng nếu xảy ra sự cố, hậu quả sẽ khôn lường. Chính vì thế, các quy định cần theo hướng đảm bảo độ an toàn cao nhất.

(VOV)_ Sáng nay (13/5), Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe và thảo luận những nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Hoạt động Chữ thập đỏ và dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều khiển phiên họp.

Dự thảo Luật Hoạt động Chữ thập đỏ gồm 34 điều, 8 chương; quy định về hoạt động chữ thập đỏ; vận động, tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn nhân lực cho hoạt động chữ thập đỏ; hợp tác quốc tế về hoạt động chữ thập đỏ; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong hoạt động chữ thập đỏ.

Tại phiên thảo luận sáng nay đã có 15 đại biểu phát biểu về Dự án Luật này. Trong đó, vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận là công tác vận động, tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn lực cho hoạt động chữ thập đỏ; quỹ hoạt động chữ thập đỏ; cứu trợ quốc tế và Hội chữ thập đỏ…

Các Đại biểu Quốc hội đều tán thành về sự cần thiết phải ban hành Luật Hoạt động Chữ thập đỏ; cho rằng Luật ra đời là nhằm thể chế chủ trương về hoạt động chữ thập đỏ của Đảng và Nhà nước, góp phần động viên các tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động từ thiện, nhân đạo, tạo hành lang pháp lý cần thiết điều chỉnh hoạt động chữ thập đỏ, tăng cường và thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động chữ thập đỏ, đồng thời thực hiện các cam kết quốc tế về hoạt động chữ thập đỏ và biểu tượng Chữ thập đỏ mà Việt Nam tham gia, mở rộng quan hệ, hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực nhân đạo.

Đối với Quỹ hoạt động chữ thập đỏ, hầu hết các ý kiến tán thành phải có quỹ để tiến hành các hoạt động chữ thập đỏ, nhưng phải quy định rõ nguyên tắc quản lý tài chính đối với các nguồn thu được từ hoạt động dịch vụ của Hội Chữ thập đỏ, kinh phí hoạt động thường xuyên của Hội, chi phí quyên góp vận động quỹ để đảm bảo sự minh bạch, rõ ràng. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đình Liêu, tỉnh Ninh Thuận cho rằng nếu chỉ quy định về kinh phí cho hoạt động của Hội Chữ thập đỏ là chưa đủ, cần bổ sung thêm các quy định về tư cách pháp nhân, con dấu…

Về vấn đề quản lý nhà nước, Đại biểu Nguyễn Thanh Huyền (tỉnh Phú Thọ) đề nghị, nên giao cho Bộ Lao động Thương binh Xã hội thay vì giao cho Bộ Nội vụ như hiện nay. Đại biểu Bùi Thị Lệ Phi (đoàn Cần Thơ) cho rằng, hoạt động về hiến máu nhân đạo  được quy định trong Luật còn chung chung, nên có quy định cụ thể hơn nữa nếu không sẽ trùng lặp với chức năng nhiệm vụ của Bộ Y tế.

Ứng dụng năng lượng nguyên tử phải tuyệt đối an toàn

Cũng trong buổi sáng nay, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh trình bày Báo cáo, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử và thảo luận về những nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật này.

Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử gồm 12 chương, chia thành 98 điều. Trong đó gồm các quy định về: quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử và lập, phê duyệt quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; về phát triển nguồn nhân lực; về đầu tư phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; về kiểm soát chiếu xạ do việc bức xạ gây ra; về lưu giữ, xử lý chất thải phóng xạ, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng; lấy ý kiến nhân dân về biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh và chính sách đầu tư tại địa bàn nơi xây dựng nhà máy điện hạt nhân; về kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan khi có sự cố xảy ra; về thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại bức xạ, thiệt hại hạt nhân và bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường…

Thảo luận tại Hội trường về dự thảo luật này, đa số Đại biểu Quốc hội đều cho rằng, năng lượng nguyên tử đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, có thể ứng dụng để sản xuất ra nguồn điện năng rất lớn, không phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, phục vụ cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Chính vì thế, Dự án Luật Năng lượng nguyên tử ra đời là rất kịp thời, quy định về các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh trong các hoạt động đó.

Những vấn đề còn ý kiến khác nhau được các đại biểu tập trung thảo luận là phạm vi điều chỉnh của luật, chính sách và nguyên tắc hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân…

Đại biểu Trịnh Thị Giới (đoàn Thanh Hóa) đề nghị nên giao cho Chính phủ quy định các giải pháp về chất thải phóng xạ nhằm đảm bảo an toàn chất thải phóng xạ. Theo đại biểu này, xây dựng nhà máy điện hạt nhân là vấn đề nhạy cảm khiến nhân dân ở địa phương đặt nhà máy e ngại sẽ xảy ra sự cố. Chính vì thế đại biểu đề nghị cần có chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển đời sống cho người dân, đảm bảo tính ưu tiên cho địa bàn đặt nhà máy.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Kiên Giang) cho rằng, ứng dụng năng lượng nguyên tử để phát triển điện hạt nhân là rất cần thiết trong thời điểm nước ta đang thiếu điện. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực rất mới đối với nước ta, độ an toàn của điện hạt nhân cao nhưng nếu xảy ra sự cố sẽ có hậu quả rất khôn lường. Chính vì thế, các quy định cần theo hướng đảm bảo độ an toàn cao nhất cho con người và môi trường.

Đại biểu Nguyễn Danh (đoàn Gia Lai) cho rằng các quy định về việc lưu giữ và vận chuyển nguồn phóng xạ trong dự thảo luật còn chưa đầy đủ. Trên thực tế, vẫn chưa có cơ chế rõ ràng cho việc vận chuyển nguồn phóng xạ không sử dụng đến, tới các kho lưu giữ quốc gia sao cho đảm bảo an toàn.

Chiều nay, Quốc hội nghe tờ trình và thảo luận dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật xuất bản; nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và một số tỉnh thành phố khác./.

 

 

Cẩm Thuỷ- Thanh Hà

(http://www.vovnews.vn/)