Khai mạc kỳ họp thứ 3, QH khóa XII: Chính phủ đề nghị giảm chỉ tiêu tăng trưởng năm 2008 còn 7%

07/05/2008

(HNMO) - Hôm nay, 6/5, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII bước vào ngày làm việc đầu tiên. Tiêu điểm được chú ý nhất là báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2007; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2008.

Báo cáo có nhan đề “Phấn đấu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững”, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày.

Theo đó, trong năm 2007, kinh tế tăng trưởng 8,48% so với năm 2006, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2007 được hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Bước sang năm 2008, nền kinh tế trong nước vấp phải nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Trong Quý I/2007, tốc độ tăng trưởng của cả nước tuy đạt khá cao (7,4%) nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (7,8%) và thấp xa so với mục tiêu kế hoạch cả năm (8,5-9% và phấn đấu đạt mức cao hơn); giá trị sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2008 tăng 16,4% nhưng thấp hơn cùng kỳ (16,7%), sản xuất nông nghiệp tăng trưởng cao hơn cùng kỳ nhưng đang gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 4 tháng đầu năm tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ cả về số lượng đăng ký mới (41,4%) và về số thực hiện (26%).

Nổi cộm lên và đáng lo ngại là tình hình lạm phát, giá cả tiêu dùng và nhập siêu tăng cao. Cụ thể: xuất khẩu 4 tháng đầu năm tăng cao hơn cùng kỳ năm trước (27,6% so với 22%) nhưng nhập khẩu tăng quá cao so với 4 tháng đầu năm 2007 (71% so với 33,6%), nhập siêu 4 tháng bằng 60,8% kim ngạch xuất khẩu và là mức nhập siêu cao nhất trong nhiều năm qua; giá tiêu dùng tuy đã có dấu hiệu chững lại nhưng vẫn ở mức rất cao, 4 tháng đầu năm 2008 tăng 11,6% so vơi tháng 12/2007, nếu so với 4 tháng năm 2007 thì tốc độ tăng giá lên đến 21,42%, là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua...

Tình hình trên ngoài nguyên nhân khách quan là sự suy giảm của nền kinh tế Mỹ và đồng đô la Mỹ mất giá, giá cả thế giới tăng đột biến, trong nước liên tiếp xảy ra thiên tai, dịch bệnh..., còn có nguyên nhân chủ quan trực tiếp, quan trọng là sự yếu kém, bất cập trong quản lý, điều hành của Chính phủ. Sự yếu kém này bộc lộ ở việc thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng trong nhiều năm, nhất là trong năm 2007, làm tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ tín dụng tăng cao gây áp lực trực tiếp đến lạm phát, một số biện pháp thắt chặt tiền tệ để ưu tiên kiềm chế lạm phát chưa thật thích hợp và đồng bộ, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan nên đã làm nảy sinh những khó khăn mới; tỷ lệ bội chi ngân sách ở mức 5% được giữ liên tục trong nhiều năm trong khi quy mô nền kinh tế ngày càng lớn nhưng chưa đặt ra kế hoạch phấn đấu giảm dần bội chi, nên không tạo được áp lực đối với việc kiểm soát và tiết kiệm chi ngân sách; vai trò của Nhà nước trong quản lý thị trường, trong đó có thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, và quản lý giá cả, quản lý xuất nhập khẩu còn nhiều bất cập, yếu kém, chậm đề ra các chính sách thích hợp, có hiệu quả để quản lý và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của các hoạt động này; công tác nghiên cứu dự báo và thông tin thị trường chưa được coi trọng đúng mức, năng lực tham mưu tổng hợp về kinh tế vĩ mô chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý điều hành; công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích tình hình vẫn chưa kịp thời, chưa rõ và thiếu nhất quán, nhất là trước những diễn biến mới và khi ban hành các chính sách, giải pháp có tính nhạy cảm, gây tâm tư lo lắng trong xã hội.

Trên cơ sở các dự báo về nền kinh tế thế giới có xu hướng tiếp tục suy giảm, giá cả và lạm phát toàn cầu gia tăng, thiên tai dịch bệnh diễn biến phức tạp..., Chính phủ nhận thấy, khả năng thực hiện một số chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2008 như mức đã xác định trước đây từ 8,5-9% và phấn đấu cao hơn là không còn phù hợp. Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 2008 ở mức khoảng 7%.

Song song với đó, để kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng bền vững, Chính phủ xác định 8 nhóm giải pháp lớn, trong đó đáng chú ý nhất là nhóm giải pháp thắt chặt chính sách tiền tệ, tài chính và tăng cường quản lý thị trường, giá cả.

Về thắt chặt chính sách tài chính, Chính phủ thực hiện theo hướng tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên và kiểm soát chặt đầu tư. Không điều chỉnh tăng tổng mức vốn đầu tư của ngân sách năm 2008 đã giao theo mặt bằng giá mới. Đình hoãn khởi công các dự án không có trong quy hoạch được duyệt, các dự án đã bố trí trong kế hoạch năm nhưng chưa khởi công, các dự án chưa đủ thủ tục đầu tư. Cắt giảm khoảng 25% nguồn vốn đầu tư từ trái phiếu Chính phủ trong năm 2008, chỉ phân bổ vốn cho các dự án nằm trong danh mục đã được phê duyệt và đã chuẩn bị xong thủ tục đầu tư. Thu hẹp danh mục và giảm mức hỗ trợ sau đầu tư để giảm cấp bù ngân sách....

Về thắt chặt chính sách tiền tệ, Chính phủ sẽ kiểm soát chặt việc  tăng tổng phương tiện thanh toán, tổng dư nợ tín dụng, nhưng vẫn đảm bảo tính thanh khoản của nền kinh tế và hoạt động lành mạnh của ngân hàng. Chủ động, linh hoạt sử dụng hợp lý các biện pháp thích hợp để định hướng và ổn định lãi suất. Thực hiện các giải pháp thích hợp không để đô la hóa nền kinh tế. Quản lý chặt chẽ việc thành lập mới, mở chi nhánh ngân hàng và tăng cường kiểm soát, giám sát hoạt động của các ngân hàng thương mại. Hoàn thiện thể chế và tăng cường quản lý để phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán, tiếp tục thực hiện chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp, điều tiết hợp lý việc tăng cung và bảo đảm chất lượng hàng hóa cho thị trường, kiểm soát chặt việc cho vay kinh doanh chứng khoán và lập mới công ty chứng khoán. Giảm dần thâm hụt cán cân vãng lai, duy trì thặng dư cán cân vốn, giữ vững cân bằng cán cân thanh toán tổng thể của nền kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn. Khuyến khích mạnh nguồn vốn kiều hối từ nhiều nguồn khác nhau.

Chính phủ cũng đề ra các chính sách tài chính, tiền tệ thích hợp để phát triển nhanh, lành mạnh thị trường bất động sản, trong đó chú trọng tăng nguồn cung về nhà ở cho người có thu nhập thấp và văn phòng cho thuê, khách sạn, hạ tầng khu công nghiệp, kiểm soát chặt việc cho vay kinh doanh bất động sản, kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai...

Về tăng cường quản lý thị trường, giá cả, theo tính toán của Chính phủ, nhu cầu của toàn bộ nền kinh tế về các mặt hàng thiết yếu năm 2008 tăng khoảng 14% so với năm 2007. Với nguồn hàng trong nước và tiến độ nhập khẩu như dự kiến kế hoạch là hoàn toàn đáp ứng đủ. Sản lượng lương thực nước ta từ nhiều năm qua cũng đã đủ bảo đảm tiêu dùng thường xuyên cho cả nước với giá cả hợp lý và còn xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai thế giới. Để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, đồng thời bảo đảm lợi ích của người trồng lúa, Chính phủ đã quy định lượng xuất khẩu gạo cả năm 2008 ở khoảng 3,5 đến 4 triệu tấn với tiến độ giao hàng thích hợp và đang nghiên cứu việc áp dụng thuế xuất khẩu gạo. Chính phủ cũng sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát, chống đầu cơ tích trữ và xử lý kịp thời những trường hợp lợi dụng biến động trên thị trường để nâng giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống, tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo đúng giá niêm yết, có chính sách khuyến khích xây dựng và phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ để bảo đảm cung ứng hàng hoá với giá cả hợp lý.

Chiều nay, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2007; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2008; về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2006.

Tại kỳ họp kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII, Quốc hội sẽ xem xét đề nghị của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2007, tình hình triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2008; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006; báo cáo công tác của các ngành Tòa án, Viện Kiểm sát; các báo cáo giám sát về một số chuyên đề; nghe báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh; việc thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác.

Khoảng hai phần ba thời gian kỳ họp lần này được dành cho công tác xây dựng pháp luật. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật, 1 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật và cho ý kiến về 7 dự án luật.

11 dự án luật và 1 nghị quyết được xem xét, thông qua gồm: Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước; Luật trưng mua, trưng dụng tài sản; Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản; Luật hoạt động chữ thập đỏ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy; Luật năng lượng nguyên tử; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí; Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Nghị quyết về việc thí điểm cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở có thời hạn tại Việt Nam.

7 dự án luật được cho ý kiến gồm: Luật công vụ; Luật quốc tịch (sửa đổi); Luật thi hành án dân sự; Luật bảo hiểm y tế; Luật công nghệ cao; Luật đa dạng sinh học; Luật giao thông đường bộ (sửa đổi).

 

 

Vân An

(http://www.hanoimoi.com.vn/vn/)