Sáng mai (6/5), kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII chính thức khai mạc: Quốc hội sẽ "mổ xẻ” chuyện lạm phát

06/05/2008

Hanoinet- Sáng mai (6/5), kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII chính thức khai mạc. Một trong những vấn đề lớn đáng quan tâm là Chính phủ sẽ giải trình như thế nào về điều hành kiềm chế lạm phát và việc điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng sẽ tác động đến nền kinh tế, công ăn việc làm và đời sống người dân ra sao?

Báo chí đã có cuộc gặp gỡ đầu tuần với ông Phùng Quốc Hiển, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội.

Quốc hội sẽ "mổ xẻ” chuyện lạm phát

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về kỳ họp Quốc hội lần này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều diễn biến không thuận?

Năm 2007 là năm chúng ta bước vào WTO nên bên cạnh những thuận lợi thì chúng ta đã gặp không ít khó khăn, thách thức. Cơ bản các mục tiêu đề ra đều đạt được, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,5%. Tuy nhiên, do không lường hết được tình hình nên lạm phát đã tăng tới 12,63%, vượt quá chỉ tiêu tăng trưởng. Năm nay diễn biến cũng hết sức phức tạp và sau ba tháng đầu năm lạm phát đã lên tới 9,19%, vượt khá xa so với mục tiêu lạm phát thấp hơn tăng trưởng mà Quốc hội đã đề ra.

Có nhiều nguyên nhân nhưng có nguyên nhân hết sức đáng chú ý là do sự quản lý, điều hành của Chính phủ. Tại kỳ họp này chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến cần trao đổi, làm rõ. Các đại biểu sẽ quan tâm đến những giải pháp mà Chính phủ thực hiện để kiềm chế lạm phát như thế nào, hiệu quả thế nào, khả năng đi đến bình ổn nền kinh tế ra sao...

Theo ông, Quốc hội sẽ làm rõ trách nhiệm trong điều hành kiềm chế lạm phát?

Ông nghĩ sao khi không ít cử tri băn khoăn rằng những dấu hiệu xấu của nền kinh tế thời gian qua có phần nguyên nhân từ năng lực điều hành của một số vị "tư lệnh" ngành?

Chúng ta mới kiện toàn lại bộ máy Chính phủ và thời gian đã qua là ngắn so với một nhiệm kỳ nên nếu đưa ra đánh giá thì hơi vội vàng và chưa thấu tình, đạt lý. Nếu chúng ta đặt cương vị mình vào một con người cụ thể thì thấy rằng quá trình để thực hiện một vấn đề còn muôn vàn khó khăn, thử thách. Cần phải có thời gian nhất định để đánh giá chất lượng điều hành, tham mưu của các thành viên Chính phủ. Cái đó thực tế sẽ kiểm nghiệm nhưng rõ ràng các bộ trưởng sẽ phải cố gắng rất nhiều.

 Trước hết, tôi khẳng định lại rằng trong nhiều nguyên nhân gây ra lạm phát có nguyên nhân điều hành tài chính, tiền tệ. Tuy nhiên, trong quí 1 năm nay Chính phủ đã có rất nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ và tình hình đã có những dấu hiệu chững lại. Chỉ số lạm phát tháng ba, tháng tư đã giảm hơn so với tháng một, tháng hai. Điều đó thể hiện sự cố gắng của Chính phủ và khẳng định những giải pháp Chính phủ đưa ra là "liều thuốc" mạnh, có tác động kiềm chế lạm phát. Tất nhiên vẫn có ý kiến cho rằng những giải pháp đầu năm 2008 chưa thật sự đồng bộ. Nhưng rõ ràng để xảy ra lạm phát thì Chính phủ phải có trách nhiệm giải trình trước Quốc hội và phải nhận những khuyết điểm, thiếu sót để xảy ra tình trạng đó.

Tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, điều này đồng nghĩa với việc đời sống người dân sẽ khó khăn hơn?

Điều đó là tất nhiên. Khi tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, lạm phát cao hơn thì rõ ràng đời sống nhân dân sẽ khó khăn, cơ hội việc làm, xóa đói giảm nghèo sẽ khó khăn hơn. Nhưng trong bối cảnh xảy ra lạm phát thì mọi người cùng phải chung sức, cùng "thắt lưng buộc bụng" để vượt qua khó khăn. Nhiều nước xảy ra khủng hoảng cũng đều phải chấp nhận "chung lưng đấu cật" để kiềm chế lạm phát. Khi kiềm chế được lạm phát, đưa kinh tế ổn định thì chúng ta sẽ thoát khỏi tình trạng bất ổn như hiện nay. Vì vậy khi điều chỉnh các chỉ tiêu, Chính phủ phải tính đến những tác động xấu kèm theo.

Tôi cho rằng Quốc hội phải chất vấn Chính phủ để làm rõ hơn trách nhiệm của Chính phủ, làm rõ hơn những giải pháp kiềm chế lạm phát. Nếu cần thiết thì có thể có nghị quyết để yêu cầu Chính phủ phải thực hiện tốt hơn các nghị quyết của Quốc hội. Việc điều chỉnh của Chính phủ như thế nào phải đưa ra Quốc hội bàn để có một phương án tối ưu nhất.

Liệu cử tri trông đợi gì ở việc chất vấn Chính phủ khi tại phiên chất vấn ở phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, nhiều vấn đề cũng chưa được giải đáp thỏa đáng?

Chất vấn sẽ có đổi mới, tập trung hơn. Các đại biểu Quốc hội phải đi vào những vấn đề trọng tâm nhất, bức xúc nhất. Không chỉ chất vấn để tìm ra cái đúng, cái sai mà phải tìm ra giải pháp giải quyết tình hình, ổn định tình hình, kiềm chế lạm phát đưa kinh tế phát triển. Nếu chất vấn chỉ để tìm ra cái đúng, cái sai thì không có ý nghĩa gì cả. Quan trọng là phải tìm ra giải pháp tích cực nhất, hiệu quả nhất và Chính phủ phải nhìn thấy những tồn tại trong thời gian qua để rút ra bài học, điều hành cho tốt hơn. Tôi nghĩ trong quá trình kiềm chế lạm phát, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm nên có thể những ý kiến đưa ra chưa thật sự xác đáng, chưa thật sự làm thỏa mãn cử tri.

Ông nghĩ sao về việc giải quyết kiến nghị của cử tri, việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng tại kỳ họp cuối năm ngoái?

Rất nhiều ý kiến cử tri, ý kiến đại biểu Quốc hội đã được Chính phủ nghiêm túc tổ chức thực hiện và có nhiều nội dung được giải quyết một cách thấu đáo, đạt yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, còn một số chưa đạt được yêu cầu mong muốn. Những gì chưa đạt được như xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, một số chương trình mục tiêu triển khai chậm, chất lượng chưa cao... thì kỳ này Chính phủ phải giải trình trước Quốc hội. Đấy là những vấn đề chắc chắn đại biểu sẽ có ý kiến trong kỳ họp này.

Đằng sau sự điều hành của Chính phủ có sự giám sát của Quốc hội nhưng thực tế lạm phát vẫn xảy ra, phải chăng sự giám sát chưa hiệu quả?

Phải nói thật là những kinh nghiệm và dự báo của chúng ta chưa đầy đủ. Ở kỳ họp cuối năm 2007 khi Quốc hội đưa ra nghị quyết thì tốc độ lạm phát thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng thực tế lạm phát sau đó đã vượt rất xa tăng trưởng. Đó là do chính chúng ta không lường hết được, không dự báo được tình hình nên chất lượng giám sát cũng ở mức độ nhất định. Giám sát xét cho cùng vẫn dựa vào thông tin nhưng thông tin không đầy đủ, không dự báo hết thì chất lượng giám sát sẽ bị phụ thuộc.

Thưa ông, cử tri sẽ trông đợi gì vào hoạt động giám sát của Quốc hội đối với sự điều hành của Chính phủ sau khi đã điều chỉnh các chỉ tiêu?

Quốc hội phải rút ra bài học kinh nghiệm thời gian qua để có biện pháp giám sát chặt chẽ hơn. Việc giám sát sẽ không chỉ dựa trên những chỉ tiêu cụ thể mà còn phải giám sát từ những giải pháp, giám sát quá trình tổ chức thực hiện và phải ban hành được những nghị quyết hoặc những văn bản luật phù hợp, đi vào cuộc sống. Các khâu này phải đồng bộ, chặt chẽ.

Quốc hội sẽ bàn nhiều chuyện "nóng"

Ngày mai (6/5), kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII sẽ chính thức khai mạc và kéo dài đến ngày 8/6 với các nội dung xây dựng pháp luật và xem xét nhiều vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng, trong đó dự báo những nội dung liên quan đến sự quản lý, điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ, tình hình lạm phát trong những tháng đầu năm cũng như việc Chính phủ kiến nghị điều chỉnh giảm chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế sẽ là những chủ đề "nóng".

Kỳ họp dự kiến sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, cho ý kiến về bảy dự án luật và xem xét báo cáo về các nội dung gồm kết quả thực hiện nhiệm vụ và ngân sách nhà nước năm 2007, việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2008; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006; xem xét các báo cáo công tác của chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; xem xét các báo cáo tổng kết việc thí điểm tổ chức, quản lý và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở TP.HCM và một số tỉnh, thành. Quốc hội cũng sẽ tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân; tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và một số tỉnh; xem xét, quyết định việc thí điểm cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở có thời hạn tại VN.

 

(http://www.ktdt.com.vn/)