Bước tiến mới trong hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

29/04/2008

Đây là lần thứ hai Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ và cũng là lần đầu tiên phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được phát thanh và truyền hình trực tiếp.

(VOV)_ Phiên họp thứ 8 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (QH) giám sát về vấn đề trật tự an toàn giao thông và chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng ngày 24/4 vừa qua, được cử tri cả nước quan tâm theo dõi và đánh giá cao việc đổi mớí hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Phiên họp thứ 8 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 12 vừa bàn thảo vấn đề an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông. Đây là vấn nạn quốc gia đã được đề cập nhiều lần nhưng lối ra vẫn chưa thấy rõ. Dù diễn ra đúng 1 ngày nhưng phiên họp đã để lại những dấu ấn đậm nét trong lòng mọi cử tri cả nước.

Điểm nổi bật rõ nhất của phiên họp này là tinh thần trách nhiệm, thái độ thẳng thắn, nghiêm túc và bao trùm hơn cả là tính dân chủ trong khi thảo luận đã tạo nên một phong cách làm việc mới của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sự chọn lựa vấn đề nóng và bức xúc.

Cử tri cả nước đang kêu ca, phàn nàn về tai nạn giao thông tăng, ùn tắc giao thông ngày càng trầm trọng. Hàng trăm, hàng ngàn gia đình đang đau đớn vì con mất cha, vợ mất chồng, họ hàng mất đi những người thân. Mỗi ngày tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng trên dưới 30 người cũng đang làm mất đi một lực lượng lao động chính, dẫn đến kinh tế nhiều gia đình sa sút, bấp bênh, khốn khó. Thực trạng này, yêu cầu QH cần phải có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và Chính phủ cần có biện pháp triển khai thật hiệu quả là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lần này, mang ý nghĩa hết sức thiết thực. Đây là nét mới, một bước tiến dân chủ của Uỷ ban Thường vụ QH để đưa tiếng nói và nguyện vọng của dân đến với các cơ quan quyền lực nhà nước.

Tiếp đó là không khí tranh luận thẳng thắn, công khai tại phiên họp đã được tiếp tục khơi nguồn. Điều này được thể hiện rõ nhất khi phiên họp mang tính giám sát chuyên đề này đã làm rõ trách nhiệm của của Chính phủ, địa phương, đơn vị và từng người dân trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông; về thực trạng, nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Sự tranh luận công khai là cần thiết để đảm bảo chế độ trách nhiệm và cải tiến hoạt động quản lý, điều hành. Việc phát thanh, truyền hình trực tiếp về phiên họp này không những giúp cho các đại biểu QH và cử tri theo dõi mà còn nhận thức sáng tỏ hơn nhiều câu hỏi lớn. Đó là vì sao tai nạn giao thông vẫn chưa được kiềm chế và ún tắc giao thông lại càng trầm trọng thêm? Tại sao việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông của chúng ta còn kém và bất cập? 

Có nơi xây cầu xong rồi để đó vì không có đường dẫn, nhưng có nơi đường đã làm xong lại phải chờ cầu? Có mâu thuẫn hay không trong chiến lược giao thông và phát triển công nghiệp xe máy? Qua đây, người dân hiểu rõ hơn trách nhiệm cá nhân của mình là phải chấp hành tốt hơn pháp luật về an toàn giao thông để cùng nhau giảm thiểu tai nạn giao thông, chứ không chỉ đổ lỗi cho chính quyền hay một cơ quan chức năng nào đó quản lý yếu kém.

Ba là, sự gắn kết giữa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với cử tri trong phiên họp ngày càng được tăng cường và mở rộng. Thông qua cuộc tường thuật trực tiếp của Đài TNVN, Đài Truyền hình Việt Nam, cử tri cả nước đã có sự phản hồi qua đường dây nóng đến cơ quan lập pháp. Sự gắn kết quan trọng này đã giúp Uỷ ban Thường vụ QH phản ánh được đầy đủ hơn khát vọng của cử tri; từ đó tạo thêm niềm tin cho cử tri và nhân dân đối với cơ quan cao nhất của QH. Cách đây gần 4 năm, các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ QH được mở cửa cho báo chí trong nước tham gia theo dõi và đưa tin rộng rãi.

Bước cải cách mang tính đột phá ấy đã tác động tích cực để cho hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đạt hiệu quả cao hơn. Tại phiên họp lần thứ 7 vừa qua, Uỷ ban Thường vụ QH, lần đầu tiên cũng đã tổ chức chất vấn các thành viên Chính phủ về chống lạm phát và những vấn đề an sinh xã hội bức xúc. Đến phiên họp lần này, vấn nạn quốc gia về tai nạn giao thông lại được xới xáo lên và được truyền tải đến tận mọi người dân để cộng đồng trách nhiệm. Đó là những bước đi cần thiết và thể hiện ngày càng rõ hơn vai trò tiên phong về đổi mới hoạt động của Uỷ ban Thường vụ QH để mở đường cho việc đổi mới hoạt động của bộ máy nhà nước ta trước yêu cầu thực tế hiện nay./.

 

 

Sông Thao

(http://www.vovnews.vn/)