* Cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của QH thí điểm cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở có thời hạn tại Việt Nam
* Cho ý kiến về nhân sự Phó tổng kiểm toán Nhà nước
Sáng 17.4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã Khai mạc Phiên họp thứ Tám.
Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của 5 Dự án luật là: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản; Luật Hoạt động chữ thập đỏ và dự án Luật Năng lượng nguyên tử.
5 Dự thảo luật nêu trên đã được QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai và theo chương trình sẽ trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Ba sắp tới. Các Ủy viên UBTVQH đánh giá cao sự cố gắng của các Ban soạn thảo trong việc tiếp thu khá đầy đủ các ý kiến đóng góp của các ĐBQH cho các dự thảo luật và khẳng định 5 dự thảo luật nêu trên đều đủ điều kiện để trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Ba sắp tới. Đồng thời tập trung đóng góp ý kiến vào một số nội dung cụ thể của 5 dự thảo luật.
Liên quan đến dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), nhiều Ủy viên UBTVQH tán thành với dự thảo luật về việc không nên tiếp tục quy định việc ban hành Nghị định (quy định những vấn đề mới, cần thiết để đáp ứng nhu cầu quản lý Nhà nước, nhưng chưa đủ điều kiện để xây dựng thành luật, pháp lệnh) và Thông tư liên tịch giữa các Bộ và cơ quan ngang Bộ. Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận- cơ quan được giao chủ trì thẩm tra dự thảo luật- cho rằng trong điều kiện hệ thống pháp luật về cơ bản đã được hình thành, năng lực xây dựng pháp luật của Chính phủ, UBTVQH, QH đã được nâng cao, có thể đáp ứng các yêu cầu trong hoạt động lập pháp. Đây là một bước tiến nhằm xác định rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền thì trong bối cảnh đất nước ta đã hội nhập sâu rộng với thế giới, khó có thể tránh được sẽ có những vấn đề mới phát sinh, cần thiết phải có quy định của pháp luật điều chỉnh. Trong khi đó, quy trình để ban hành mới hay sửa đổi, bổ sung một dự thảo luật của chúng ta khá tốn thời gian. Do vậy, để bảo đảm tính kịp thời, sự linh hoạt, chủ động cho các cơ quan hữu quan đề nghị chưa nên bỏ việc ban hành 2 loại văn bản nêu trên.
Kết luận về nội dung này, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu khẳng định: Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Ba sắp tới sẽ thể hiện theo hướng có 2 phương án về việc thu gọn các loại văn bản. Trong đó, ghi rõ đa số ý kiến của các Ủy viên UBTVQH và ĐBQH tán thành như dự thảo luật là không nên tiếp tục quy định việc Chính phủ ban hành Nghị định và việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa các Bộ và cơ quan ngang Bộ.
Về dự thảo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, đa số Ủy viên UBTVQH tiếp tục thể hiện sự thống nhất cao với cơ quan thẩm tra về việc điều kiện trưng mua, trưng dụng quy định trong dự thảo luật là quá rộng. Do đó nên cân nhắc quy định này cho phù hợp với quy định của Hiến pháp là trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia. Tán thành với quan điểm này, Chủ nhiệm UB Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình cho rằng nên thu hẹp điều kiện trưng mua, trưng dụng lại theo hướng gom lại trong 2 trường hợp là khi đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp. Và, tình trạng khẩn cấp ở đây nên khoanh lại ở những trường hợp như thiên tai, thảm họa do thiên nhiên và con người gây ra ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng và lợi ích quốc gia. Dự thảo luật nên có quy định chặt chẽ về nội dung này để tránh tình trạng lợi dụng việc trưng mua, trưng dụng tài sản- Chủ nhiệm Lê Quang Bình nhấn mạnh.
Có nên sử dụng tài sản Nhà nước tại các cơ quan Nhà nước để cho thuê hay không là một trong những nội dung được các Ủy viên UBTVQH tập trung cho ý kiến khi đóng góp vào dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước. Với lý lẽ tài sản Nhà nước được đầu tư, trang bị cho cơ quan Nhà nước để phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ, nhiều Ủy viên UBTVQH tán thành với cách thể hiện của dự thảo luật là không nên sử dụng tài sản Nhà nước tại các cơ quan Nhà nước để cho thuê. Trong trường hợp tài sản không được sử dụng hoặc sử dụng không hết thì phải được thu hồi, điều chuyển cho cơ quan khác để bảo đảm tài sản được sử dụng và phát huy đúng và tối đa công dụng của nó. Theo Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn thì nếu cho phép các cơ quan Nhà nước cho thuê tài sản Nhà nước đồng nghĩa với việc cho phép các cơ quan này kinh doanh. Điều này không đúng với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước và không đúng với mục đích của việc đầu tư, trang bị tài sản. Đành rằng nếu cho thuê những tài sản của Nhà nước rất có thể Nhà nước sẽ thu thêm được tiền thuế. Tuy nhiên, so sánh giữa việc một số cơ quan Nhà nước, trong đó có VPQH thiếu chỗ làm việc và việc một số cơ quan Nhà nước khác sử dụng tài sản Nhà nước vào các mục đích khác như cho thuê đám cưới... sẽ thấy ngay sự không công bằng- Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn phản ánh thực trạng. Do vậy, quy định theo hướng cơ quan Nhà nước không được sử dụng tài sản Nhà nước để cho thuê hoặc thực hiện các hoạt động kinh doanh là hoàn toàn hợp lý và bảo đảm sự công bằng giữa các cơ quan Nhà nước. Liên quan đến việc cho thuê tài sản Nhà nước tại các đơn vị sự nghiệp công lập, nhiều Ủy viên UBTVQH tán thành với quan điểm phải quy định mềm một chút theo hướng gắn việc quản lý với sử dụng tài sản để đạt hiệu quả cao nhất.
Về dự thảo Luật Hoạt động chữ thập đỏ, các Ủy viên UBTVQH bày tỏ sự nhất trí cao với các nội dung được tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo luật. Liên quan đến cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động chữ thập đỏ, đa số Ủy viên UBTVQH tán thành như dự thảo luật là giao cho Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động chữ thập đỏ...
Buổi chiều, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của QH thí điểm cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở có thời hạn tại Việt Nam; Nhân sự Phó tổng kiểm toán Nhà nước.