Đa số ý kiến cho rằng, Luật Thi đua, Khen thưởng hiện hành và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung chỉ tập trung vào công tác thi đua, khen thưởng của các cơ quan, đơn vị thuộc khu vực nhà nước mà chưa quan tâm đúng mức đến thi đua, khen thưởng trong các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, các đối tượng khác và nhân dân.
Theo Tờ trình của Chính phủ, hơn 3 năm thực hiện, Luật Thi đua, Khen thưởng bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Do vậy, dự thảo Luật lần này sửa đổi, bổ sung 26 điều, trong đó tập trung vào một số vấn đề còn vướng mắc như: Làm rõ thẩm quyền khen thưởng và đề nghị khen thưởng của một số tổ chức, lĩnh vực kinh tế đặc thù; Điều chỉnh về tiêu chuẩn ở một số danh hiệu thi đua và một số hình thức khen thưởng để bảo đảm được yêu cầu quản lý nhà nước về thi đua khen thưởng...
Báo cáo Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và góp ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau; đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ hơn những vấn đề bất cập trong công tác thi đua và khen thưởng hiện nay để có cơ sở tiến hành lựa chọn một số vấn đề bức xúc nhất cần sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật lần này. Việc xem xét vấn đề thi đua, khen thưởng trong các cơ quan dân cử cũng được nhiều thành viên quan tâm. Có ý kiến cho rằng, cần thiết phải tổ chức thi đua, khen thưởng ngay trong nội bộ các cơ quan này cho phù hợp với tính chất mỗi cơ quan và nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước đã được Hiến pháp quy định…