Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên: Cần thái độ dứt khoát đối với diễn biến bất thường của tình hình KT – XH

02/04/2008

Tình hình phát triển KT- XH trong quý I năm nay đang có những diễn biến bất thường. Chắc chắn mục tiêu kiềm chế tốc độ lạm phát thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP là không thể thực hiện được như Nghị quyết của QH.

      Chia sẻ với Báo NĐBND, PHÓ CHỦ TỊCH QH NGUYỄN ĐỨC KIÊN khẳng định, cần có thái độ dứt khoát về vấn đề này để ổn định kinh tế vĩ mô và hướng tới phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

 

      - Qua bài viết mới đây được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng Chính phủ dự kiến sẽ trình QH xem xét giảm chỉ tiêu tăng trưởng và điều chỉnh lại chỉ tiêu lạm phát cho phù hợp với tình hình thực tế. Quan điểm của Phó chủ tịch về vấn đề này là như thế nào?

 

    

  - Phải nói đến tầm quan trọng của ổn định, vì đây là nhân tố quyết định của phát triển bền vững. Trong bối cảnh như hiện nay cần phải tập trung cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Như vậy, việc đặt ra mục tiêu ổn định là đúng đắn, trong đó ưu tiên chống lạm phát.

 

      - Nếu điều chỉnh như vậy có mâu thuẫn với mục tiêu của chúng ta là duy trì tốc độ tăng trưởng cao để thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực hay không, thưa Phó chủ tịch?

 

      - Tại Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa XII đã thông qua Nghị quyết nhiệm vụ phát triển KT- XH năm 2008. Nhưng trong bối cảnh mới sẽ có một số chỉ tiêu không thể đạt được theo Nghị quyết của QH. Do đó, vấn đề đặt ra là xử lý như thế nào? Có thể có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Một cách tiếp cận được đề cập là nên điều chỉnh một số chỉ tiêu, cụ thể là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) và chỉ tiêu lạm phát để nay mai đánh giá rành mạch hơn. Nhưng cũng có cách tiếp cận khác là các chỉ tiêu không quan trọng, vấn đề quan trọng và thực chất trong tình huống hiện nay là tập trung sức kiềm chế lạm phát xuống mức thấp nhất và duy trì tốc độ phát triển ở mức hợp lý, bảo đảm được yêu cầu giữa phát triển kinh tế và ổn định an sinh xã hội. Tôi nghiêng về cách tiếp cận thứ hai.

 

      - Với thực tế tình hình KT- XH hiện nay, đặc biệt là lạm phát có chiều hướng tăng cao, theo Phó chủ tịch, hoạt động giám sát của QH có nên hướng vào vấn đề nóng bỏng là lạm phát hay không?

 

      - Trong tình hình không bình thường hiện nay, QH, đặc biệt là các cơ quan của QH và các ĐBQH cần chọn ưu tiên hướng giám sát vào đâu, làm việc gì trước, làm việc gì sau? Liên quan đến vấn đề dân sinh, giá cả, lạm phát ảnh hưởng đến những mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu mà QH đã quyết định thì chắc chắn trong hoạt động giám sát phải dành ưu tiên cho những vấn đề bức xúc này.

 

      - Để kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp. Nhưng để tạo chuyển biến một cách thực sự, cần quan tâm đến vấn đề gì, thưa Phó chủ tịch?

 

      - Có những giải pháp Chính phủ đưa ra mạnh mẽ và mới, cũng có giải pháp không mới, QH đã nói lâu rồi. Ví dụ như giải pháp không đầu tư dàn trải, phải rà soát để loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả, tập trung vốn cho dự án có hiệu quả, sớm đưa vào sử dụng. Cách đây 3 năm, QH đã thực hiện giám sát tối cao về đầu tư xây dựng cơ bản và năm nào cũng nói về đầu tư tập trung, chọn đầu tư những dự án có hiệu quả. Mặc dù tình hình quản lý đầu tư có biến chuyển nhưng không được như mong muốn. Vấn đề là trong tình hình như hiện nay, quan điểm của QH là Chính phủ cần phải thực hiện kiên quyết, triệt để và mạnh mẽ hơn; Khi không đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra, Chính phủ phải thể hiện thái độ dứt khoát, đến mức xử lý thì xử lý nghiêm.

 

      - Việc giữ tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP không thực hiện trong 2 năm liên tiếp- Dưới góc độ của cơ quan lập pháp, theo Phó chủ tịch, làm thế nào để các chỉ tiêu KT- XH được QH thông qua hàng năm sát thực tế hơn mà không phải điều chỉnh?

 

      - Thực tế hiện nay đặt ra một số vấn đề cần quan tâm. Thứ nhất là đánh giá phải khách quan, chính xác cao. Thứ hai là phải nâng cao công tác dự báo trong nước và quốc tế. Thứ ba là trong chỉ đạo, điều hành phải bám sát vào Nghị quyết đã được QH thông qua. Cũng cần nói thêm rằng, kế hoạch - nhất là kế hoạch về kinh tế chỉ là định hướng, trong quá trình chỉ đạo điều hành cũng phải rất linh hoạt.

 

      - Thưa Phó chủ tịch, cũng cần phải nhìn nhận, nếu có điều chỉnh các mục tiêu như Chính phủ dự kiến trình QH thì đấy mới chỉ là giải pháp tình thế. Và về lâu dài muốn phát triển KT- XH thực sự bền vững vẫn cần phải có những giải pháp vĩ mô hợp lý hơn để làm sao vừa đạt mức tăng trưởng cao nhưng lại kiềm chế lạm phát ở một mức hợp lý?

 

      - Tại kỳ họp QH tới đây, nếu phải điều chỉnh một số chỉ tiêu KT- XH thì đây có lẽ là lần đầu tiên QH thực hiện việc này. Vấn đề thực chất là làm sao kiềm chế lạm phát ở mức thấp nhất, đồng thời vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức phù hợp với tình hình mới, vì tăng trưởng kinh tế liên quan đến việc làm, đời sống của dân. Nếu để tăng trưởng tụt quá thấp thì việc làm bị mất mát nhiều, thu nhập và đời sống của nhân dân gặp khó khăn, như thế lại không đạt yêu cầu. Hai vấn đề này cần phải rất chú ý cả về quan điểm và trong chỉ đạo điều hành. Chính phủ đã đưa ra biện pháp cả gói, rất cần theo dõi sát, thường xuyên tình hình để điều chỉnh, bổ sung linh hoạt, kịp thời.

 

      - Xin cám ơn Phó chủ tịch!

N.Tuấn

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)