Vừa trở về từ đợt giám sát, CHỦ NHIỆM UB QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH LÊ QUANG BÌNH cho rằng cần phải có một tầm nhìn xa hơn trong quy hoạch, hoạch định chính sách về giao thông - Tới đây, khi QH sửa đổi toàn diện Luật Giao thông đường bộ cũng cần tính toán, dự báo được xu hướng phát triển của các yếu tố tác động đến trật tự an toàn giao thông để thiết kế các điều luật có khả năng điều chỉnh trong thực tiễn.
PV: Qua giám sát chuyên đề của UBTVQH, Chủ nhiệm đánh giá như thế nào về tình hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ở nước ta?
CN LÊ QUANG BÌNH: Qua nghe Ủy ban An toàn giao thông quốc gia báo cáo và tiến hành giám sát tại một số địa phương, tôi thấy Chính phủ và các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai, tổ chức thực hiện pháp luật về giao thông; Chỉ đạo thực hiện và thực hiện nhiều biện pháp tích cực, chủ động trên tất cả các loại hình đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không... và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, tình hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hiện nay vẫn còn nhiều yếu kém, hạn chế dẫn đến tình trạng giao thông lộn xộn; Thường xuyên ùn tắc ở những thành phố lớn; Tai nạn giao thông còn xảy ra nhiều và diễn biến phức tạp, gây thiệt hại, lãng phí lớn về người và của; Hạ tầng giao thông cũng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân. Những hạn chế, yếu kém trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông bộc lộ ở nhiều khía cạnh khác nhau như công tác quản lý nhà nước, công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật, công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, duy trì trật tự giao thông..., ngoài ra cũng phải kể đến ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn rất kém.
PV: Thưa Chủ nhiệm, tình hình trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ thời gian qua đã thực sự trở thành vấn đề hết sức phức tạp, các thành phố lớn rất lúng túng trong việc tìm kiếm một giải pháp tổng thể để lập lại trật tự, an toàn giao thông và kiềm chế tai nạn giao thông. Theo Chủ nhiệm, đâu là vấn đề mấu chốt để giải quyết được bài toán khó này?
CN LÊ QUANG BÌNH: Hiện nay, ngoài việc ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông kém, công tác điều hành, quản lý Nhà nước còn nhiều hạn chế thì hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông chính là sự mất cân đối ghê gớm giữa cơ sở hạ tầng giao thông và sự gia tăng đột biến các phương tiện giao thông cá nhân. Có thành phố, nếu tất cả số xe ôtô và xe máy hiện có đồng loạt ra đường thì sẽ không có đủ diện tích để mà xếp xe chứ đừng nói đến chuyện di chuyển được. Mấu chốt của bài toán khó này vẫn là phải làm thế nào để nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, cân đối giữa tốc độ xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông với tốc độ phát triển của các phương tiện giao thông cá nhân. Qua giám sát tại các tỉnh, thành phố, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đang nghiên cứu để tham mưu cho Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội đưa ra được những giải pháp trước mắt và lâu dài cho vấn đề này. Nhà nước phải đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông một cách khoa học hơn. Riêng vấn đề chính sách kiềm chế tốc độ phát triển phương tiện giao thông cá nhân (môtô, ôtô) thì phải cân nhắc kỹ cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và kinh nghiệm của một số nước có điều kiện tương tự Việt Nam như Trung Quốc chẳng hạn... Nếu hạn chế phương tiện giao thông cá nhân thì phải phát triển giao thông công cộng, phải tổ chức hợp lý, thuận tiện và chi phí rẻ hơn thì mới có thể giảm được phương tiện giao thông cá nhân mà vẫn bảo đảm nhu cầu đi lại cho người dân.
PV: Chúng ta nói rất nhiều về quy hoạch tổng thể, quy hoạch cơ sở hạ tầng giao thông phải gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với một tầm nhìn dài hạn. Nhưng đến thời điểm này, bức tranh tổng thể về giao thông Việt Nam trong khoảng 20 - 30 năm nữa như thế nào thì dường như Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan cũng chưa thể phác họa...
CN LÊ QUANG BÌNH: Trong xây dựng và phát triển thì quy hoạch là vấn đề rất quan trọng. Luật Giao thông đường bộ đã dành một chương quy định về quy hoạch và trên thực tế Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải đến năm 2010, tầm nhìn 2020. Tuy nhiên, việc quy hoạch chưa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh còn xây dựng quá nhiều cơ sở kinh tế, xã hội, khu dân cư ngay trong nội thành dẫn đến lưu lượng người và phương tiện giao thông tập trung quá nhiều gây ùn tắc là lẽ đương nhiên. Một vấn đề nữa là quy hoạch cơ sở hạ tầng giao thông chưa gắn với quy hoạch phát triển phương tiện giao thông. Hiện nay, số môtô đăng ký tăng hơn 16%, ôtô tăng hơn 13%, trong khi đó hạ tầng giao thông có tăng nhưng không tương xứng với tốc độ tăng phương tiện. Ngoài ra, quy hoạch khu dân cư trên các trục đường quốc lộ, tỉnh lộ cũng không tốt, dân cư bám theo các trục đường, đô thị cũng bám theo trục đường làm cho giao thông trên đường đã phức tạp càng thêm phức tạp.
Mặt khác, với tốc độ phát triển kinh tế xã hội nhanh như nước ta hiện nay, đặt vấn đề quy hoạch giao thông với tầm nhìn đến năm 2020 là quá ngắn. Cần phải tính đến tầm nhìn 30 năm, 50 năm và thậm chí hàng trăm năm.
PV: Luật Giao thông đường bộ năm 2001 được ban hành trong một bối cảnh khá bức xúc về trật tự, an toàn giao thông, với một quyết tâm chính trị rất lớn, chỉ trong 4 - 5 tháng chuẩn bị đã được Quốc hội thông qua. Cũng chính vì sự gấp rút đó nên nhiều vấn đề về trật tự, an toàn giao thông chúng ta đã không lường hết được. Tới đây, khi Quốc hội tiến hành sửa đổi toàn diện Luật này cũng cần phải có tầm nhìn dài hơn, thưa Chủ nhiệm?
CN LÊ QUANG BÌNH: Đúng vậy, năm 1999, 2000, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ diễn biến phức tạp. Lúc đó ta điều chỉnh việc tham gia giao thông bằng nghị định của Chính phủ. Với quyết tâm chính trị là phải lập lại trật tự, an toàn giao thông nên Quốc hội khóa X quyết định ban hành Luật giao thông đường bộ. Tôi nhớ quyết định là kỳ họp thứ 8, thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5.2001), chỉ có mấy tháng chuẩn bị. Lúc đó tư tưởng chỉ đạo chuẩn bị dự án luật cũng chỉ là bảo đảm giao thông thông suốt, trật tự, an toàn và chủ yếu mang tính chất giải quyết các vấn đề cấp bách trước mắt thôi nên tầm nhìn, tính dự báo trong luật rất hạn chế, không tính được hết các vấn đề. Đến nay, nhiều quy định cũng không còn phù hợp với tình hình thực tiễn nữa. QH đang xem xét việc sửa đổi toàn diện Luật này, theo dự kiến thì Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5.2008) và sẽ thông qua vào kỳ họp thứ 4 (tháng 11.2008). Rõ ràng, việc sửa đổi toàn diện Luật này rất cần phải có một tầm nhìn xa hơn, trên cơ sở phân tích, đánh giá và dự báo được xu hướng phát triển của các yếu tố tác động đến trật tự an toàn giao thông để thiết kế các điều luật có khả năng điều chỉnh trong thời gian càng dài càng tốt. Tầm nhìn trong xây dựng luật, trong hoạch định chính sách và quy hoạch càng ngắn thì giao thông sẽ càng manh mún và lãng phí là điều không thể tránh khỏi.
PV: Xin cám ơn Chủ nhiệm!