Phiên họp này dự kiến tiến hành từ 25-2 đến 1-3-2008, để cho ý kiến về bốn dự án luật: Năng lượng nguyên tử, Công vụ, Bảo hiểm y tế và Luật sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam (sửa đổi); Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính; Kế hoạch triển khai thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ bảy (3-2008) của Ủy ban Thường vụ QH; việc ban hành Quy chế hoạt động đối ngoại của các cơ quan Quốc hội, Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển của nước ngoài tại các cơ quan của Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội; phương án phân bổ số vượt thu ngân sách năm 2007 so với báo cáo Quốc hội và phương án sử dụng trái phiếu Chính phủ năm 2008; việc chuẩn bị kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII và một số vấn đề khác.
Sau lời phát biểu khai mạc của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Năng lượng nguyên tử với sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Ðức Kiên.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần có những quy định cụ thể, chi tiết hơn về các vấn đề như chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia, Hội đồng Phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia; công tác quản lý nhà nước về an toàn hạt nhân trong các nhà máy điện hạt nhân; phân công trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; quỹ phát triển năng lượng nguyên tử; vấn đề bồi thường thiệt hại...
Về việc lấy ý kiến của nhân dân trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nhiều ý kiến cho rằng, cần thông qua Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh nơi xây dựng nhà máy điện hạt nhân thay vì thông qua Ủy ban Nhân dân như quy định của Dự thảo Luật, vì như thế sẽ phù hợp điều kiện thực tế ở nước ta.
Một số ý kiến khác lại cho rằng, nên bỏ điều kiện này, vì nếu lấy ý kiến của nhân dân sẽ có thể xảy ra những khó khăn như dân chưa hiểu hết về những vấn đề an toàn, an ninh của nhà máy điện hạt nhân sẽ cản trở việc Quốc hội quyết định triển khai, thực hiện dự án, vì vậy, Ðiều 50 cần sửa lại theo hướng xin ý kiến nhân dân về các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh, các chính sách phúc lợi nhằm bảo đảm lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và dân cư trên địa bàn.
Trong ngày làm việc đầu tiên, Ủy ban Thường vụ QH cũng đã thảo luận, cho ý kiến về kế hoạch tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ bảy của Ủy ban Thường vụ QH (tháng 3-2008).
Mục đích của việc triển khai hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH là nhằm tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát tối cao của QH và các cơ quan của QH, từng bước nâng cao hiệu quả và hiệu lực hoạt động giám sát nói riêng và toàn bộ hoạt động của QH và các cơ quan của QH.
Từng bước đưa hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trở thành một sinh hoạt thường xuyên của QH và các cơ quan của QH, không chỉ tại các kỳ họp mà cả giữa hai kỳ họp QH theo quy định của pháp luật.
Giảm bớt các nội dung chất vấn tại các kỳ họp QH, để dành thời gian tập trung vào các vấn đề ở tầm vĩ mô; đưa những vấn đề thời sự, mới phát sinh trong thực tế và những vấn đề thuộc phạm vi các bộ, ngành vào chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ QH.
Trên cơ sở báo cáo tổng hợp ý kiến chất vấn của đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ QH lựa chọn một số vấn đề để đưa ra chất vấn và gửi đến các Bộ trưởng, trưởng ngành hữu quan để chuẩn bị, trả lời và lựa chọn người trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ QH. Các câu hỏi bổ sung của đại biểu QH có chất vấn và các đại biểu QH khác tham dự phiên họp chỉ tập trung vào vấn đề đã được lựa chọn để đưa ra chất vấn.
Tại phiên họp thứ bảy dự kiến đề nghị hai Bộ trưởng và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao trả lời chất vấn.