Dự án Luật Năng lượng nguyên tử đã được QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai và dự kiến sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ Ba. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh lý nhiều vấn đề quan trọng về: Phạm vi điều chỉnh; Chính sách và nguyên tắc hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; Thành lập Hội đồng phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia và Hội đồng an toàn hạt nhân quốc gia; Các hành vi bị nghiêm cấm; Quy hoạch và trách nhiệm lập, phê duyệt quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; Phát triển nguồn nhân lực, đầu tư phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử; Chính sách thuế; An ninh nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân; Quyết định chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân... Về 3 vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ Hoàng Văn Phong đề nghị: Dự thảo Luật không nên quy định việc thành lập Hội đồng phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu tinh giản, gọn nhẹ đầu mối của Chính phủ; Không nên quy định lấy ý kiến nhân dân về địa điểm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân vì nhận thức của đa số người dân về năng lượng nguyên tử còn nhiều hạn chế, nếu quy định sẽ phức tạp hóa vấn đề và cũng không nên quy định về hoạt động thanh sát hạt nhân. Cơ bản đồng tình với Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý của UBTVQH, Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên đề nghị các cơ quan hữu quan xem xét, thể hiện các điều khoản của dự thảo Luật mềm dẻo hơn, bảo đảm vừa tạo hành lang pháp lý hoàn thiện cho việc phát triển nguồn năng lượng phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH của đất nước trong tương lai, vừa bảo đảm dư luận quốc tế không nghi ngại và hiểu sai mục đích ứng dụng và phát triển năng lượng nguyên tử của nước ta.