Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự phiên thảo luận tại Tổ 13.
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 173 điều được bố cục thành 05 phần, 11 chương. Luật Tư pháp người chưa thành niên điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự, gồm: Nguyên tắc cơ bản của tư pháp người chưa thành niên; Quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; Hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt; Thủ tục tố tụng thân thiện; Thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự phiên thảo luận tại Tổ 13
Tham gia thảo luận, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN), vì pháp luật hiện hành vẫn còn thiếu cơ chế đặc thù riêng biệt để bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên tại các giai đoạn tố tụng; hệ thống hình phạt đang áp dụng chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất, hành vi phạm tội của người chưa thành niên; chưa coi trọng đúng mức việc áp dụng biện pháp “xử lý chuyển hướng” để thay thế các hình phạt trong Bộ luật hình sự bằng biện pháp nhân văn, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi nhưng vẫn bảo đảm các nguyên tắc và tính nghiêm minh của pháp luật. “Việc xây dựng một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên là cần thiết để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới…”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu tỉnh Đắk Lắk cũng tán thành quy định về bảo đảm chính sách dân tộc và liên quan đến bình đẳng giới trong dự thảo Luật. Bên cạnh mục tiêu chung là bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất cho NCTN “bảo đảm công bằng, không kỳ thị, không phân biệt đối xử đối với NCTN” thì dự thảo Luật đã ghi nhận nguyên tắc: “Quan tâm đến các nhu cầu chính đáng của NCTN do giới tính, thuộc đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt là người khuyết tật và người dân tộc ít người” (Điều 7). Hay quy định tại khoản 2 Điều 97: “học sinh nữ tại Trường giáo dưỡng được cấp thêm một số đồ dùng cần thiết...);…
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk
Quan tâm tới quy định về các biện pháp xử lý chuyển hướng, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân cho rằng, có một số biện pháp xử lý chuyển hướng được liệt kê trùng với các biện pháp giám sát, giáo dục đã được quy định trong Bộ luật Hình sự (Mục 2 Chương XII của Bộ luật Hình sự), bao gồm “khiển trách”, “hoà giải tại cộng đồng (bao gồm xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại)”, “giáo dục tại xã, phường, thị trấn”. Do đó, đại biểu đề nghị, cần phân định và phân biệt rõ ràng các biện pháp, chế tài giữa “biện pháp xử lý chuyển hướng” với chế định “Các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự” để đảm bảo thống nhất, tránh chồng chéo, trùng lắp trong quá trình áp dụng pháp luật.
Cũng quan tâm tới nội dung này, đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho biết: Đối chiếu theo Điều 29, khoản 2 Điều 91 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì về tổng quan Dự thảo đã nới rộng phạm vi áp dụng miễn trách nhiệm hình sự cho người chưa thành niên (NCTN) phạm tội.
Theo đại biểu, về hình thức xử phạt, điều kiện áp dụng cho thấy quy định về hình phạt còn chưa thống nhất, việc chồng chéo về quy định khi cả hai văn bản cùng điều chỉnh một hành vi của một chủ thể sẽ dẫn đến lúng túng , bất cập trong việc truy tố, xét xử. Nếu áp dụng BLHS 2015 ( sửa năm 2017) thì đề cao tính “răn đe, nghiêm khắc” còn nếu áp dụng Luật Tư pháp NCTN thì lại “nới lỏng, chưa thích đáng” đối với hành vi phạm tội.
Đồng thời, đại biểu đề xuất xây dựng thêm trong Dự thảo luật những quy định liên quan đến xử lý chuyển hướng, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ tư pháp để nâng cao năng lực áp dụng xử lý chuyển hướng, cũng như xây dựng và phát triển các chương trình, dịch vụ tại cộng đồng giúp NCTN được xử lý chuyển hướng nhanh chóng hòa nhập xã hội và không tái phạm.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang
Tán thành sự cần thiết ban hành dự luật, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, đây là một đạo luật chuyên biệt, cho nên chính sách hình sự đối với người chưa thành niên cần thể hiện rõ, cụ thể bằng việc thể chế hóa trong dự án luật này. Dự thảo Luật cần tiếp tục nghiên cứu, thể hiện rõ nét các đặc trưng trong xử lý người chưa thành niên mang tính nhân văn cao,…
Về 12 biện pháp xử lý chuyển hướng (Điều 36), đại biểu đề nghị, tiếp tục rà soát, tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế để bổ sung thêm các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với NCTN nhằm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng NCTN; phù hợp với tính chất, mức độ phạm tội của từng NCTN. Trên cơ sở đó, các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều sự cân nhắc, lựa chọn khi xem xét, áp dụng.
Nêu quan điểm về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng được quy định tại Điều 53 dự thảo luật, đại biểu Trần Thị Vân – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, việc giao thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng cho Tòa án là phù hợp, do Toà án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, Tòa án nhân dân vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác.
Do vậy, đại biểu tán thành phương án 2, Điều 53 quy định thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, cụ thể như sau: “Phương án 2: Tòa án có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại Điều 36 của Luật này theo đề nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát”.
Đại biểu Trần Thị Vân - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Ninh
Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Vân cũng đề nghị xem xét đưa quy định hậu quả pháp lý khi không tuân thủ áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng vào dự thảo luật, quy định như vậy sẽ tạo điều kiện, động lực cho người chưa thành niên hoàn thiện, tạo ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu còn cho ý kiến vào dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Theo đó, các đại biểu tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người, đồng thời nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người là yêu cầu cấp thiết, khách quan nhằm hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người
Các ý kiến cũng đánh giá, dự thảo Luật cơ bản thể hiện khá đầy đủ 03 nhóm chính sách được Chính phủ đưa ra trong đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi): hoàn thiện quy định về căn cứ xác định nạn nhân; quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; hoàn thiện quy định để nâng cao chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân. Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu đề nghị, cần rà soát để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các luật khác trong hệ thống pháp luật; chú trọng hoàn thiện quy định về nâng cao chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân,…
Đồng thời các đại biểu cũng góp ý vào nhiều nội dung cụ thể liên quan tới: Giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người; về các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống mua bán người; các biện pháp phòng ngừa mua bán người; quy định về nạn nhân, tiếp nhận, xác định nạn nhân;…./.