THẢO LUẬN TẠI TỔ 2: CẦN ĐỐI CHIẾU, THỐNG NHẤT GIỮA LUẬT LƯU TRỮ (SỬA ĐỔI) VỚI CÁC LUẬT CHUYÊN NGÀNH

10/11/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 10/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Các ý kiến tại Tổ 2 cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ năm 2011 nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay. Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo cần đối chiếu, thồng nhất giữa Luật Lưu trữ với các Luật chuyên ngành.

THẢO LUẬN TẠI TỔ 2: RÀ SOÁT CÁC HÀNH VI BỊ NGHIÊM CẤM TRONG DỰ ÁN LUẬT TTATGTĐB, TRÁNH CHỒNG CHÉO, TRÙNG LẶP VỚI CÁC LUẬT LIÊN QUAN

THẢO LUẬN TẠI TỔ 2: NHIỀU ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐỀ NGHỊ ''LUẬT HOÁ QUYỀN TƯ PHÁP''

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 2 chiều 10/11

Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi - Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh, Tổ trưởng Tổ 2. Tổ 2 gồm các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh. Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng - Tổ phó Tổ 2 điều hành phiên thảo luận.

Qua thảo luận, các ý kiến tại Tổ 2 cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ năm 2011 nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay, đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế. Đồng thời nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII về việc hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực lưu trữ.

Góp ý về phần giải thích từ ngữ tại khoản 4 Điều 2, đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho biết, dự thảo quy định “lưu trữ là hoạt động lưu giữ lâu dài” và bày tỏ băn khoăn cụm từ “lâu dài” là như thế nào, có thời hạn hay không có thời hạn.

Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định rõ cụm từ "lâu dài" để phản ánh được hoạt động lưu trữ có thời hạn hoặc không có thời hạn, qua đó nêu bật tính năng chuyên biệt của hoạt động lưu trữ, tạo sự thống nhất trong dự thảo Luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Về khoản 1 Điều 11 về quản lý tài liệu lưu trữ trong cơ quan, tổ chức, để tránh trường hợp áp dụng không đồng nhất và thiếu cơ sở để xác định, đại biểu Nguyễn Thị Lệ đề nghị hạn chế sự dụng cụm từ “theo quy định” vì cho rằng, áp dụng theo quy định là quy định nào? Do đó, đại biểu đề nghị nên sử dụng cụm từ “theo quy định của pháp luật” hoặc “theo các văn bản hướng dẫn thi hành của cơ quan có thẩm quyền”.

Còn tại khoản 4 Điều 12 của dự thảo đề cập về quản lý tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, đại biểu Nguyễn Thị Lệ nhận thấy, quy định tài liệu lưu trữ không có tranh chấp về quyền sở hữu, quyền quản lý, tuy nhiên nếu quy định mang tính liệt kê như trong dự thảo thì có khả năng sẽ thiếu sót một số quyền khác đối với tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt. Ví dụ như quyền sử dụng, quyền định đoạt về tài liệu đó phải rõ hơn. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Lệ đề nghị sửa đổi, bổ sung thêm một số quyền ở Điều 12, nếu không thì có thể mất đi quyền sử dụng, quyền lựa chọn.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Lệ đề nghị Ban soạn thảo cần đối chiếu, thống nhất giữa Luật Lưu trữ với các Luật chuyên ngành như Luật Quảng cáo, Luật Báo chí, pháp luật về phát thanh - truyền hình, pháp luật về truyền thông, điện ảnh… để tạo sự đồng bộ, nhất quán với nhau trong quá trình triển khai thực hiện Luật; Hoặc trong các hoạt động công bố tài liệu lưu trữ thông qua hình thức biên soạn, xuất bản giấy, sách điện tử, giới thiệu tài liệu lưu trữ, thiết kế, xuất bản ấn phẩm truyền thông theo quy định tại Điều 40 của dự thảo Luật.

“Tức là việc xuất bản phẩm lưu trữ cần phải quy định thống nhất giữa Luật Lưu trữ và các luật chuyên ngành như Luật Xuất bản, Luật In ấn hay Luật Thiết kế…”, đại biểu nêu rõ.

Về việc công bố tài liệu lưu trữ thông qua hình thức triển lãm, trưng bày quy định tại Điều 41 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Lệ đề nghị triển lãm, trưng bày tài liệu lưu trữ cần được quy định thống nhất giữa Luật Lưu trữ với luật chuyên ngành như pháp luật về hoạt động triển lãm, trưng bày sản phẩm…

Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Quan tâm đến dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho biết, việc sửa đổi dự thảo Luật Lưu trữ lần này cơ bản khắc phục được nhiều nhược điểm của Luật Lưu trữ năm 2011.

Đại biểu nêu rõ, thực tế hiện nay có Luật An ninh mạng, cơ sở dữ liệu cá nhân sắp tới sẽ được nâng lên thành Luật. Luật Căn cước quy định tích hợp thông tin về nguồn cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) quy định lưu trữ thông tin tài liệu trên môi trường điện tử, số hóa, liên quan đến tài liệu mật, trong đó có quản lý lưu trữ, trưng bày và khai thác sử dụng. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Minh Đức băn khoăn quy định hành lang pháp lý như thế nào để liên thông và thống nhất các luật với nhau, qua đó đảm bảo tuyệt đối an toàn, không lộ lọt trên môi trường mạng?

Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị cần có hàng rào kỹ thuật trong dự thảo Luật này, bổ sung các điều khoản cho phù hơp.

Cho rằng lưu trữ tư trong dự thảo Luật còn quy định chung chung, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh băn khoăn liệu kho lưu trữ nhưng chưa sử dụng hết thì có được quyền cho thuê hay không?

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

“Nếu một số đơn vị hiện nay không có kho lưu trữ và chưa bố trí kinh phí để xây dựng kho lưu trữ thì có thể thuê một đơn vị khác cung cấp nơi lưu trữ đạt chuẩn, có thể thuê như vậy để lưu trữ tài liệu hay không?”, đại biểu băn khoăn.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết nhận thấy, hiện còn nhiều vướng mắc về lưu trữ và sử dụng tài nguyên hiện có để thực hiện. Đại biểu cho biết, một số ý kiến đề nghị việc kinh doanh dịch vụ lưu trữ trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đề nghị Chính phủ nên nghiên cứu loại hình kinh doanh này. Đại biểu cũng cho rằng, nếu Chính phủ quy định loại ngành nghề kinh doanh này thì chắc chắn sẽ có người cung ứng dịch vụ.

“Thực tế có nhiều đơn vị hiện nay không có kho lưu trữ nên tài liệu dễ bị hư hại, trong khi hiện nước ta cũng chưa có đủ điều kiện để số hóa lưu trữ ngay. Đồng thời hiện cũng có nhu cầu lưu trữ tài liệu giấy”, đại biểu nêu rõ.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị chỉ lựa chọn bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với một số hoạt động dịch vụ lưu trữ cần phải kiểm soát chặt chẽ để tránh việc lộ lọt thông tin quản lý nhà nước, bảo đảm không gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh quốc gia; không mở rộng với tất cả các hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Cũng tại phiên họp, các đại biểu góp ý, thảo luận về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); Các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 03 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận ở Tổ 2:

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi - Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh, Tổ trưởng Tổ 2 góp ý tại phiên thảo luận tổ.

Cho rằng lưu trữ tư trong dự thảo Luật còn quy định chung chung, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh băn khoăn liệu kho lưu trữ nhưng chưa sử dụng hết thì có được quyền cho thuê hay không?

Các đại biểu tại Tổ 2

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh bày tỏ băn khoăn nên chăng loại trừ tài liệu mật không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh đề nghị cần quy định rõ cụm từ "lâu dài" để phản ánh được hoạt động lưu trữ có thời hạn hoặc không có thời hạn, qua đó nêu bật tính năng chuyên biệt của hoạt động lưu trữ, tạo sự thống nhất trong dự thảo Luật.

Các đại biểu tại Tổ 2

Đại biểu Lê Thanh Phong - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi nơi, mỗi ngành có cách lưu trữ khác nhau, đề nghị Ban soạn thảo nên mở rộng phạm vi điều chỉnh, coi dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) là luật khung.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh góp ý vào Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác