THẢO LUẬN TỔ 14: CẦN QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ VIỆC NIÊM YẾT ĐẤU GIÁ TÀI SẢN NGAY TẠI BẤT ĐỘNG SẢN ĐẤU GIÁ
Toàn cảnh phiên họp
Tổ 14 gồm các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Tháp.
Tham gia thảo luận tại phiên họp, đa số đại biểu Quốc hội tán thành việc cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô hiện hành nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô. Qua đó, để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
Bàn về dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương tỏ ra băn khoăn khi xuyên suốt dự thảo Luật không đề cập gì đến vấn đề phát triển du lịch. Trong khi đó, Hà Nội là địa phương hết sức nổi tiếng trong bản đồ du lịch thế giới, và trong lòng của nhiều du khách quốc tế khi đến Việt Nam. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trong phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ, đại biểu đã nêu rõ, hiện nay không chỉ ở Tp. Hà Nội mà nhiều thành phố khác cũng chưa được thể chế hóa và tổ chức thực hiện việc phát triển du lịch bền vững một cách có hiệu quả. Nêu vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị, dự thảo Luật cần phải có một chương, một điều làm rõ việc phát triển du lịch của Thủ đô, với những chính sách đặc thù.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tại phiên họp
Về mô hình tổ chức, đa số ý kiến đều đồng tình với việc tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân từ 95 lên 125 đại biểu. Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, hiện nay dự thảo Luật vẫn quy định Hà Nội duy trì Hội đồng nhân dân cấp quận trong khi thực tế triển khai tại Tp.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cho thấy, việc không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận mang lại hiệu quả rất cao. Do đó, Hà Nội có thể nghiên cứu mô hình này để tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, bởi với việc tăng 30 đại biểu không phải là ít.
Tuy nhiên, hiện nay Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định là không tăng số lượng đại biểu hoạt động kiêm nhiệm mà nên tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách. Do đó, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, cần chú trọng tăng số đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, bảo đảm khả năng đảm đương thêm các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho Hà Nội theo dự thảo Luật và phù hợp với yêu cầu tổ chức chính quyền đô thị.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu
Đại biểu Phạm Văn Hòa phản ánh, thời gian qua có nhiều chương trình hỗ trợ học sinh, sinh viên ra nước ngoài học tập nhưng khi về không làm được việc hoặc có những người học xong không quay trở lại làm việc trong nước mà ở lại nước ngoài. Do đó, cần có những tiêu chí rõ ràng, rành mạch để thu hút nhân tài và dựa vào đó để quy định những chính sách cho nhân tài của Hà Nội, tránh “tiền mất, tật mang”, chính sách bị phản tác dụng.
Cùng cho ý kiến về dự án luật này, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm với các quy định về đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài, như tuyển dụng không qua thi tuyển, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo; được đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại đơn vị sự nghiệp công lập...
Tham gia thảo luận về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô, đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu rõ, Thủ đô muốn phát triển thì không thể tách rời với các địa phương, các thành phố trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh lân cận. Trong khi đó, tại Điều 19 dự thảo Luật quy hoạch xây dựng phát triển Thủ đô chỉ nêu là gắn với quy hoạch Thủ đô và quy hoạch chung của Thủ đô.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Mặt khác, năm 2016 Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quyết định số 768 về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, với phạm vi Vùng Thủ đô Hà Nội gồm toàn bộ ranh giới của Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh. Do đó, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị, cần cân nhắc tính toán lại để phù hợp hơn.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh cho rằng, trong dự thảo Luật còn thể hiện khá khiêm tốn, chưa cho thấy mong muốn khuyến khích tuyển dụng nhân tài của Thủ đô Hà Nội. Đại biểu Nguyễn Hải Anh nhấn mạnh, trong dự thảo Luật mới nêu ra các thủ tục, quy trình về mặt hành chính để một người nào đó có thể có những tài năng, thế mạnh nhất định ở những lĩnh vực nhất định thì sẽ được xét tuyển, sẽ được ký hợp đồng.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị, cần có một điều khoản ghi rõ và khẳng định, Hà Nội mời, khuyến khích, trọng dụng và có những chính sách ưu đãi đặc biệt đối với những người có tài năng, có nguyện vọng cống hiến, làm việc tại các cơ quan thành phố. Có như vậy mới thể hiện được quyết tâm thu hút nhân tài của Thủ đô.