Thảo luận tại Tổ 10, gồm 03 Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Ninh Thuận, Bạc Liêu. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình Ngô Đông Hải điều hành nội dung phiên thảo luận.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 07 chương, 59 điều (tăng 03 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều.
Góp ý vào dự thảo luật, các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội được đề ra trong các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
Qua thảo luận, các đại biểu cũng đề nghị cần tập trung quy định các cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô trên những lĩnh vực quan trọng để cụ thể hóa chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới,…
Trong đó, đặc biệt quan tâm tới quy định về thu hút nhân tài, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là mục tiêu lớn của cả nước, đã được thể hiện trong Nghị quyết số 26 năm 2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018), trong Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Vì vậy, quy định tại Dự thảo Luật cần thể hiện tinh thần của các chính sách, định hướng đề ra đồng thời tạo được cơ sở pháp lí rõ ràng.
Đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu
Tham gia góp ý về nội dung này, đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho rằng, nội dung của Điều 17 hiện hành chưa thể hiện được tính phân hóa trong nhu cầu thu hút nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở các khu vực khác nhau (công - tư) hay ở các lĩnh vực khác nhau (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội; khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng,…) và vẫn chủ yếu dựa vào những mô tả trừu tượng như “có tài năng đặc biệt”, có “phẩm chất, trình độ, năng lực vượt trội”,…. Và rất khó để đánh giá các mô tả này ngoài việc dựa chủ yếu vào bằng cấp của ứng viên thuộc diện xem xét.
Ngoài ra, các nội dung của Dự thảo mới chỉ đề cập sơ lược về tuyển dụng, thu hút nhân tài mà chưa quy định về các cách thức sử dụng nhân tài sau khi được tuyển dụng; chưa thể hiện rõ chế độ thù lao dành cho ứng viên tài năng, chất lượng cao; chưa thể hiện được tính tự chủ của Chính quyền Thủ đô nói chung và về thu hút nhân tài nói riêng;..
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu
Cùng quan điểm đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, đề nghị nghiên cứu lại quy định tại khoản 2, Điều 17 mặc dù có quy định 4 điểm liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô, tuy nhiên nội dung còn chung chung, không định hình được tiêu chí làm cơ sở áp dụng trong thực tiễn.
Theo đại biểu, thực tiễn triển khai thực hiện chính sách đặc thù, nếu không có định hình cụ thể, cho dù Quốc hội giao thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân quyết định cũng phải thận trọng quay về xin ý kiến các bộ, ngành chuyên môn, mới có thể ban hành và thực hiện được. Do đó, trong quy định tại dự thảo cần dự phòng các tình huống, đảm bảo quy định chặt chẽ, dễ áp dụng.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút và phát triển nhân tài, đại biểu Nguyễn Văn Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bên cạnh việc chú trọng làm rõ các chính sách, cơ chế đặc thù cũng cần quan tâm làm rõ quy định về thu hút nhân tài phục vụ sự phát triển chung của Thủ đô.
Nêu đề xuất cần có Quỹ phát triển nhân tài nhằm tận dụng nguồn lực chất lượng cao của cả thế hệ trẻ và đối tượng đã về hưu, đại biểu tỉnh Thái Bình đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu làm quy định rõ hơn về nội dung thu hút nhân tài.
Ngoài ra, về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (khoản 2 Điều 17), có ý kiến cho rằng, quy định của dự thảo Luật chưa rõ mục tiêu phát triển nguồn nhân lực để phục vụ bộ máy của hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội hay là phát triển nguồn nhân lực nói chung, chưa lý giải rõ căn cứ để cấp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng như quy định của dự thảo Luật.
Cùng mối quan tâm, một số ý kiến đề nghị, bổ sung quy định về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng, bổ nhiệm nhân tài sau khi đã vào làm việc trong hệ thống. Ngoài việc ban hành các chính sách thu hút nhân tài thì chính quyền thành phố Hà Nội cũng cần quan tâm, có biện pháp chủ động tìm kiếm nhân tài hoặc đào tạo, bồi dưỡng phát triển nhân tài từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có để đáp ứng nhu cầu của địa phương.
Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Cũng tại Phiên thảo Tổ, các đại biểu còn tập trung cho ý kiến vào dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) và Các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 03 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong đó, các ý kiến đều tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Lưu trữ nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lưu trữ, đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ, khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay, đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luât, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát về: quy định lưu trữ điện tử, thời hạn lưu trữ, công tác quản lý nhà nước về lưu trữ, lưu trữ lịch sử;…
Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận Tổ 10:
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 10
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình Ngô Đông Hải
Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Đại biểu Nguyễn Văn Thân – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình Ngô Đông Hải điều hành nội dung phiên thảo luận
Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình tham dự phiên thảo luận tại Tổ 10
Đại biểu Trần Thị Thu Đông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu
Đại biểu Phan Xuân Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình Ngô Đông Hải điều hành nội dung phiên thảo luận.
Các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ 10 về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) và Các báo cáo của Chính phủ về: Sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và kết quả 03 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh.