THẢO LUẬN TỔ 7: NHIỀU VẤN ĐỀ VỀ KINH TẾ XÃ HỘI ĐƯỢC CÁC ĐẠI BIỂU QUAN TÂM

24/10/2023

Sáng 24/10, Tổ 7 thảo luận đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15; Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng... Tổ 7 gồm các Đoàn ĐBQH: Thái Nguyên, Long An, Đắk Nông, Kon Tum.

THẢO LUẬN TỔ 04 VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI: CHÚ TRỌNG GIẢI PHÁP ĐỂ PHÁT TRIỂN NGHỀ CÁ BỀN VỮNG VÀ CÓ TRÁCH NHIỆM

Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu đồng tình với các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Đồng thời, đánh giá cao sự nỗ lực điều hành kinh tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vượt qua khó khăn, thách thức trước diễn biến bất thường từ kinh tế, chính trị thế giới. Việc không xin điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế mà Quốc hội đã đặt ra thể hiện ý chí quyết tâm của Chính phủ. Đồng thời tiếp thêm nội lực, niềm tin đối với các doanh nghiệp và nhân dân trong cả nước để cùng chung sức vượt qua khó khăn.

Toàn cảnh phiên họp

Đại biểu Lê Thị Song An, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho rằng để thực hiện tốt các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra, Chính phủ cần có các giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, thúc đẩy sự liên kết trong phát triển giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long. Khi giao thông thuận lợi tạo sẽ tạo được các “cực tăng trưởng” đối với các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, địa phương trong tổng thể nền kinh tế; là biện pháp khắc phục cơ cấu kinh tế “khép kín” theo địa giới hành chính, góp phần khai thác tối đa nguồn lực của xã hội.

Về tình trạng thiếu vật liệu san lấp, nhất là đối với các công trình trọng điểm. Mặc dù trong thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đã có nhiều biện pháp chỉ đạo hữu hiệu như sử dụng các loại vật liệu thay thế cát sông như: cát biển, tro xỉ nhiệt điện; hay nghiên cứu sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép thay thế một phần đường đắp để tận dụng được khả năng cung cấp với khối lượng lớn xi măng, sắt thép trong nước. Tuy nhiên, đây mới chỉ dừng lại ở giai đoạn thử nghiệm. Do đó, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình cần có sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng đã được Chính phủ thành lập; triển khai hiệu quả các quy hoạch đã được phê duyệt, quyết định.

 Đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Liên quan đến quy hoạch đất đai đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng hiện nay việc biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nhu cầu phát triển kinh tế xã hội đòi hỏi việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nhưng nếu giảm diện tích đất trồng lúa và cây lương thực nói chung sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Do đó cần cương quyết, hạn chế tối đa việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác trong thực hiện quy hoạch nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch diện tích đất trồng lúa, để vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thực hiện nghĩa vụ quốc tế mà Việt Nam cam kết, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Về Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Đại biểu Dương Khắc Mai đồng tình và ủng hộ việc cho thêm cơ chế chính sách đặc thù để thành phố Đà Nẵng có thể phát triển xứng với tiềm năng vốn có.

Theo các đại biểu, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án; kiên quyết loại bỏ những dự án không cần thiết, dàn trải, kém hiệu quả. Tập trung tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, sân bay, bến cảng, hệ thống đường cao tốc, các dự án có tính liên vùng, hạ tầng đô thị, hạ tầng chuyển đổi số. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm, nhằm thu hút mạnh mẽ các nguồn lực.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đề nghị sớm ban hành quy định, hướng dẫn cho thị trường tín chỉ carbon

Theo Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An, lộ trình thị trường carbon trong nước sẽ thí điểm từ năm 2025, vận hành chính thức từ năm 2028. Việc sớm thực hiện thị trường này đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp cũng như góp phần quan trọng trong phát triển và bảo vệ rừng. Tuy nhiên đến nay chưa có quy định, hướng dẫn về thị trường này nên cần sớm ban hành quy định và hướng dẫn để thị trường tín chỉ carbon có thể hoạt động hiệu quả.

Về tình hình thiếu hụt điện cục bộ tại miền bắc, đại biểu Phạm Đình Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum đề nghị cần rà soát các bộ ngành liên quan, làm rõ nghịch lý khi Miền Bắc thì thiếu hụt điện nhưng có nguồn điện rất lớn từ Tây Nguyên lại chưa phát huy. Thuỷ điện không được phát hết công suất vì lý do đường truyền tải. Còn điện gió nhiều dự án lớn đã hoàn thành nhưng vì vướng một số thủ tục từ cấp trên cũng chưa đưa vào vận hành. Điều này khiến cho người dân phải chịu giá điện cao, các doanh nghiệp đầu tư điện gió gặp khó khăn và nguồn lực đất nước không khai thác được gây lãng phí.

Lệ Quyên

Các bài viết khác