THẢO LUẬN TỔ 04 VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI: CHÚ TRỌNG GIẢI PHÁP ĐỂ PHÁT TRIỂN NGHỀ CÁ BỀN VỮNG VÀ CÓ TRÁCH NHIỆM

24/10/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 24/10, thảo luận tại Tổ số 04 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và Bà Rịa – Vũng Tàu về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu đề nghị quan tâm, chú trọng hơn đến các giải pháp để phát triển kinh tế biển, phát triển nghề cá bền vững góp phần vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 và của cả nhiệm kỳ.

KHAI MẠC TRỌNG THỂ KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV: THỂ CHẾ HÓA KỊP THỜI CÁC QUYẾT ĐỊNH QUAN TRỌNG CỦA ĐẢNG, KHẲNG ĐỊNH QUYẾT TÂM VÀ SỰ CHUẨN BỊ CHẮC CHẮN ĐỂ CẢ NƯỚC BỨT PHÁ

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 23/10: KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Thảo luận tại Tổ 04 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế và Bà Rịa – Vũng Tàu

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng nhất trí với các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội. Đại biểu ghi nhận những kết quả phản ánh thực tiễn và  nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, các ban, ngành Trung ương cũng như các địa phương, trong đó có sự đóng góp rất lớn của Quốc hội để vượt qua một giai đoạn rất khó khăn của đất nước.

Quan tâm đến các mục tiêu và giải pháp cho năm 2024, đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng cần chú trọng đến kinh tế biển, phát triển nghề cá. Đại biểu cho biết hiện nước ta còn gặp nhiều vướng mắc từ vấn đề thẻ vàng IUU kéo dài quá lâu. Thực tế này cho thấy khả năng phản ứng khắc phục chậm. Do đó, cần nhìn nhận nghiêm túc để không lặp lại tình trạng này. Nhấn mạnh mục tiêu xây dựng nghề cá bền vững và có trách nhiệm, đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho biết đây là nội dung không chỉ về phát triển kinh tế mà còn gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi nêu rõ, Nghị quyết số 36-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra chủ trương rất đúng đắn, vấn đề đặt ra là triển khai thực hiện như thế nào. Theo đại biểu có 3 vấn đề cốt lõi của ngành là ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường nhưng hiện nay các nội dung này vẫn nằm chung trong “lồng” chính sách tam nông trong khi phương thức sản xuất, công cụ sản xuất, tư liệu sản xuất là khác nhau, dẫn đến khó khăn, lúng túng trong thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi cho rằng việc thể hiện vào trong các chính sách không thấy được nét đặc thù của lĩnh vực này, các quy định về hỗ trợ cũng còn mờ nhạt. Do đó, đại biểu đề nghị tách hệ thống chính sách cho ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường để có giải pháp mang tính hệ thống và đột phá cho lĩnh vực này. Đại biểu kỳ vọng có được nghị quyết ở tầm trung ương về vấn đề ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường ở Việt Nam để giải quyết một cách lâu dài, căn cơ từ gốc rễ. Đại biểu cũng cho rằng cần suy ngẫm mối quan hệ của vấn đề ngư dân, ngư kiểm một cách chặt chẽ trong cách tiếp cận làm chính sách và hành động để nghề cá có những bước thay đổi mang tính cách mạng; cần có một sự can thiệp ở cấp cao hơn để nhìn nhận một cách hệ thống ba vấn đề ngư dân, ngư nghiệp, dư trường trong bối cảnh mới về hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần vào thực hiện kế hoạch của năm 2024 đồng thời cũng để giải quyết những vấn đề về dài hạn cho kinh tế biển nói chung, trong đó có kinh tế thủy sản nói riêng, đại biểu Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh.

Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế phát biểu

Có cùng vấn đề quan tâm, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đề nghị cần có giải pháp chuyển đổi mô hình ngành thủy sản, có như vậy mới bảo đảm phát triển bền vững, bảo đảm đời sống cho ngư dân và thực hiện các mục tiêu về an ninh quốc gia, chủ quyền trên biển.

Bày tỏ nhất trí với ý kiến của các đại biểu về việc chú trọng phát triển kinh tế biển, đồng thời mở rộng hơn vấn đề, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Thị Sửu quan tâm đến mối quan hệ giữa cơ cấu phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trong thời đại mới. Đại biểu làm rõ, mục tiêu năm 2024 là phấn đấu 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới sẽ ảnh hưởng, tác động như thế nào đến việc phát triển kinh tế nông nghiệp với xu hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững. Theo đại biểu, làm rõ vấn đề này để có giải pháp hỗ trợ thực hiện đồng bộ.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Thị Sửu phát biểu

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Thị Sửu đề nghị tập trung triển khai hiệu quả các chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm nâng cao đời sống, giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng nông thôn mới như vấn đề môi trường nông thôn, nước sạch nông thôn, an toàn thực phẩm, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã…

Trao đổi thêm về vấn đề các đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cho biết liên quan đến gỡ thẻ vàng IUU của EC, vừa qua Đoàn công tác của EC ghi nhận Việt Nam đã có những tích cực và quyết liệt với chủ trương mạnh mẽ. Tuy nhiên trong tổ chức thực hiện vẫn có những lúc, những nơi chưa đủ tầm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng phát biểu

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng cho biết đây là vấn đề khó, đòi hỏi nỗ lực, cố gắng rất lớn. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có kế hoạch chi tiết từng bước, để có giải pháp đồng bộ giải quyết những khó khăn của ngành, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và có trách nhiệm ngành thủy sản. Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, nước ta sở hữu đường bờ biển hơn 3000km, ngư trường rộng lớn là niềm ước ao của rất nhiều quốc gia, nhưng ngược lại nếu chúng ta không quản lý tốt thì nó thực sự trở thành gánh nặng./.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Các bài viết khác