THẢO LUẬN TẠI TỔ 3: CẦN CHÚ TRỌNG ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI, NÂNG CAO ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT, TINH THẦN CHO NGƯỜI DÂN

24/10/2023

Sáng 24/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Tại tổ 3, các đại biểu cho rằng, cần chú trọng đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 23/10: BÁO CÁO TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KT-XH; BÁO CÁO KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15 VỀ CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ, TIỀN TỆ HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KT-XH..

Tổ 3 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Kạn, Nghệ An, Quảng Ngãi.

Tại phiên họp tổ, đa số ý kiến các đại biểu bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Các đại biểu đánh giá cao nỗ lực điều hành kinh tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi nước ta cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả. Thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm nhưng trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, việc ban hành thông tư, quy chuẩn kỹ thuật còn bất cập gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Tiến độ lập, triển khai các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã có những kết quả tích cực (90/110 quy hoạch đã được thẩm định) nhưng vẫn chậm so với yêu cầu, gây áp lực cho công tác phê duyệt, quyết định quy hoạch trong những tháng cuối năm. Nhiều ý kiến cho rằng cần có giải pháp cụ thể, hiệu quả giải quyết vấn đề này.

Toàn cảnh phiên họp

Tham gia ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Vân Chi, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho biết, còn nhiều vấn đề trong nền kinh tế cần được tập trung khắc phục, giải quyết, đặc biệt là tình trạng nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặt bằng lãi suất huy động cho vay đã giảm, nhưng tăng trưởng tín dụng không cao, các doanh nghiệp đang thiếu dòng tiền.

Thêm vào đó, các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều gặp khó khăn. Các thị trường xuất khẩu lớn có chiều hướng sụt giảm hoặc tăng không đáng kể. Thị trường tiêu dùng trong nước chưa phục hồi vững chắc, tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng dịch vụ giảm dần qua các quý. Đầu tư tư nhân tăng tương đối thấp. Những khó khăn này đang hiện hữu, cần có giải pháp hiệu quả.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng cho biết, quy mô ngân sách có xu hướng thu hẹp hơn giai đoạn trước, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước trên GDP giảm. Thu về ngân sách nhà nước từ thuế và phí cũng có chiều hướng giảm dần, gặp nhiều thách thức trong việc đặt được mục tiêu đề ra cho kế hoạch tài chính 5 năm.

Về vấn đề bội chi, đại biểu Nguyễn Vân Chi cho biết, kế hoạch 5 năm đặt ra chỉ tiêu tương đối cao, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cho phép tăng tỷ lệ bội chi, vấn đề này cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Dù tỷ lệ bội chi có lúc cao hơn hoặc thấp hơn mức trung bình nêu trong Nghị quyết 23, tuy nhiên, khi thông qua Nghị quyết 43, Quốc hội cũng đã tính đến nội dung này.

Về hoàn thiện thể chế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách bày tỏ lo ngại khi công tác hoàn thiện thể chế chưa được triển khai đáp ứng yêu cầu. Những dự kiến sửa đổi, bổ sung các luật về thuế cho đến nay vẫn chưa được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chưa có được biện pháp bài bản, tích cực hơn cải thiện tình hình thu ngân sách. Về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%, tại Kỳ họp trước, Quốc hội đã quyết định kéo dài tiếp quy định này cho 6 tháng cuối năm 2023. Tuy nhiên, Chính phủ cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng, hiện nay mới chỉ có đánh giá tác động về số thu, chưa có đánh giá tác động trở lại với nền kinh tế, để làm rõ quy định này có tác động lớn tới tổng mức bán lẻ, kích thích tiêu dùng nội địa hay không. 

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Đinh Thị Phương Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, cần chú trọng đầu tư phát triển văn hóa và đặt ngang hàng với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, đồng thời, cần đặc biệt quan tâm đến việc ngăn chặn suy thoái về đạo đức lối sống, chú trọng đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị tiếp tục hoàn thiện những cơ chế, chính sách, đặc biệt là các cơ cấu nguồn vốn, theo đó, phải tính các cơ cấu vốn và đầu tư phù hợp cho các lĩnh vực an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, có ấn định đúng mức, thỏa đáng đối với những lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, về trả nợ ngân sách trung ương, đại biểu cho rằng, xu hướng phải tăng vay trả nợ gốc, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với nhu cầu ngân sách nhà nước năm 2024 đã tiệm cận mức trần theo Nghị quyết của Quốc hội. Đại biểu cho rằng vấn đề này cần được phân tích kỹ các chuỗi đầu tư, chuỗi cho vay để đưa ra những giải pháp có trọng tâm trong việc tháo gỡ những khó khăn trong giải quyết nợ công.

Số liệu kế toán ngân sách hàng năm cho thấy chuyển nguồn ngân sách lớn, giải ngân đầu tư công chậm, trong khi ngân sách đi vay để bù bội chi và chịu lãi suất cam kết cho thấy tình trạng lãng phí ngân sách còn đáng ngại. Đại biểu Đinh Thị Phương Lan đồng tình với việc chuyển nguồn ngân sách, đồng thời cho rằng cần phân tích rõ các nguồn vốn cần chuyển nguồn để có phương án hợp lý, đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả.

Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã cân đối, toàn diện, thể hiện rõ bức tranh toàn cảnh, đánh giá rõ những ưu điểm, thành tựu nổi bật, đặc biệt là nhìn nhận được những khuyết điểm, tồn tại, hạn chế, những vấn đề lớn trong phát triển kinh tế, xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho ý kiến tại phiên họp

Trong 3 năm qua, đặc biệt là năm 2023, trước những tác động mạnh mẽ của tình hình thế giới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự đồng tình ủng hộ của người dân và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nước ta cơ bản vẫn đạt được các mục tiêu tổng quát, có nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng trên nền kinh tế toàn cầu.

Đối với vấn đề gia tăng một số loại tội phạm, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đó là hệ quả tất yếu khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Bộ Công an, các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng giải quyết nhiều sự vụ, đảm bảo trật tự, an ninh xã hội.

Quan tâm đến vấn đề giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, việc dạy thêm, học thêm là vấn đề được sự quan tâm rộng rãi của đông đảo cử tri cũng như các cơ quan truyền thông báo chí trong thời gian vừa qua. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo của các địa phương cũng đã quan tâm đến vấn đề này, thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, vấn đề dạy thêm học thêm, đặc biệt là ở các đô thị lớn, không có nhiều chuyển biến trong thời gian qua.

Đại biểu phản ánh, trong nhiều trường hợp, tuy việc học thêm là phù hợp với nhu cầu của gia đình, nhưng lịch học chính khóa cũng như lịch học thêm vẫn còn quá dày. Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại chương trình giáo dục và có phân tích kỹ lưỡng, điều chỉnh phù hợp để giải quyết vấn đề này.

Các đại biểu tại phiên họp

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm, có các hoạt động thanh tra, kiểm tra các hoạt động dạy thêm, học thêm để giảm tải bớt thời gian học của các em học sinh, để vừa đáp ứng được nhu cầu của các gia đình, nhưng không làm phát sinh các vấn đề xã hội nan giải như hiện nay.

Về tình trạng an toàn cháy nổ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết, trong năm 2023, đây là vấn đề đáng quan tâm. Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm qua, số lượng vụ việc tăng 10,87%, số người chết tăng 37,14%, số người bị thương tăng 18,95%, đặc biệt, vụ cháy vừa qua tại Khương Hạ, Thanh Xuân là trường hợp đặc biệt quan trọng.

Đại biểu cho rằng, với sự gia tăng đáng kể của số vụ việc, số người chết và số người bị thương, cần phân tích rõ, công tác phòng, ngừa cháy nổ trong thời gian qua đã được quan tâm đúng mức hay chưa. Sau nhiều chiến dịch, nhiều đợt ra quân, cần đánh giá kỹ việc phòng, ngừa cháy nổ đã được thực hiện một cách căn cơ, bài bản hay chưa. Thực tế cho thấy, đối với nhiều vụ cháy, nổ, những người có kỹ năng, kinh nghiệm trong phòng ngừa cháy nổ có nhiều khả năng đảm bảo an toàn hơn cho bản thân và gia đình, trong khi những người có sức khỏe nhưng thiếu kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong phòng cháy, chữa cháy thì lại khó bảo vệ bản thân. Vì vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục về kỹ năng, kinh nghiệm thoát nạn, xử lý cháy nổ là đặc biệt quan trọng, cần được tiến hành bài bản, hiệu quả để tránh những thương vong, thiệt hại khi sự việc không may xảy ra.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Các đại biểu tại phiên họp

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng, công tác tuyên truyền, giáo dục về kỹ năng, kinh nghiệm thoát nạn, xử lý cháy nổ cần được tiến hành bài bản, hiệu quả để tránh những thương vong, thiệt hại khi sự việc không may xảy ra.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, cần chú trọng đầu tư phát triển văn hóa và đặt ngang hàng với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự đồng tình ủng hộ của người dân và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nước ta cơ bản vẫn đạt được các mục tiêu tổng quát, có nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Tại phiên họp, các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến về những điểm nghẽn cần tháo gỡ trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội./.

Hồ Hương - Minh Thành

Các bài viết khác