ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH SƠN LA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ THAM GIA Ý KIẾN VÀO DỰ THẢO LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI)

19/10/2023

Ngày 19/10, đồng chí Hoàng Thị Đôi, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì Hội nghị tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Dự Hội nghị có các đồng chí: Chá A Của, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Vi Đức Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện các ban của HĐND tỉnh và một số sở, ban, ngành liên quan.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH SƠN LA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ THAM GIA Ý KIẾN VÀO 2 DỰ ÁN LUẬT

Hội nghị tham gia ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (Sửa đổi) tại Sơn La.

Qua hơn 7 năm thi hành, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 còn bộc lộ những tồn tại, bất cập như: diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH trên thực tế còn thấp so với tiềm năng; tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn chưa cao, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương; chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn người dân tham gia; một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn hiện nay... 

Xuất phát từ thực tế đó, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; bảo đảm an sinh xã hội của người dân và bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, tiến tới bao phủ BHXH toàn bộ lực lượng lao động. 

Các Đại biểu tham dự Hội nghị

Trên cơ sở kế thừa kết cấu của Luật BHXH năm 2014, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung 3 nội dung mới (trợ cấp hưu trí xã hội; quản lý thu, đóng BHXH và đầu tư quỹ BHXH); bỏ Mục chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (đã được quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động); tách riêng điều quy định về đối tượng tham gia BHXH, không quy định chung trong điều về đối tượng áp dụng; gộp các điều liên quan đến quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong một chương; không quy định chương riêng về trình tự, thủ tục BHXH mà lồng ghép vào từng chế độ. Theo đó, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được kết cấu gồm 10 chương và 136 điều (tăng 1 chương và 11 điều so với Luật BHXH năm 2014).

Các đại biểu tham gia ý kiến đối với Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần tập trung vào những nội dung trọng tâm: bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội; bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu; vấn đề hưởng BHXH một lần; về chi phí quản lý BHXH; bổ sung quy định nhằm xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Bà Hoàng Thị Đôi - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu. 

Góp ý dự thảo Luật, các đại biểu cho rằng: không quy định điều kiện thời gian của hợp đồng lao động mà thay vào đó bổ sung điều kiện về mức thu nhập để mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; giảm mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện ở mức thấp nhất từ 1.500.000 đồng xuống 700.000 đồng để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đồng bào miền núi. Đồng thời, phân tích, chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế của các phương án thực hiện quy định hưởng BHXH một lần và góp ý, bổ sung một số nội dung liên quan khác. 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hoàng Thị Đôi ghi nhận, đánh giá cao ý kiến của đại biểu đóng góp vào dự thảo Luật. Trên cơ sở những góp ý của các đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp thu, nghiên cứu chỉnh sửa tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Hoàng Hà