THẢO LUẬN TỔ 2: CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ

20/06/2023

Sáng ngày 20/06, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Tổ 2 gồm các đại biểu của Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh.

THẢO LUẬN TỔ 2: CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ TRÁCH NHIỆM NHÀ ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH HÌNH THÀNH TRONG TƯƠNG LAI

Toàn cảnh phiên họp

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở  có bố cục gồm 05 chương, 31 điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Dự thảo Luật quy định cụ thể tiêu chuẩn về lý lịch, trình độ văn hóa, sức khỏe của người được tuyển chọn tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn, yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự của từng vùng miền; quan hệ công tác với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã và quan hệ phối hợp với các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn cấp xã; các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến tổ chức, hoạt động, xây dựng, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định kiện toàn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và được bố trí theo mô hình tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương…

Việc xây dựng Luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; giảm chi ngân sách nhà nước; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới; xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở do Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, các lực lượng chức năng, trong đó Công an nhân dân làm nòng cốt thực hiện; pháp điển hóa văn bản quy phạm pháp luật về các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để quy định trong văn bản luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân

Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu Quốc hội trong Tổ cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ; cho rằng, dự thảo Luật đã quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp quy định của Hiến pháp, pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, các quy định về cách tổ chức lực lượng này như thế nào thì cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng để khi Luật được ban hành sẽ đảm bảo hiệu quả và tính khả thi.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, với cái tinh thần từ Quốc hội khóa XIV, việc xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là rất là cần thiết. Đại biểu bày tỏ luôn mong muốn dự thảo Luật này được xây dựng bởi tình hình an ninh, trật tự ở một số cơ sở còn rất phức tạp mà lực lượng công an hiện nay, cụ thể là công an chính quy phường một số nơi cũng không đủ lực để quản trị tình hình trật tự địa phương. Đại biểu lấy dẫn chứng về thực trạng mất an ninh trật tự ngay tại khu phố bản thân sinh sống và gây ra nhiều lo lắng. Do vậy nếu có thêm lực lượng để tham gia bảo vệ an ninh trật từ cơ sở là rất tốt và cần thiết.

Lấy ví dụ mới nhất về vụ việc gây mất an ninh trật tự tại tỉnh Đắk Lắk, đại biểu Ngân cho rằng, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cần phải được củng cố, cần thiết phải được luật hóa. Tuy nhiên đại biểu nêu rõ, hiện tại dự thảo Luật chưa làm rõ được nội dung lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ trật tự an toàn xã hội… Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở phải khẳng định được điều này.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, khi lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được thành lập theo dự thảo Luật này thì cần thống nhất với 3 nhóm lực lượng: Lực lượng bảo vệ dân phố; lực lượng công an xã; lực lượng dân phòng. Các lực lượng này sẽ gộp lại và tổ chức hợp nhất, bài bản hơn và mạnh hơn. Đại biểu đề nghị cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ để tránh sự trùng lắp, để khi các vụ việc cần xử lý xảy ra sẽ xác định được lực lượng nào tham gia xử lý.

Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu

Cũng nhất trí về sự cần thiết của dự án Luật này, tuy nhiên đại biểu Tô Thị Bích Châu cho rằng, nhiều nội dung của dự thảo Luật còn đang quy định chung chung, chưa cụ thể. Đặc biệt là về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Dự thảo Luật chưa phân định được rõ nhiệm vụ của lực lượng này đối với các lực lượng khác. Đại biểu đề nghị, cần tiến hành khảo sát ý kiến của đại biểu Quốc hội và các ban, ngành chuyên môn trong về việc thống nhất tổ chức lực lượng này đối với các lực lượng khác như, lực lượng công an xã; lực lượng dân phòng…

Đại biểu Tô Thị Bích Châu cũng chỉ ra, các quy định của dự thảo Luật về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chưa cụ thể ai là cái người trực tiếp quản lý lực lượng này, Ủy ban nhân dân hay là Công an xã? Dự thảo Luật mới đang quy định chung chung là dưới sự giám sát, quản lý của chính quyền địa phương. Theo nữ đại biểu, nếu như nội dung này không được quy định cụ thể thì sẽ tăng thêm một lực lượng quản lý tại địa phương. Nếu chúng ta quy định rất nhiều quyền nhưng mà không có quy định về trách nhiệm cụ thể thì lại gây ra hiệu hứng không tốt. Do đó, dự thảo Luật cần phải có quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý, quản lý như thế nào và tổ chức như thế nào để đảm bảo có trách nhiệm, có có khen thưởng, có động viên, cũng như có xử phạt.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trí Thức

Phát biểu quan điểm tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Trí Thức băn khoăn, có một số lực lượng như lực lượng hiệp sĩ, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tự phát thì có nên xem là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hay không?

Đại biểu cho biết, thực tế trong thành phố Hồ Chí Minh cũng như các khu đô thị ở các tỉnh hình thành khác đang tồn tại việc Ban quản lý các khu dân cư sẵn sàng nhận đóng góp của người dân rồi thuê một công ty bảo vệ tư nhân để bảo vệ khu dân cư đó. Lực lượng được thuê được đào tạo rất kĩ, bài bản và bảo vệ tốt. Lấy ví dụ tại các khu dân cư Quận 7 ở thành phố Thủ Đức. người dân và Ban quản lý khu dân cư đó tự mời một lực lượng bảo vệ tư nhân bảo vệ rất tốt thì lực lượng này có được xem là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hay không? Đại biểu Nguyễn Trí Thức cho rằng, dự thảo Luật nên có quy định công nhận và tạo điều kiện để các lực lượng tham gia bảo vệ trật tự nên cơ sở.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị cần bố trí ngân sách cần thiết để đảm bảo cho  lực lượng này được hoạt động hằng năm với mức hỗ trợ phải phù hợp, đảm bảo thu nhập phù hợp với điều kiện của từng địa phương, chứ không nên quy định cào bằng.

Một số hình ảnh tại phiên họp: 

Tổ 2 gồm các đại biểu của Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh

Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu Quốc hội trong Tổ cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ; cho rằng, dự thảo Luật đã quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp quy định của Hiến pháp, pháp luật có liên quan

Tuy nhiên, các quy định về cách tổ chức lực lượng này như thế nào thì cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng để khi Luật được ban hành sẽ đảm bảo hiệu quả và tính khả thi

Các đại biểu cho rằng, nhiều nội dung của dự thảo Luật còn đang quy định chung chung, chưa cụ thể. Đặc biệt là về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Các đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần phải có quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý, quản lý đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 

Đồng thời, cần quy định cần bố trí ngân sách cần thiết để đảm bảo cho  lực lượng này được hoạt động hằng năm với mức hỗ trợ phải phù hợp, đảm bảo thu nhập phù hợp với điều kiện của từng địa phương, chứ không nên quy định cào bằng

Các đại biểu tại phiên họp

Thu Phương – Nghĩa Đức

Các bài viết khác