THẢO LUẬN TỔ 2: CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ TRÁCH NHIỆM NHÀ ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH HÌNH THÀNH TRONG TƯƠNG LAI

19/06/2023

Chiều ngày 19/06, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Tổ 2 gồm các đại biểu của Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh.

THẢO LUẬN TỔ 2: CẦN CHÚ TRỌNG ĐẦU TƯ HẠ TẦNG CÔNG NGHỆ SỐ KHI XÂY DỰNG DỮ LIỆU DÂN CƯ

Toàn cảnh phiên họp

Theo Tờ trình của Chính phủ, sau gần 08 năm triển khai thực hiện, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được thì pháp luật về kinh doanh bất động sản cũng đã xuất hiện những tồn tại, hạn chế cần được sửa đổi bổ sung. Trên cơ sở việc đánh giá chi tiết, Quốc hội đã thống nhất sự cần thiết ban hành Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật về kinh doanh bất động sản để phát triển thị trường bất động sản trên cơ sở quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn, lành mạnh, ổn định và vận hành thông suốt; cơ cấu lại thị trường bất động sản; sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả; xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai; phát triển đô thị, các dự án bất động sản gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hợp lý, có tính đến thời điểm thực hiện quy hoạch, kế hoạch để cân đối cung cầu, tạo mặt bằng giá bất động sản phù hợp, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Dự án luật được kỳ vọng sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế sau 08 năm thi hành Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định của Luật này với các luật khác có liên quan để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Việc xây dựng dự án luật bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, văn bản khác có liên quan của Chính phủ để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và phát triển thị trường bất động sản; đảm bảo kế thừa, sự ổn định của hệ thống pháp luật; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển

Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu Quốc hội trong Tổ cơ bản nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh bất động sản. Dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Các tài liệu trong Hồ sơ dự án Luật về cơ bản được chuẩn bị công phu, bảo đảm yêu cầu theo quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng, dự thảo Luật cần phải bổ sung các quy định cụ thể về định giá các công trình bất động sản dở dang, giá chuyển nhượng và việc quy định các vấn đề liên quan tới chuyển nhượng. Theo đại biểu, nếu chúng ta không xác định rõ cơ chế chuyển nhượng theo giá nào, cạnh tranh như thế nào sẽ rất khó cho các doanh nghiệp đang có những dự án bất động sản dở dang. Đại biểu cho rằng, nếu có quy định, cơ chế như vậy sẽ tháo gỡ được rất nhiều dự án.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân

Tham gia góp ý tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho biết, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có mối liên quan mật thiết với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Trong đó, nếu dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) nếu được thông qua trước sẽ rất thuận lợi. Do vậy, đại biểu mong rằng, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) sẽ sớm được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 để làm cơ sở để chúng ta tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) này.

Quan tâm đến nội dung liên quan đến các công trình hình thành trong tương lai quy định ở Chương III của dự thảo Luật, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, dự thảo Luật cần phải định nghĩa nội dung này cụ thể và rõ ràng hơn. Theo đại biểu, đó là dự án nhà đang trong quá trình đầu tư xây dựng và thậm chí chúng ta chỉ mới thấy được cái và bản vẽ bước đầu. Vậy việc mua bán, chuyển giao tiền liên quan đến các công trình này trong thực tế đã xảy ra những tình huống tranh chấp như giao nhà trễ theo hợp đồng, giao nhà không đúng chất lượng cam kết, nhà không đảm bảo hạ tầng văn hóa, xã hội đúng như bản vẽ thiết kế quy hoạch…

Đại biểu cho rằng, trong các trường hợp này luôn rơi vào tình huống là đơn vị chủ đầu tư sai. Có những trường hợp đã gây nên sự bức xúc cho người dân. Do vậy, dự thảo Luật này cần phải quy định một cách chi tiết và cụ thể trách nhiệm của nhà đầu tư, chủ đầu tư, kể cả cơ quan quản lý nhà nước cấp phép xây dựng đối với các công trình này. Đại biểu nhấn mạnh, cần phải quan tâm nhiều đến việc bảo vệ người yếu thế, tức là phía người mua nhà.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) lần này cần bảo đảm trên tinh thần bảo vệ người tiêu dùng. Góp ý cho nội dung nhà ở hình thành trong tương lai, đại biểu Nghĩa cho biết, người kinh doanh bất động sản luôn muốn làm sao huy động vốn càng sớm càng tốt. trong khi nhà ở hình thành trong tương lai thì chưa được nghiệm thu. Do vậy, những nhà ở này không thể đem ra bán được. Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần phải có quy định doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cần phải công khai và chịu trách nhiệm về sự đầy đủ, trung thực và chuẩn xác của các thông tin về các dự án.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật cụ thể hơn đối với các hành vi bị nghiêm cấm, đồng thời có những chế tài đối với những hành vi này trong kinh doanh bất động sản. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, chỉnh lý Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), thống nhất về khái niệm và theo nguyên tắc những nội dung về kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất có đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản, chuyển nhượng dự án bất động sản thì quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản; các luật khác có liên quan…

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Toàn cảnh phiên họp

Tổ 2 gồm các đại biểu của Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh

Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu Quốc hội trong Tổ cơ bản nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh bất động sản

Các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần phải bổ sung các quy định cụ thể về định giá các công trình bất động sản dở dang, giá chuyển nhượng và việc quy định các vấn đề liên quan tới chuyển nhượng

 Cùng với đó, quy định cụ thể hơn đối với các hành vi bị nghiêm cấm và có những chế tài đối với những hành vi này trong kinh doanh bất động sản

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Thu Phương