ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC GIANG KHẢO SÁT TÌNH HÌNH ĐẦU TƯ, SẢN XUẤT KINH DOANH TẠI KCN HÒA PHÚ

13/06/2023

Sáng 13/6, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Giang do đồng chí Dương Văn Thái, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn tổ chức khảo sát tình hình thực hiện đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Khu Công nghiệp (KCN) Hòa Phú (Hiệp Hòa).

ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC GIANG TIẾP XÚC CỬ TRI TẠI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

Quang cảnh buổi làm việc.

Cùng đi có các ĐBQH tỉnh: Nguyễn Thị Thúy Ngần, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp.

Dự buổi làm việc, khảo sát có đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN).

Theo báo cáo của Công ty TNHH Hòa Phú Invest - Chủ đầu tư dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN Hòa Phú, đến nay đã giải phóng mặt bằng (GPMB) được 201,8 ha, đạt 97,2% tổng diện tích KCN (đối với dự án KCN Hòa Phú quy mô 207,45 ha); UBND tỉnh đã chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất và giao đất với tổng diện tích 195,2 ha.

Đối với dự án KCN Hòa Phú mở rộng giai đoạn I (85 ha), hiện đã chi trả khoảng 50,2 ha tiền đền bù, hỗ trợ GPMB, đạt 59,1%, với tổng số tiền là 134,7 tỷ đồng.

Toàn bộ diện tích được UBND tỉnh giao đất, hiện Công ty TNHH Hòa Phú Invest đã triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. Ở phần diện tích còn lại, công tác thi công xây dựng tiến hành song song với công tác GPMB, bảo đảm có mặt bằng tới đâu, triển khai thi công đồng bộ hạ tầng kỹ thuật tới đó.

Đồng chí Dương Văn Thái kết luận buổi làm việc.

Đối với công tác thu hút đầu tư vào KCN, hiện có 28 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 700 triệu USD, trong đó 19/28 dự án đã đi vào hoạt động, sử dụng 3.250 lao động.

Tại buổi làm việc, đại diện Ban Quản lý Các KCN tỉnh và chủ đầu tư KCN Hòa Phú cho biết, đối với KCN Hòa Phú vẫn còn 5,6 ha chưa giải phóng được mặt bằng, trong đó có khoảng 1,58 ha "xôi đỗ", ảnh hưởng rất lớn đến công tác đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ. Ở phần KCN Hòa Phú mở rộng giai đoạn I, có nhiều diện tích bị ngập nước, không có bờ vùng, bờ thửa, nguồn gốc đất phức tạp nên gặp nhiều khó khăn trong công tác quy chủ và xác định nguồn gốc đất.

Về việc đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh của các DN thứ cấp vào KCN, một số thủ tục về phòng cháy, chữa cháy, đánh giá tác động môi trường… còn gặp khó khăn, thời gian kéo dài dẫn tới việc triển khai dự án bị ảnh hưởng. Nguyên nhân là do quy định của Nhà nước liên quan đến nhóm dự án đầu tư, cấp công trình xây dựng trong KCN, nhiều thủ tục hành chính phải trình cấp bộ, ngành T.Ư phê duyệt.

Việc thay đổi các quy định pháp luật cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư. Đơn cử như dù KCN Hòa Phú mở rộng giai đoạn I đã được phê duyệt quy hoạch phân khu 1/2000 và Quyết định thành lập KCN từ năm 2022 nhưng khi thực hiện bước thẩm định báo cáo nghiên cứu kỹ thuật dự án vẫn phải quay lại thực hiện bước quy hoạch 1/500 trước khi thẩm định dẫn đến tiến độ dự án kéo dài thêm khoảng 6 tháng.

Đồng chí Phan Thế Tuấn phát biểu tại buổi làm việc.

Cùng đó, thời gian gần đây, xảy ra tình trạng thiếu điện, mất điện đột xuất nên DN trong KCN không chủ động bố trí sản xuất, gây thiệt hại cho DN và người lao động.

Xuất phát từ thực tế trên, đại diện Công ty TNHH Hòa Phú Invest đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện Hiệp Hòa tiếp tục chỉ đạo cơ quan liên quan phối hợp đẩy nhanh công tác bồi thường GPMB; hoàn thiện thủ tục thu hồi đất, chuyển mục đích và giao đất cho chủ đầu tư hạ tầng để triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào KCN.

Đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi các quy định theo hướng phân cấp cho địa phương thực hiện các thủ tục hành chính về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường… để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai dự án.

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành tỉnh, huyện Hiệp Hòa và một số DN cũng đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến tháo gỡ khó khăn trong công tác GPMB; nhà ở cho công nhân, người nước ngoài và các chuyên gia đến làm việc tại các DN trong KCN. Đặc biệt, đề nghị có giải pháp cung cấp điện đầy đủ, ổn định cho các DN, tránh thiệt hại cho DN; việc cấp phép đầu tư xây dựng hệ thống điện áp mái phục vụ các DN trong KCN…

Đồng chí Dương Văn Thái và các đại biểu khảo sát tình hình hoạt động tại Công ty TNHH BROMAKE Việt Nam (KCN Hòa Phú).

Làm rõ một số ý kiến các đại biểu đã nêu, đồng chí Phan Thế Tuấn đề nghị UBND huyện Hiệp Hòa tiếp tục làm tốt công tác GPMB theo đúng kế hoạch của UBND tỉnh đã ban hành, trong đó chú ý hoàn thiện thủ tục pháp lý, giao đất cho nhà đầu tư. Đối với những diện tích gặp khó khăn do liên quan đến việc thu hồi hết thửa, quy chủ, đề nghị chủ đầu tư tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ trong công tác này; đồng thời tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút các DN đầu tư vào KCN.

Về việc xử lý tình trạng thiếu điện, tỉnh cũng đã rất quan tâm, chia sẻ khó khăn với các DN. UBND tỉnh đã có ý kiến đề nghị Bộ Công Thương bổ sung sản lượng điện để bảo đảm sản xuất, kinh doanh cho các DN.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Dương Văn Thái đề nghị huyện Hiệp Hòa tập trung chỉ đạo trong tháng 8 tới đây phải thực hiện xong công tác GPMB, bàn giao cho chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN Hòa Phú. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Hòa Phú Invest quan tâm đôn đốc các DN triển khai dự án đầu tư vào KCN; giao Ban Quản lý Các KCN tỉnh rà soát, xem xét các DN đã đăng ký vào KCN nhưng chậm đầu tư, thực hiện dự án, nếu cần thiết thì kiến nghị thu hồi, dành đất cho DN khác.

Đồng chí Dương Văn Thái và các đại biểu trồng cây tại KCN Hòa Phú.

Đối với việc thiếu điện, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ với những khó khăn của DN, đồng thời mong muốn các DN cũng chia sẻ cùng Nhà nước và chính quyền địa phương. Tới đây, khi được Bộ Công Thương bổ sung sản lượng điện cho tỉnh Bắc Giang thì sẽ ưu tiên cấp điện sản xuất, nhất là đối với các DN có tính đặc thù, cần duy trì sản xuất liên tục trong ngày.

Đồng chí Dương Văn Thái cũng đề nghị Công ty TNHH Hòa Phú Invest quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, các chuyên gia và người lao động nước ngoài làm việc trong KCN.

Đề nghị tăng cường phối hợp giữa chủ đầu tư KCN với chính quyền địa phương, DN và cơ quan chức năng của tỉnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong KCN.

Đồng chí cũng tiếp thu, tổng hợp một số ý kiến các đại biểu để gửi bộ, ngành T.Ư xem xét giải quyết theo quy định.

(Theo Báo điện tử Bắc Giang)

Các bài viết khác