THẢO LUẬN TỔ 13: RÀ SOÁT, CÂN NHẮC KỸ LƯỠNG VỀ VIỆC QUY ĐỊNH QUỸ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH

10/06/2023

Sáng 9/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Tại Tổ 13, một số ý kiến đại biểu đề nghị, cần rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng việc quy định về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích...

THẢO LUẬN TỔ 13: TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ CAO HƠN VÀ GIẢI QUYẾT KỊP THỜI VƯỚNG MẮC TRONG QUẢN LÝ, BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUỐC PHÒNG VÀ KHU QUÂN SỰ

Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 13

Thảo luận tại Tổ 13, gồm 04 Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Đắk Lắk, Bắc Ninh và Hậu Giang. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XV tỉnh Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm điều hành nội dung phiên thảo luận.

Tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật Viễn thông sau hơn 13 năm thi hành nhằm đáp ứng kịp thời những yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực hiện các cam kết quốc tế; góp phần phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực viễn thông; thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc  trong tổ chức thực hiện Luật Viễn thông thời gian qua.

Tuy nhiên, góp ý vào dự thảo, các đại biểu cũng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp , Luật Cạnh tranh , Luật Đấu giá tài sản , Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, Luật Quy hoạch và các luật khác có liên quan trong lĩnh vực thông tin và truyền thông , lĩnh vực tư pháp … để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh 

Tham gia thảo luận Tổ, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, nội dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng , quy định của Hiến pháp. Dự thảo Luật đã kế thừa hợp lý các quy định của Luật Viễn thông hiện hành; bổ sung một số quy định mới; sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để khắc phục bất cập trong thực tiễn.

Liên quan đến quy định về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích được quy định tại Điều 33, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng, đồng thời cơ quan soạn thảo cần có giải trình rõ vì sao quỹ viễn thông đã có rồi nhưng việc triển khai còn nhiều hạn chế, tồn quỹ.

Nêu quan điểm về nội dung này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho biết, theo Điều 22 Luật Viễn thông năm 2009, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận để hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích. Về nguyên tắc, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích có nguồn thu từ các khoản đóng góp theo tỷ lệ doanh thu dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông. Mức đóng góp vào Quỹ đối với các dịch vụ viễn thông phải trích nộp doanh thu tối đa không quá 5% doanh thu dịch vụ viễn thông đó.

Theo đại biểu, khoản đóng góp của doanh nghiệp vào Quỹ là một khoản thu có tính chất bắt buộc, mang tính chất như một loại “thuế” bổ sung trên doanh thu. Tổng nguồn thu lớn nhưng chi sử dụng cho việc thực hiện chức năng nhiệm vụ còn rất thấp, chủ yếu là chi cho đảm bảo bộ máy.

Ngoài ra, hiện nay, dịch vụ viễn thông cơ bản phủ sóng rộng khắp; việc đóng góp Quỹ được áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp viễn thông có thu nhập, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, mới hoạt động có lãi sẽ là chưa thỏa đáng trong bối cảnh kinh tế đang gặp khó khăn. Đồng thời, thủ tục thanh quyết toán đối với các nhiệm vụ chi này cũng có những bất cập. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có sự tính toán, cân nhắc không quy định Quỹ này.

Cũng theo đại biểu, tại dự thảo luật đã bổ sung một số chính sách mới liên quan đến: quản lý dịch vụ OTT viễn thông; dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây,… những nội dung này cần được Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm lập pháp của các nước, có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ,…

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn 

Đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Viễn thông (sửa đổi) đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, cho rằng tại điểm a, khoản 1, Điều 49 quy định chia sẻ hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp viễn thông, nhằm bảo đảm thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông hiệu quả, thuận lợi, nhanh chóng, bảo đảm yêu cầu về cảnh quan, môi trường và quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, việc dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thấp khoảng 10%, đặc biệt cột, trạm BTS (cùng một vị trí cả 3 nhà mạng Vinaphone, Mobifone, Viettel đều xây dựng, lắp đặt cột BTS như vậy gây mất mỹ quan đô thị và tốn kém kinh phí).

Vì vậy, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị xem xét bổ sung quy định có một doanh nghiệp đầu tư, quản lý hạ tầng viễn thông, cho các nhà mạng thuê lại để khắc phục tình trạng trên.

Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XV tỉnh Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm đánh giá cao dự thảo Luật đã bổ sung quy định “Công trình viễn thông được lắp đặt trên đất công, trụ sở công, công trình công, địa điểm công và các tài sản công khác” (tại khoản 1, Điều 63). Theo đại biểu, quy định như vậy nhằm khắc phục khó khăn vướng mắc hiện nay trên thực tiễn.

Đối với, quy định về đất sử dụng cho công trình viễn thông, đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể cà có đề cập việc ưu tiên xây dựng công rình viễn thông trên các loại đất không thuộc nhóm đất có mục đích sử dụng để xây dựng và không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Lý giải cho đề xuất này, đại biểu nêu rõ, thực tế hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông đang gặp khó kahwn trong việc thuê đất của tổ chức, cá nhân để xây dựng, lắp đặt trạm thu phát sóng thông tin di động (trạm BTS) do liên quan đến Luật Đất đai quy định nguyên tắc sử dụng đất.

Thực tế người dân cho doanh nghiệp viễn thông thuê đất đề xây dựng trạm BTS với thời gian thuê từ 3 -5 năm và thường người dân không làm các thủ tục đăng ký biến động ddaatas hoặc chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định. Một só nơi trên địa bàn tỉnh, người đân viện cớ vào mục đích sử dụng đất để phản đối doanh nghiệp xây dựng, lắp đặt trạm BTS. Mặt khác, các doanh nghiệp viễn thông triển khai xây dựng công trình viễn thông trên cơ sở phù hợp với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của tỉnh, đảm bảo tối ưu vùng phủ sóng và chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của tổ chức, cá nhân trên địa bàn nên không thể phụ thuộc vào khu vực đất, loại đất để được xây dựng.

Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XV tỉnh Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm 

Cũng theo đại biểu Nghị quyết 52 –NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị xác định hạ tầng viễn thông là cơ sở hạ tầng thiết yếu, cần được ưu tiên phát triển. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tỏng việc thuê đất xây dựng công trình viễn thông, đề nghị xem xét có thể bổ sung cụ thể về ưu tiên xây dựng công trình viễn thông trên các loại đất không phụ thuộc nhóm đất có mục đích sử dụng để xây dựng và không được chuyển dổi mục đích sử dụng đất.

Cũng trong phiên thảo luận Tổ sáng nay, các vị ĐBQH thuộc Tổ 13 còn cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).  Theo đó, các đại biểu nhất trí với  sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Căn cước công dân hiện hành.

Tuy nhiên, để việc xây dựng, ban hành Luật được chặt chẽ, phát huy có hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đồng bộ, sớm hoàn thiện ứng dụng tài khoản định danh điện tử, kết nối, chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy tối đa hiệu quả của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.

Một số hình ảnh tại Phiên họp tại Tổ 13: 

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 13

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang tại Phiên thảo luận Tổ 13 và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XV tỉnh Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm 

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XV tỉnh Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm điều hành nội dung phiên thảo luận.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn 

Đại biểu Ngô Trung Thành, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Đại biểu Lê Minh Nam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tham dự phiên thảo luận tại Tổ 13

Đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh 

Đại biểu Ngô Trung Thành, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang tham dự Phiên thảo luận Tổ 13

Phiên thảo luận tại Tổ 13, gồm 04 Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Đắk Lắk, Bắc Ninh và Hậu Giang./.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Các bài viết khác