Đồng chí Phạm Đại Dương, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, Tổ trưởng Tổ 9 điều hành nội dung thảo luận.
Đồng chí Phạm Đại Dương, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, Tổ trưởng Tổ 9 điều hành nội dung thảo luận. Tổ 9 gồm 26 đại biểu thuộc các Đoàn ĐBQH: Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bến Tre.
Qua thảo luận, các đại biểu nhấn trí với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND) và cho rằng: Việc ban hành Luật này nhằm thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về CAND, thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng CAND; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Lao động về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng CAND để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đa số ý kiến đại biểu cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, cơ bản bảo đảm tính khả thi, bảo đảm tính tương quan về độ tuổi lao động theo quy định trong Bộ luật Lao động; đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát các quy định về kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất, quy định về chế độ, chính sách có liên quan đến Bộ Luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội để bảo đảm tính thống nhất.
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện dự án Luật này đang vướng mắc trong vấn đề phong hàm ở một số cấp bậc như cấp tướng và một số trường hợp đặc biệt, đề nghị trong quá trình sửa đổi cần làm rõ “thế nào là trường hợp đặc biệt”, nhất là Nghị quyết 12-NQ/TW của Trung ương về đẩy mạnh lực lượng công an nhân dân trong tình hình mới để xây dựng lực lượng công an chính quy, tinh nhuệ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời cần lí giải yêu cầu đặt ra của nhiệm vụ chính trị để có lực lượng công an đủ phẩm chất, năng lực, uy tín. Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, Ban soạn thảo viết như vậy sẽ thuyết phục hơn.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung uơng
Về quy định thời hạn để xét thăng cấp bậc hàm Đại tá lên Thiếu tướng (khoản 1 Điều 1), đại biểu Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, quy định thời hạn thông thường thăng cấp bậc hàm là 4 năm, trong những trường hợp đặc biệt nghĩa là có thành tích xuất sắc thì được phong hàm trước hạn. Đề nghị chỉ nên phong hàm trước thời hạn đối với những người tiếp tục công việc chứ không phải nghỉ hưu, đề nghị Ban soạn thảo cần thống nhất nội dung này. Đối với trường hợp đặc biệt, đề nghị chỉ phong hàm trước thời hạn 1 năm để đảm bảo công bằng, đồng thời phải đánh giá quá trình công tác đủ thời gian ít nhất 3 năm thì mới tính đến việc phong hàm.
Về quy định tiêu chí, tiêu chuẩn lập thành tích đặc biệt xuất sắc để xét thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn (khoản 2 Điều 1), đại biểu Nguyễn Xuân Thắng đề nghị làm rõ thành tích thế nào là đặc biệt, cần được cụ thể hóa trong dự án Luật này.
Liên quan bổ sung quy định cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng (điểm a khoản 3 Điều 1), đại biểu Nguyễn Xuân Thắng ủng hộ việc Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh giữ cấp bậc hàm Thượng tướng.
Về cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá đối với Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Trung đoàn trưởng (điểm c khoản 3 Điều 1), đại biểu Nguyễn Xuân Thắng nhất trí quy định cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá đối với chức vụ Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, bởi thực tế đã thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở sáp nhập 3 quận. Nhưng đối với các đơn vị khác, đề nghị cần lí giải cụ thể hơn để rõ hơn về tiêu chí.
Liên quan đến quy định kéo dài tuổi phục vụ, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng đề nghị áp dụng thống nhất theo Luật Lao động để đảm bao công bằng. Về quy định kéo dài thời hạn công tác sau nghỉ hưu, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Ban soạn thảo nên tham chiếu thêm Quy định 50 mà Ban Tổ chức Trung ương ban hành đối với các đối tượng có học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Giảng viên cao cấp…
Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, về cơ bản hồ sơ Luật và điều kiện đảm bảo tương đối rõ, tuy nhiên đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ tính cấp thiết của Luật này cho thuyết phục.
Về quy định thời hạn để xét thăng cấp bậc hàm Đại tá lên Thiếu tướng (khoản 1 Điều 1), Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, quy định sĩ quan CAND được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 03 năm công tác. Trường hợp không đủ 03 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định. Quy định như dự thảo Luật là phù hợp. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ băn khoăn quy định như vậy có mở quá không, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ căn cứ vào pháp luật nào quy định “trường hợp không đủ 03 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định”.
Liên quan quy định tiêu chí, tiêu chuẩn lập thành tích đặc biệt xuất sắc để xét thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ thành tích đặc biệt xuất sắc này tương đương mức nào của các loại huân chương, phân biệt như thế nào. Đề nghị các đại biểu Quốc hội hiến kế để thiết kế điều này cho cụ thể hơn.
Băn khoăn quy định về cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá đối với Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Trung đoàn trưởng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, để đảm bảo tính tương thích, đề nghị quy định cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tá đối với Trung đoàn trưởng. Đồng thời bày tỏ băn khoăn có nhất thiết quy định cấp bậc Đại tá đối với Trung đoàn trưởng hay không?
Về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, tăng chung 2 tuổi đối với từng nhóm cấp bậc, quy định như vậy tương thích với Luật. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, có ý kiến đề xuất việc nâng hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với nữ Thượng tá lên 03 tuổi, nữ Đại tá lên 05 tuổi, đề nghị cần đánh giá tác động về bình đẳng giới và về quy hoạch cán bộ có hợp lý hay không.
Đại biểu Lê Quang Đạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, Tư lệnh Cánh sát biển Việt Nam
Góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Lê Quang Đạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật này nhằm phù hợp xu thế chung của thế giới, đặc biệt lực lượng chuyên trách đảm bảo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là yêu cầu hết sức cấp bách trong bối cảnh hiện nay, vì các nội dung sửa đổi của dự án Luật có tính chất quyết định vấn đề tổ chức, sử dụng lực lượng trong lĩnh vực bảo đảm bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Đồng thời nhằm đồng thuận với xu thế phát triển chung của các nước trong khu vực về hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng.
Bên cạnh đó, đại biểu Lê Quang Đạo cho rằng, khi vị trí hàm cấp tướng được đào tạo một cách bài bản, có trải qua trong thực tiễn, cần quy định trần này hàm cấp tướng đểt kéo dài tuổi phục vụ vì đây là tài sản quý, bổ sung đội ngũ có kiến thức, kinh nghiệm và thực tiễn sâu trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
Về quy định số lượng vị trí bổ sung có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng, đại biểu Lê Quang Đạo cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo Luật, vì cho rằng không vượt quá số lượng vị trí cấp tướng trong CAND do Bộ Chính trị quy định; phù hợp với nhu cầu thực tiễn công tác và cơ cấu tổ chức mới của Bộ Công an.
Liên quan đến bổ sung quy định cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng, đại biểu Lê Quang Đạo nhất trí với quy định sĩ quan CAND biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban QPAN của Quốc hội có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng là phù hợp với tinh thần Kết luận số 35-KL/TW, ngày 05/5/2022 của Ban Chấp hành Trung ương; phù hợp với thực tiễn Quốc hội khóa XIV và khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban QPAN do một đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Thứ trưởng Bộ Công an biệt phái đảm nhiệm.
Về bổ sung quy định cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng, đại biểu Lê Quang Đạo nhất trí với việc bổ sung 05 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng như trong Tờ trình và dự thảo Luật là để bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp với thực tiễn tổ chức trong CAND, góp phần nâng cao sức chiến đấu của lực lượng CAND. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị việc bổ sung này cần được đánh giá đầy đủ, toàn diện, bảo đảm tương quan về cấp bậc hàm cao nhất và phân cấp chỉ huy trên dưới trong CAND.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam./.
Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận Tổ 9:
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 9
Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên
Đồng chí Phạm Đại Dương, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, Tổ trưởng Tổ 9 điều hành nội dung thảo luận.
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh
Đại biểu Võ Văn Hội - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre
Đại biểu Đặng Thuần Phong - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre
Đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi