THẢO LUẬN TỔ 2: ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG ĐỒN BIÊN PHÒNG LÀ ĐẦU MỐI KHAI BÁO NHẬP CẢNH, CƯ TRÚ TẠI CÁC VÙNG BIÊN GIỚI

27/05/2023

Chiều ngày 27/05, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Tổ 2 gồm các đại biểu của Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh.

THẢO LUẬN TỔ 2: TẬP TRUNG CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ BỀN VỮNG, ĐỘC LẬP

Toàn cảnh phiên họp

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có bố cục gồm 03 điều. Theo đó, Điều 1 sửa đổi 13 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019; tập trung vào 02 nhóm nội dung: Nhóm nội dung để cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử; và Nhóm nội dung sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong việc xin thị thực nhập cảnh nước ngoài, cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Điều 2 sửa đổi 07 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), tập trung vào 02 nhóm nội dung: Nhóm nội dung sửa đổi các quy định của Luật để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam; và Nhóm nội dung sửa đổi để quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.  Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành.

Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Bộ Công an đã gửi xin ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đăng tải dự thảo hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an để lấy ý kiến của quần chúng nhân dân. Trên cơ sở các ý kiến tham gia, Bộ Công an đã tổng hợp ý kiến góp ý, tiếp thu chỉnh lý dự thảo hồ sơ dự án Luật.

Qua thảo luận, các đại biểu trong Tổ cơ bản với sự cần thiết của dự thảo Luật này nhằm góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; góp phần phát triển kinh tế - xã hội; vừa bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư.

Góp ý hoàn thiện dự án Luật, ĐBQH Hà Phước Thắng cho biết, đối với việc nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, nên điều chỉnh lại thay vì quy định là “3 tháng” mà quy định là “90 ngày” sẽ đảm bảo chính xác hơn. Ví dụ nếu trong trường hợp họ làm thị thực vào ngày 31/01. Từ thực tế đó, nếu chúng ta quy định 3 tháng sẽ hết hạn vào ngày 31/04, trong khi vài tháng tới không có ngày 31; hay ví dụ trường hợp thị thực làm vào ngày 30/11 thì 3 tháng sau ngày 30/02 cũng không có ngày 30 của các tháng đó. Như vậy, dự thảo Luật quy định là không quá 90 ngày thì sẽ chính xác hơn khi chúng ta làm thủ tục thị thực cho người nước ngoài tại các cửa khẩu biên giới sẽ thuận lợi hơn.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Theo Tờ trình của Chính phủ, Điều 33 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được sửa đổi theo hướng, người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú.

Các đại biểu cho rằng, cần bổ sung đồn biên phòng ở khu vực biên giới, cửa khẩu là đầu mối tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài, bên cạnh công an cấp xã, đồn, trạm công an ở khu vực lực trú. Bởi việc đồn biên phòng là cơ sở khai báo tạm trú được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật, từ một số điều ước, hiệp ước quốc tế mà nước ta tham gia đến Luật Biên phòng, Nghị định 34/2014/NĐ-CP quy định quy chế khu vực biên giới đất liền. Trong đó, Nghị định số 34/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã xác định quyền hạn, trách nhiệm của đơn vị biên phòng với việc tiếp nhận, xác nhận tạm trú của người nước ngoài.

Liên quan đến quy định tạm trú của người nước ngoài qua các cửa khẩu biên giới phải đăng ký tạm trú với lực lượng công an, ĐBQH Hà Phước Thắng cho biết, nhiều cử tri có đề nghị những trường hợp người nước ngoài vào các khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu nếu qua đêm đăng ký tạm trú chúng ta nên phát huy thêm lực lượng biên phòng tại các khu vực này. Theo các nghị định, hiệp định đã ký kết của Việt Nam liên quan tới biên giới hiện nay, lực lượng biên phòng là những lực lượng vũ hết sức quan trọng để đảm bảo an ninh trật tự khu vực giáp biên giới người nước ngoài qua lại với đất nước chúng ta. Do vậy, đại biểu cho rằng, lực lượng này cần phải phát huy thêm để có thể đảm nhận nhiệm vụ giải quyết nhanh chóng cho việc tạm trú qua đêm tại biên giới cửa khẩu của Việt Nam giáp với các nước bạn.

ĐBQH Dương Văn Thăng phát biểu

Nêu quan điểm về nội dung này, ĐBQH Dương Văn Thăng cũng cho rằng, việc cần bổ sung liên quan đến lực lượng biên phòng khu vực biên giới, cửa khẩu cũng là đầu mối tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài. Theo đại biểu, bên cạnh công an cấp xã, cơ sở lưu trú, thì việc quy định như vậy là phù hợp với nhiều văn bản quy phạm pháp luật quốc tế…

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết cũng đồng tình với việc bổ sung đồn biên phòng, trạm biên phòng là một đầu mối khai báo nhập cảnh, cư trú tại các vùng biên giới, bởi vì vai trò của các đồn biên phòng ở các khu vực biên giới được đã quy định rất rõ trong các luật mà vừa rồi Quốc hội đã thông qua. Lực lượng Bộ đội biên phòng cũng cần phải nắm bắt được đối tượng người nước ngoài cư trú tại các vùng biên giới để góp phần làm tốt công tác quản lý biên giới cũng như làm tốt công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống buôn lậu, phòng, chống ma túy…

ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết 

Đối với nội dung về thời hạn của thị thực điện tử thì, đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật quy định là nâng từ 30 ngày lên thành 90 ngày chứ không ghi là 3 tháng như những phân tích của đại biểu Hà Phước Thắng; đồng thời bày tỏ thống nhất với việc Chính phủ đề xuất mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định giao Chính phủ quy định cụ thể các vùng, lãnh thổ này. Do vậy, nữ đại biểu đề nghị, trước khi thông qua dự án Luật, Chính phủ cần báo cáo Quốc hội chi tiết danh sách này trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua. Đại biểu cho rằng, đến thời điểm hiện nay ít nhất Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan cũng phải thống nhất được những nước nào sẽ trình Chính phủ phê duyệt, những nước nào được đưa vào trong danh sách này.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị bổ sung bộ đội đồn biên phòng nơi gần nhất là nơi tiếp nhận tin tố giá tội phạm, vì các điều ước quốc tế về quản lý ở cửa khẩu Việt Nam đã ký kết với các nước có chung đường biên giới và các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý bảo vệ quốc gia đều quy định như vậy. Tổ chức, cá nhân người nước ngoài muốn đăng ký tạm trú ngủ qua đêm ở khu vực biên giới, cửa khẩu đều phải thông báo, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng biên phòng...

Một số hình ảnh phiên họp:

Quang cảnh phiên họp tại tổ 2

Các đại biểu trong Tổ cơ bản với sự cần thiết của dự thảo Luật này nhằm góp phần đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, cần bổ sung đồn biên phòng ở khu vực biên giới, cửa khẩu là đầu mối tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài, bên cạnh công an cấp xã, đồn, trạm công an ở khu vực lực trú

Các đại biểu cho rằng, lực lượng biên phòng cần được phát huy thêm để có thể đảm nhận nhiệm vụ giải quyết nhanh chóng cho việc tạm trú qua đêm tại biên giới cửa khẩu 

Đối với nội dung về thời hạn của thị thực điện tử thì, nhiều đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật quy định là nâng từ 30 ngày lên thành 90 ngày thay vì 3 tháng để đảm bảo chính xác

Các đại biểu cũng đồng tình với việc Chính phủ đề xuất mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ.

Thu Phương - Nghĩa Đức