THẢO LUẬN TỔ 13: CẦN TRIỂN KHAI QUYẾT LIỆT CÁC GIẢI PHÁP PHÙ HỢP THÚC ĐẨY GIẢI NGÂN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG
Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 13
Thảo luận tại Tổ 13 gồm 04 Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lạng Sơn, Đắk Lắk, Bắc Ninh và Hậu Giang. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn điều hành nội dung phiên thảo luận.
Qua thảo luận các đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND) đồng thời nhấn mạnh, việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về CAND, thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng CAND; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Lao động về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác, chiến đấu của lực lượng CAND để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nêu quan điểm đồng tình với việc xem xét thông qua dự án luật theo quy trình tại 1 kỳ họp, đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện nay, hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an quy định tại Luật CAND năm 2018 bảo đảm tương quan với quy định về tuổi nghỉ hưu của người lao động tại Bộ luật Lao động năm 2012 gắn với đặc thù của lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng CAND nói riêng về cấp bậc hàm, chức vụ, chức danh trên cơ sở phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc thù về tổ chức bộ máy của các đơn vị trong CAND.
Tuy nhiên, đến nay, Bộ luật Lao động năm 2012 đã được thay thế bằng Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021); theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Vì vậy, trên cơ sở quy định mới của Bộ luật Lao động năm 2019 và tính chất đặc thù của lực lượng CAND, cần phải sửa đổi quy định hiện hành về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an tại Luật CAND và Nghị định số 49/2019/NĐ-CP ngày 06/6/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật CAND (Nghị định số 49/2019/NĐ-CP) cho phù hợp.
Đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Lam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề nghị, phần nội dung này cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đề xuất cho phù hợp với thực hiện chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, về sức khỏe khi hoạt động trong môi trường lao động đặc thù của lực lượng vũ trang.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phân tích làm rõ tính cấp thiết từ yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn.
Do đó, xây dựng dự án luật nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo: “Xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu đến năm 2030 xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Thể chế hóa Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16-3-2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới;
Đồng thời, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động; khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật CAND liên quan đến thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác; quy định cụ thể một số vị trí có cấp bậc hàm cấp Tướng trong CAND phù hợp với quy định của Đảng và yêu cầu công tác.
Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk
Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu đề nghị cần sớm bổ sung dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành sau khi luật được thông qua; rà soát nghiên cứu kỹ lưỡng đảm bảo tính hiệu quả và khả thi đối với quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn lập thành tích đặc biệt xuất sắc để xét thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn; bổ sung quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với một số chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân; thời hạn để xét thăng cấp bậc hàm Đại tá lên Thiếu tướng;…
Cũng tại Phiên thảo luận, các đại biểu còn cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo các đại biểu, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật về xuất nhập cảnh hiện hành góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước; Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh cho phù hợp với thực tiễn hiện nay; tạo điều kiện thuận lợi, thu hút hơn nữa người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19.
Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận tại Tổ 13:
Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 13
Đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Lam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang
Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn
Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk
Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn và Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 13
Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 13
Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 13