ĐOÀN ĐBQH TP.ĐÀ NẴNG GIÁM SÁT VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
Toàn cảnh buổi làm việc
Về quá trình triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông trên địa bàn, UBND quận Hải Châu đánh giá việc dạy theo chương trình này giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy, hình thức dạy cũng như công tác kiểm tra đánh giá, khai thác được tính tích cực, chủ động của học sinh. Song, qua trao đổi với Đoàn giám sát, những khó khăn trong quá trình thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa 2018 theo Nghị quyết 88/2014 cũng bộc lộ.
Một số vấn đề được Đoàn giám sát đặt ra và đề nghị làm rõ liên quan tới việc lựa chọn sách giáo khoa; mua sách giáo khoa; giá bán sách giáo khoa; triển khai đào tạo cho giáo viên; nguồn nhân lực bổ sung cho các trường khi tiến hành giảng dạy theo chương trình mới.
Ông Trần Chí Cường, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng
Ông Trần Chí Cường, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh: “Qua một số trường chúng tôi thấy đến giờ vẫn chưa thi tuyển được để bổ sung biên chế cho các trường để đủ giáo viên dạy. Thứ 2 nữa là bộ môn thi tuyển, có những bộ môn thi tuyển không được hoặc do thí sinh thi vào không đạt thì giải pháp chúng ta xử lý trường hợp này như thế nào?”
Cũng cùng chung quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thuý đề nghị các thầy cô giáo đại diện các trường trên địa bàn quận Hải Châu làm rõ: “Trong báo cáo nhà trường có nói rằng hiện nay các giáo việc chỉ được đào tạo để dạy đơn môn nên việc bố trí giảng dạy đối với các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử, Địa lý gặp nhiều khó khăn. Mình chỉ đào tạo dạy đơn môn nhưng đòi hỏi giáo viên phải dạy liên môn như thế thì trong quá trình thực hiện đối với 2 môn tích hợp này có khó khăn vướng mắc gì?”
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thuý
Đối với các vấn đề này, đại diện phòng Giáo dục Đào tạo Quận Hải Châu cũng như hiệu trưởng các trường chia sẻ, việc dạy tích hợp gần như khó khăn, và do các trường tự chủ động cho các giáo viên đào tạo chéo với nhau nhằm đảm bảo hoạt động dạy liên môn, tích hợp. Bên cạnh đó, hầu hết các trường trên địa bàn quận Hải Châu đều khó khăn trong việc bổ sung biên chế. Đặc biệt ở các môn Tin học, âm nhạc, mỹ thuật… gần như không có hồ sơ ứng tuyển. Thậm chí có những giáo viên biên chế gần 10 năm nhưng cũng nghỉ việc do lương quá thấp, chỉ còn gần 4 triệu đồng sau khi trừ bảo hiểm.
Kinh phí đổi mới chương trình Sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 được giao đầy đủ, tuy nhiên lại bị chậm dẫn đế chậm trễ trong công tác tổ chức tập huấn. Kinh phí tập huấn năm 2022 chưa hoàn thành phải dời sang 2023. Không có nguồn kinh phí để hỗ trợ cho đội ngũ báo cáo viên cốt cáng trong quá trình chấm bài, hỗ trợ đồng nghiệp khi thực hiện nhiệm vụ tự bồi dưỡng qua mạng.
Tại buổi làm việc, ông Trương Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu, Tp.Đà Nẵng chia sẻ khi triển khai giảng dạy thì gặp đại dịch Covid 19. Nghị quyết thì có những các hướng dẫn của Chính phủ chưa kịp thời nên quá trình thực hiện khá vất vả.
“Quận cũng có ý định làm việc với Trường Đại học Sư phạm Thành phố Đà Nẵng để tập huấn cho đội ngũ giáo viên trong năm 2023 này. Chứ thật sự đội ngũ giáo viên chưa được tập huấn gì cả nên khi triển khai rất lúng túng. Chưa nói là cơ sở vật chất, chưa nói là thiếu giáo viên. Trong khi Bộ Nội vụ đề nghị tinh giản biên chế 10%. Nhưng bộ sách đổi mới thì đòi hỏi cần phải có nguồn nhân lực. Điều này khiến chúng tôi vừa lúng túng, vừa áp lực trong thực hiện.” - Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết.
Ông Trương Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu
Dự kiến, nếu thuận lợi thì đến tháng 6/2023 các trường ở Đà Nẵng mới có thiết bị phục vụ giảng dạy. Tên thực tế, Đà Nẵng đã dành khoảng 160 tỷ cho đấu thầu nhưng hiện các nơi đều đang vướng do thủ tục hành chính đấu thầu rườm rà, gói thầu lớn nên khó tìm đơn vị thẩm định, và các đơn vị cung ứng cũng rất ít nên nhiều khả năng phải sang 2024 mới có thiết bị.
Qua đó, UBND quận Hải Châu đề xuất một số kiến nghị như: Quan tâm, có hướng dẫn để sớm có trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy theo chương trình mới. Đề nghị sở Giáo dục – Đào tạo TP Đà Nẵng tổ chức bồi dưỡng, tập huấn môn Tiếng Anh cho các giáo viên trường THCS. Cũng như có kế hoạch phối hợp cùng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên giảng dạy các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử, Địa lý để giáo viên có thể đảm nhận việc giảng dạy toàn bộ môn học./.