ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÀ TĨNH GIÁM SÁT VIỆC HUY ĐỘNG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN LỰC PHỤC VỤ PHÒNG, CHỐNG COVID-19 TẠI BVĐK TỈNH
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Y tế cho biết, từ năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn, các cấp, ngành đã triển khai thực hiện tốt việc chấp hành, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong huy động, phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Minh Đức báo cáo kết quả về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Tổng số kinh phí huy động phòng chống dịch COVID-19 là gần 966,49 tỷ đồng; tổng kinh phí sử dụng phòng chống dịch COVID-19 là gần 810,52 tỷ đồng. Nguồn kinh phí được sử dụng để mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, vật tư, sinh phẩm, kit thử; kinh phí khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân COVID-19; chi chế độ, phụ cấp cho cán bộ tham gia phòng chống dịch; kinh phí thực hiện cách ly y tế tập trung; kinh phí hỗ trợ người lao động gặp khó khăn, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp...
Thành viên đoàn giám sát.
Đối với nguồn lực, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã huy động 1.746 lượt người tham gia trực tiếp phòng chống dịch; lực lượng vũ trang trong toàn tỉnh đã điều động hơn 27.000 lượt cán bộ, chiến sỹ trực chốt phòng dịch, đảm bảo an ninh trật tự tại các khu cách ly, khu vực giãn cách xã hội...
Việc quản lý, sử dụng các nguồn lực đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục tiêu, không để vật tư, hóa chất, hàng hóa không sử dụng hoặc hết hạn sử dụng. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo chống mọi hành vi tiêu cực trong việc tiếp nhận, sử dụng hàng hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, có sự điều chuyển phù hợp trên cơ sở cân đối nhu cầu của từng đơn vị theo diễn biến dịch bệnh và nhu cầu thực tế.
Đại biểu UBND tỉnh Hà Tĩnh và các sở, ngành liên quan dự buổi làm việc.
Hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng được củng cố và kiện toàn, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Công tác phòng chống dịch bệnh luôn được quan tâm, chú trọng, sẵn sàng ứng phó và ngăn chặn kịp thời các dịch bệnh. Các chương trình mục tiêu y tế - dân số được duy trì triển khai thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Chế độ chính sách về y tế được thực hiện theo đúng quy định.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn - nguyên Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh (ĐBQH khoá XIV), thành viên đoàn giám sát: UBND tỉnh cần đánh giá thực chất hơn về hệ thống y tế cơ sở để có giải pháp phát huy vai trò, chức năng của hệ thống này trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Công tác y tế dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế được các cấp quan tâm thực hiện tốt. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động y tế tuyến cơ sở được chú trọng.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất Quốc hội sớm ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế; đề xuất Chính phủ sớm ban hành, sửa đổi các nghị định liên quan đến lĩnh vực y tế.
Bà Bùi Thị Quỳnh Thơ - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh trao đổi nội dung về đề xuất, kiến nghị của UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Trao đổi các nội dung làm việc, đại biểu đã phân tích, làm rõ hơn các nội dung giám sát liên quan đến việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Đại biểu đoàn giám sát cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: việc mua sắm hàng hóa thuốc, vật tư phục vụ công tác chuyên môn và phòng chống dịch COVID-19 có những thời điểm gặp khó khăn; nhiều đơn vị vay mượn hóa chất, vật tư để phục vụ công tác phòng chống dịch trong thời điểm cấp bách nhưng đến nay chưa có phương án hoàn trả; một số chế độ phòng, chống dịch ban hành chưa kịp thời.
Việc thực hiện chính sách đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, hỗ trợ cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động chưa bao quát hết các đối tượng bị ảnh hưởng. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, hóa chất cục bộ vẫn đang diễn ra. Hệ thống y tế cơ sở chưa phát huy hiệu quả vai trò, chức năng...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Ngọc Châu đề xuất Quốc hội sớm thống nhất mô hình trung tâm y tế cấp huyện; khẩn trương chuyển dịch bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A (gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh) sang bệnh truyền nhiễm nhóm B (gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong). Đồng thời, sớm xử lý các vướng mắc trong thanh toán bảo hiểm y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia kết luận buổi làm việc.
Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia khẳng định, Hà Tĩnh đã thực hiện cơ bản tốt các quy định của Trung ương và tỉnh lên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện khá hiệu quả.
Ghi nhận các ý kiến, đề xuất của đại biểu liên quan đến những khó khăn trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và hoạt động hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đề nghị UBND tỉnh và đơn vị liên quan cần tổng hợp đầy đủ các vấn đề còn vướng mắc trong quá trình thực hiện để Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh nghiên cứu, báo cáo Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền.
Sở Y tế và các đơn vị liên quan tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu, tăng cường chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho Nhân dân và phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.