ĐOÀN ĐBQH TP.ĐÀ NẴNG GIÁM SÁT VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

27/12/2022

Sáng 27/12, Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng tổ chức giám sát tại trường THPT Thái Phiên, quận Thanh Khê về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố.

CỬ TRI ĐÀ NẴNG KIẾN NGHỊ CÁC VẤN ĐỀ ĐÔ THỊ


Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng tổ chức giám sát tại trường THPT Thái Phiên, quận Thanh Khê.

Trường THPT Thái Phiên, Tp.Đà Nẵng được xây dựng trên diện tích gần 10.000m2, 33 phòng học, 12 phòng bộ môn, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng đầy đủ cho việc dạy và học cho 2.323 học sinh/56 lớp. Một trong những vấn đề được đoàn giám sát quan tâm và đặt nhiều câu hỏi là việc lựa chọn sách giáo khoa.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý cho biết: Khi Thông tư 25 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quy trình của các cơ sở giáo dục nằm ở Khoản 1 Điều 8, đến Phòng giáo dục là Khoản 2 Điều 8, Sở Giáo dục và Đào tạo là Khoản 3 Điều 8, cuối cùng Hội đồng là Khoản 4. Theo quy định của Nghị quyết 88, việc chọn sách giáo khoa là do cơ sở giáo dục quyết định. Thế nhưng, Luật Giáo dục quy định, việc chọn sách giáo khoa do UBND cấp tỉnh quyết định, mà ở đây là quyết định việc chọn sách giáo khoa chứ không phải quyết định chọn sách giáo khoa.

Đoàn Giám sát cũng đặt nhiều câu hỏi, khai thác ở các khía cạnh như: trang thiết bị dạy và học liệu có đảm bảo, số lượng giáo viên đáp ứng đủ yêu cầu không? Việc giảng dạy các bộ môn tự chọn như thế nào?..


Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý phát biểu tại cuộc làm việc với trường THPT Thái Phiên, Tp.Đà Nẵng.

Trả lời câu hỏi của Đoàn giám sát, các ý kiến từ phía trường đều cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông 2018 xây dựng theo hướng mở, theo mô hình phát triển năng lực phù hợp mục tiêu, yêu cầu đổi mới. Đồng thời chương trình cũng trao quyền chủ động và trách nhiệm cho nhà trường trong việc lựa chọn, xây dựng nội dung giáo dục phù hợp với từng đối tượng học sinh, thông qua các phương pháp tích cực hoá hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực.

Về việc chọn sách giáo khoa, nhà trường thực hiện đúng quy trình khi tham khảo ý kiến đánh giá từ các tổ chuyên môn, gửi lên Hội đồng trường phê duyệt. Sau đó, nhà trường mới gửi lên Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.Đà Nẵng, từ đó trình UBND thành phố phê duyệt.


Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng Trần Chí Cường phát biểu.

Thầy Đặng Công Vĩnh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thái Thiên, quận Thanh Khê, Tp.Đà Nẵng cho biết: Có 3 bộ sách của 3 nhà xuất bản khác nhau. Các thầy cô sẽ nghiên cứu và lựa chọn từng môn học với những quyển phù hợp để tổng hợp thành một bộ sách gửi lên cấp trên. Đa phần các bộ sách nhà trường giới thiệu lên cũng đạt được sự lựa chọn cao của Hội đồng cấp thành phố nên bộ sách từ trường chọn cũng khớp với của Sở. Điều này cũng khá thuận lợi cho nhà trường.

Đa số giáo viên đều đánh giá cao về chất lượng cũng như tính sáng tạo, đổi mới trong việc dạy và học theo sách giáo khoa mới. Tuy nhiên, với một số môn khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hoá, có giáo viên đề nghị cần xem xét lại thứ tự sắp xếp một số nội dung bài dạy để phù hợp với cách thức triển khai, áp dụng các phương pháp phân tích. Các ý kiến nêu cụ thể một số nội dung thuộc phạm trù chuyên môn của môn Vật lý khi học phân tích lực. Việc sắp xếp các bài học theo thứ tự chưa phù hợp khiến cả giáo viên lẫn học sinh còn lúng túng. Đặc biệt là việc triển khai gói thiết bị dạy và học hiện vẫn còn chậm.


Thầy Đặng Công Vĩnh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thái Thiên, quận Thanh Khê, Tp.Đà Nẵng trả lời một số câu hỏi của Đoàn giám sát.

Cô Đỗ Thị Bích Thủy -Tổ trưởng chuyên môn Tổ Vật lý, Trường THPT Thái Thiên, quận Thanh Khê, Tp.Đà Nẵng bày tỏ sự băn khoăn: Có lẽ môn Vật lý là khó khăn nhất về thiết bị. Hiện nay, nhà trường thực hiện chương trình mới đã được 1 học kỳ nhưng thiết bị mới bây giờ mới có thẩm định giá. Nhà trường cho học sinh thí nghiệm dựa trên các thiết bị cũ nhưng kết quả sẽ bị sai lệch so với kết luận trong sách giáo khoa. Dù nhà trường đủ năng lực để phân tích cho các em thấy vì sao có sự sai lệch đó, nhưng về mặt thực hành thì như vậy chưa hiệu quả.

Hiện nay, riêng bộ môn Giáo dục Quốc phòng còn chưa làm hồ sơ để thẩm định giá.

Cũng trong buổi giám sát, các giáo viên đánh giá nội dung sách giáo khoa có sự giảm tải về mặt nội dung giảng dạy nhưng nội dung ở sách bài tập thì nặng hơn rất nhiều, khiến học sinh khó đáp ứng nếu chỉ vận dụng các nội dung đã học trong sách giáo khoa. Về số lượng giáo viên giảng dạy, phía nhà trường chia sẻ, do năm nay bắt đầu từ khối lớp 10 nên về cơ bản nhà trường có thể điều động, luân phiên, đáp ứng đủ việc dạy và học, nhưng về lâu dài, nếu triển khai trong những năm tiếp theo thì chắc chắn sẽ thiếu giáo viên./.

Mỹ Phượng