GÓC NHÌN: NHỮNG ĐỘT PHÁ VỀ CHÍNH SÁCH TRONG DỰ ÁN LUẬT CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP
TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 28/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP
Thực hiện chương trình kỳ họp thứ 6, chiều ngày 28/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Cơ bản nhất trí với Hồ sơ dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trình Quốc hội tại Kỳ họp này và để hoàn thiện dự án Luật, đại biểu Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội tham gia một số góp ý liên quan đến biển, đảo vì đây là vấn đề có tính chiến lược.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp thảo luận về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Thứ nhất, dự án Luật cần tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa các quan điểm, chủ trương lớn và giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cụ thể cấn nhấn mạnh các nội dung sau:
Về quan điểm “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển.”
Về chủ trương lớn “Xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng chính quy, tinh nhuệ theo hướng hiện đại, ưu tiên hiện đại hoá một số quân chủng, binh chủng, lực lượng thực thi pháp luật trên biển; không ngừng củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân khu vực biển; bảo đảm năng lực xử lý tốt các tình huống trên biển, giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên các vùng biển.”
Về giải pháp “Hoàn thiện tổ chức các lực lượng bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển. Đầu tư trang thiết bị hiện đại, chú trọng đào tạo nhân lực, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và tăng cường khả năng hiệp đồng, tác chiến của các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đất nước. Xây dựng lực lượng công an khu vực ven biển, đảo, các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển vững mạnh, làm nòng cốt bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng biển, đảo...”
Đại biểu Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.
Thứ hai, dự án Luật cần thể hiện rõ tư duy “hướng biển, tiến ra biển, làm chủ biển, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường và không gian biển”. Với nội dung dự thảo hiện nay, đại biểu Tạ Đình Thi cảm nhận chúng ta vẫn còn mang nặng tư duy hướng về “lục địa”, “đất liền”. Chúng ta luôn nhớ rằng, nước ta có diện tích biển gấp gần 3 lần diện tích đất liền, hơn 3.260 km bờ biển, hơn 3.000 đảo và quần đảo lớn nhỏ, trong đó có 02 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Biển, đảo gắn liền với lịch sử, văn hóa và quá trình dựng nước và giữ nước, không chỉ là một bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn là môi trường sinh tồn, phát triển đời đời bền vững của dân tộc Việt Nam. Biển Đông có lợi thế quan trọng về địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế, địa tự nhiên đối với nước ta.
Nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế biển là trọng tâm
Với cách tiếp cận như trên, đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị cần rà soát, chỉnh lý, bổ sung vấn đề về biển, đảo trong các điều, khoản liên quan của dự thảo Luật, trong đó, có một số nội dung cụ thể sau:
Dự án Luật cần thể hiện rõ hơn cách tiếp cận gắn nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đối ngoại và hợp tác quốc tế mà nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế biển là trọng tâm. Đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng, đây là một trong những đạo luật về quốc phòng, an ninh thích hợp nhất trong việc tích hợp những nội dung nêu trên.
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Tại Điều 4 của dự thảo Luật, đề nghị chỉnh sửa lại tiêu đề thành “Nguyên tắc và chính sách xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp”, bổ sung một khoản quy định về chính sách kết hợp bảo đảm quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển; một khoản quy định về chính sách khuyến khích đầu tư phát triển khoa học, công nghệ và nhân lực phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong từng thời kỳ. Đại biểu Tạ Đình Thi mong muốn Ban soạn thảo có thể cân nhắc thiết kế hẳn một điều trong Chương I quy định về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đối ngoại và hợp tác quốc tế nói chung, trong đó có phát triển bền vững kinh tế biển.
Về Mục 1. Quy hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng, cần nghiên cứu, bổ sung căn cứ lập quy hoạch, ngoài Quy hoạch tổng thể quốc gia, còn có Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia (khoản 2, Điều 7); thể hiện rõ hơn nội dung quy hoạch hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, hệ thống công nghiệp an ninh trên không, đất liền và trên biển (Điều 8); bổ sung, làm rõ ngoài nội dung về đất phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh, còn có mặt nước, không gian biển phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh (ví dụ khu tập bắt, thử ngư lôi, tàu lặn… (Điều 22); bổ sung nội dung ưu tiên hợp tác quốc tế chuyển giao công nghệ trong công nghiệp quốc phòng, an ninh về tác chiến trên biển (Khoản 2, Điều 59); bổ sung nội dung“sử dụng không gian biển quốc phòng phòng, an ninh” vào khoản 2, cụm từ “biển, đảo” vào khoản 3 (Điều 68 về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Ngoài ra, đại biểu Tạ Đình Thi nêu quan điểm, cần bổ sung quy định “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định trình tự, thủ tục giao nhiệm vụ, đặt hàng sản phẩm động viên công nghiệp tại cơ sở công nghiệp động viên” để đảm bảo tính khả thi trong triển khai, hướng dẫn thi hành Luật (Điều 14)./.