PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THỨ 8 CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT VỀ 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG NGÀY 30/10: THẢO LUẬN VIỆC TRIỂN KHAI CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia là mục tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội hướng đến khi biểu quyết thông qua các Chươn trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Trao đổi với đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga trước thềm QH thông qua Nghị quyết này.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương
Phóng viên: Ngày mai, Quốc hội sẽ biểu quyết Nghị quyết giám sát về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó sẽ ban hành chính sách thí điểm phân cấp, phân quyền cho cấp huyện quyết định phân bổ nguồn vốn. Tuy nhiên để giải ngân nhanh nguồn vốn trong thời gian 2 năm còn lại của, thì điểm mấu chốt là gì, thưa đại biểu?
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Có thể nói là trong báo cáo của Chính phủ về thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia cũng như thảo luận tại hội trường về cái nội dung này thì vấn đề được đặt ra rất nhiều. Đấy là chúng ta đã có khối lượng văn bản hướng dẫn thực hiện rất đồ sộ từ cấp Trung ương và địa phương. Tuy nhiên lại rất vướng mắc, khó khăn không thực hiện được. Do đó để triển khai tiếp chương trình này, thì việc đầu tiên cần phải Chính phủ cần rà soát thật kỹ các nội dung cũng như mục tiêu của ba chương trình này vì đều có có sự giao thoa nhất định trong mục tiêu, trong đó, cần rà soát các tiểu dự án nhìn trong tổng thể chung để triển khai làm sao tránh chồng chéo. Đó sẽ là tiền đề và động lực để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia còn lại và ngược lại. Bởi có những địa phương sẽ thực hiện đồng loạt cả ba chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng có những địa phương thì không
Phóng viên: Thưa đại biểu, hiện các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình này liên quan đến rất nhiều bộ, ngành. Theo bà cần thiết có cơ quan đầu mối để giúp việc rà soát tổng thể chung hay không, giúp cho cấp huyện đỡ lúng túng trong thực hiện?
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Sau khi thảo luận về nội dung này, thì nhiều đại biểu cũng chung quan điểm là cần phân cấp phân quyền mạnh hơn, đặc biệt là với cấp cơ sở là cấp huyện, cấp thực hiện trực tiếp. Thứ hai nữa là phải có sự rà soát, đánh giá một cách tổng quát và thứ ba là phải kiện toàn các Ban chỉ đạo để các Ban chỉ đạo đấy hoạt động hiệu quả hơn nữa trong quá trình triển khai tiếp.
Tôi cũng rất mong muốn Chính phủ sẽ tiếp thu một cách nghiêm túc và triển khai sớm để làm sao tháo gỡ được những cái khó khăn và đạt được hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh đó, cần xem xét để nâng cao năng lực của đội ngũ thực thi là rất quan trọng. Bởi trên thực tế tất cả những vướng mắc cũng có nguyên nhân do đội ngũ cán bộ thực thi công vụ vẫn còn ngại khó, ngại khổ, vẫn còn né tránh công việc và thậm chí là quá chậm trễ trong cái vấn đề triển khai. Chính vì vậy dẫn đến cái nhìn thiếu thống nhất .
Cho nên tôi thấy rằng các chính sách khi ban hành cần phải rà soát thật kỹ. Điều này cũng liên quan đến năng lượng, trình độ của cán bộ vì không phải là cái việc chúng ta cứ ban hành chính sách giao là xong, nó phải đòi hỏi sự nỗ lực, tránh tình trạng ban hành chính sách nhưng chưa hiểu rõ về vùng thụ hưởng, dẫn đến chính sách không phù hợp với thực tế . Do vậy tôi muốn nhấn mạnh giải pháp về mặt con người thực hiện rất quan trọng.
Điều nữa tôi muốn nói là cần phải kiện toàn một bộ máy tổ chức là một Ban chỉ đạo chung với ba chương trình mục tiêu quốc gia này. Trên thực tế, Ban chỉ đạo thì vẫn là nhân sự ở ba bộ, ngành này thôi. Thế nhưng mà nếu như mà gộp vào của chúng ta có được một bộ máy nó gọn gàng hơn thực hiện nhiệm vụ xuyên suốt hơn thì tôi rất nhiều các vướng mắc sẽ được xử lý nhanh hơn. Bên cạnh đó, không thể thiếu là nâng cao nhận thức của người dân, đối tượng được thụ hưởng từ các chương trình này. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải làm thế nào để thay đổi nhận thức người dân và khơi dậy cái ý chí, cái khát vọng vươn lên của người dân thì cái điều đấy chúng ta sẽ thực hiện tốt nhất là thông qua giáo dục.
Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu.