ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA TỜ TRÌNH VỀ VIỆC MỞ RỘNG THỊ TRẤN THIỆU HÓA VÀ THÀNH LẬP THỊ TRẤN HẬU HIỀN, HUYỆN THIỆU HÓA, TỈNH THANH HÓA

28/11/2023

Chiều tối 28/11, tại Nhà Quốc hội, ngay sau khi kết thúc phiên họp toàn thể tại hội trường của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục đợt 2 phiên họp toàn thể lần thứ 19 để thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.

THÀNH LẬP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH ĐÔ THỊ PHẢI ĐẶT TRONG TỔNG THỂ SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP HUYỆN, CẤP XÃ GIAI ĐOẠN 2023-2030

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì đợt 2 phiên họp toàn thể lần thứ 19 của Ủy ban Pháp luật

Cùng dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách, Ủy viên Ủy ban Pháp luật; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa; lãnh đạo huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Trình Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nêu rõ, Đề án nhập xã vào thị trấn là nhập toàn bộ 6,53 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 9.175 người của xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa; thành lập thị trấn Hậu Hiền trên cơ sở nguyên trạng 10,41 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 12.061 người của xã Minh Tâm.

Sau khi nhập xã vào thị trấn và thành lập thị trấn, tỉnh Thanh Hóa không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc; giảm 1 đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa có 558 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 467 xã, 60 phường và 31 thị trấn. Tỷ lệ đô thị hóa (sau khi nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền) là 38,51%. Bên cạnh đó, huyện Thiệu Hóa không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số; giảm 1 đơn vị hành chính cấp xã. Tỷ lệ đô thị hóa (sau khi nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền) là 21,75%.

Từ vị trí, tiềm năng, lợi thế và hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa trên địa bàn thị trấn Thiệu Hóa mở rộng và xã Minh Tâm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền là cần thiết, đáp ứng yêu cầu về mở rộng không gian phát triển đô thị và yêu cầu quản lý kinh tế, quản lý xây dựng, kiến trúc, quản lý dân cư, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn thị trấn Thiệu Hóa, xã Thiệu Phú, xã Minh Tâm nói riêng và huyện Thiệu Hóa nói chung. Do đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu

Tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa là phù hợp với các quy hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đã được đô thị hóa, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Khu vực thị trấn Thiệu Hóa mở rộng và khu vực dự kiến thành lập thị trấn Hậu Hiền cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Nghị quyết số Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cơ bản đồng tình với đề xuất của Chính phủ và đánh giá cao khi tất cả tiêu chuẩn đều đạt theo quy định. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn với việc đổi tên thị trấn. Trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện cấp xã giai đoạn 2019-2021,  xã Minh Tâm được thành lập trên cơ sở nhập nguyên trạng xã Thiệu Minh và xã Thiệu Tâm để lấy tên là xã Minh Tâm. Đến nay, xã Minh Tâm được đề xuất nâng cấp lên thị trấn và đổi tên thành thị trận Hậu Hiền. Nêu rõ mỗi lần thay đổi tên gọi đều có những tốn kém kinh phí và tác động đến đời sống người dân, liên quan đến giấy tờ sổ sách. Đại biểu đặt vấn đề nếu ngay từ đầu địa phương có định hướng sớm thì sẽ bảo đảm ổn định hơn. Do đó, Chính phủ cần có báo cáo làm rõ thêm về nội dung liên quan thành lập thị trấn Hậu Hiền để tăng tính thuyết phục.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phan Thái Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu

Trong khi đó, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phan Thái Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đặt vấn đề về phương án giải quyết đối với cán bộ dôi dư sau sáp nhập, xử lý các trụ sở. Đại biểu cho biết trong giai đoạn 2019-2021, Thanh Hóa là một trong những địa phương có số lượng lớn nhất tiến hành sắp xếp. Càng có nhiều đơn vị sắp xếp thì việc giải quyết cán bộ và các trụ sở làm việc dôi dư càng khó khăn.

Cùng vấn đề quan tâm, Ủy viên Ủy ban Pháp luật  Sùng A Lềnh - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai đề nghị địa phương phải có xác định phương án hợp lý về giải quyết đối với cán bộ dôi dư và xử lý tài sản công sau khi sáp nhập; cùng với đó,  đề nghị rà soát kĩ về thủ tục giấy tờ, sớm có phương án, lộ trình chuyển đổi, tránh mỗi lần điều chỉnh đơn vị hành chính lại tác động đến đời sống Nhân dân, nhất là các vấn đề liên quan đến như giấy tờ tùy thân, đất đai. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát lại các số liệu như về tiêu chí về hộ nghèo bình quân 3 năm để bảo đảm thống nhất, chính xác.

Ủy viên Ủy ban Pháp luật  Sùng A Lềnh - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Lào Cai  phát biểu

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, các ý kiến của Ủy ban Pháp luật đồng tình cao với Tờ trình Chính phủ về việc về việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Ủy ban Pháp luật đánh giá cao nỗ lực cố gắng các cấp chính quyền địa phương tỉnh Thanh Hóa trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Trong giai đoạn 2019-2021, Thanh Hóa là những tỉnh đi đầu trong việc tiến hành sắp xếp. Đến nay, các địa phương tiếp tục nỗ lực cố gắng trong việc phấn đấu đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định công nhận việc nâng cấp, thành lập các chính quyền đô thị.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp

Khẳng định, Ủy ban Pháp luật luôn ủng hộ các địa phương trong việc đẩy mạnh đô thị hóa trên cơ sở bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện, đúng quy định của pháp luật. Với tinh thần đó, Ủy ban Pháp luật đánh giá cao nội dung trình lần này của Chính phủ và của tỉnh Thanh Hóa vừa sắp xếp đơn vị hành chính đồng thời nâng cấp để có thêm hai thị trấn.

Nhận thấy Hồ sơ Đề án, trình tự, thủ tục lập Đề án đáp ứng đủ quy định của pháp luật. Ủy ban Pháp luật nhất trí với việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa. Ủy ban Pháp luật cũng sẽ khẩn trương hoàn thiện Báo cáo thẩm tra trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thường kỳ tháng 12 tới.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp

Các đại biểu, khách mời cùng dự phiên họp

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Tô Văn Tám trình bày ý kiến nghiên cứu ban đầu của Thường trực Ủy ban Pháp luật

Các thành viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng giải trình làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm

Các thành viên Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận nội dung phiên họp

Các thành viên Ủy ban Pháp luật biểu quyết nhất trí về việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa.

Bảo Yến - Phạm Thắng