ĐIỀU HÀNH LINH HOẠT CÁC GIẢI PHÁP KINH TẾ - TÀI CHÍNH THEO HƯỚNG CÓ LỢI CHO HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU

14/11/2023

Đóng góp ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho rằng, để có thể khôi phục lại năng lực sản xuất, xuất khẩu và cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may giai đoạn tới, Chính phủ và các Bộ ngành liên quan cần điều hành linh hoạt các giải pháp kinh tế - tài chính vĩ mô theo hướng có lợi cho hoạt động xuất khẩu để làm động lực thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian tới.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI

Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Kỳ họp thứ 6

Trong phiên thảo luận về kinh tế, xã hội tại Kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phục hồi, tăng trưởng tích cực trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục, như: năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa thực chất; môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn nhiều bất cập.

Tham gia đóng góp ý kiến vào tình hình kinh tế xã hội, đặc biệt về phát huy tiềm năng phát triển của ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho rằng, tự động hóa đóng một vai trò quan trọng trong ngành dệt may, mang lại nhiều lợi ích có thể tác động lớn đến sự thành công và tăng trưởng của các doanh nghiệp dệt may. Tự động hóa không chỉ là một xu hướng mà còn là một yêu cầu chiến lược đối với các doanh nghiệp dệt may muốn duy trì khả năng cạnh tranh trong một thị trường năng động.

Bằng cách áp dụng tự động hóa, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể tăng năng suất và hiệu quả, giảm chi phí lao động, cải thiện chất lượng và độ chính xác nhất quán, nâng cao sự linh hoạt trong sản xuất, giảm thiểu rủi ro mất an toàn lao động từ đó. Trước năm 2010, cứ 1 tỷ USD tăng thêm trong xuất khẩu dệt may phải cần thêm 100.000 lao động, trong giai đoạn 2015 – 2023, con số này là khoảng 50 – 55 nghìn lao động. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần đặt mục tiêu áp dụng tự động hóa một cách toàn diện để có thể đạt được mức 1 tỷ USD xuất khẩu tăng thêm chỉ cần thêm 30 nghìn lao động từ sau năm 2025.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam

Về số hóa quản trị, việc số hóa hoạt động quản lý trong các doanh nghiệp dệt may có tầm quan trọng to lớn trong bối cảnh kinh doanh đang phát triển với nhiều cạnh tranh, thách thức ngày nay. Số hóa quản trị cung cấp cho các doanh nghiệp dệt may những công cụ cần thiết để phát triển trong thời đại kỹ thuật số và cho phép doanh nghiệp: Quản lý dữ liệu hiệu quả, thông tin chi tiết và phân tích theo thời gian thực (Real-time analytics), phối hợp và liên lạc liền mạch giữa các phòng ban và chức năng khác nhau, ra quyết định nhanh, giám sát và điều khiển từ xa.

Về chuỗi cung ứng, hơn 3 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ khiến các nền kinh tế phải đóng cửa và chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào tình trạng đóng băng, hỗn loạn, những rủi ro rõ ràng khác đối với chuỗi cung ứng toàn cầu đã xuất hiện: tình trạng mất an ninh địa chính trị khi xung đột Nga – Ukraina xảy ra; bất đồng ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc đang xói mòn mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời việc áp đặt hàng loạt các biện pháp bảo hộ, sắc lệnh cấm hàng hóa lẫn nhau. Những yếu tố này dẫn đến sự chuyển dịch, sắp xếp lại mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu vốn dĩ Trung Quốc và một số quốc gia khác vẫn đóng vai trò chủ chốt. Đây là cơ hội mở ra cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam tận dụng để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đa dạng  hóa nguồn cung ứng đầu vào, mở rộng thị trường tiềm năng mới, củng cố thị trường chiến lược hiện tại.

Về chuyển dịch sang sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn, măc dù trong ngắn hạn, các yếu tố về sản xuất xanh không phải là yếu tố bắt buộc, chủ đạo để tạo nên sự khác biệt về thị phần. Nhưng trong tương lai, các thị trường lớn sẽ áp dụng các quy định, tiêu chí bắt buộc về việc cung ứng sản phẩm xanh, tuần hoàn trong lĩnh vực dệt may. Do đó, chủ động nghiên cứu, lên kế hoạch đầu tư công nghệ, hạ tầng, nhân lực sẵn sàng cho việc chuyển dịch sang sản xuất xanh sẽ là một lợi thế trong trung và dài hạn.

Về đào tạo lao động có kỹ năng, để có thể đáp ứng, vận hành được công nghệ mới, thực hiện công tác số hóa, tự động hóa, các doanh nghiệp cần triển khai các giải pháp đào tạo. Trước tiên, cần khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu kỹ năng trong doanh nghiệp và của thị trường, nắm bắt sự thay đổi trong công nghệ làm cơ sở xây dựng các chương trình đào tạo. Việc hợp tác với các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp hoặc tổ chức các chương trình thực tập, đào tạo nội bộ cần được kết hợp để phát huy được cả kinh nghiệm và kiến thức của giảng viên trong và ngoài doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo phải được đánh giá hiệu quả thường xuyên, định kỳ để đảm bảo rằng nó thực sự giúp cải thiện kỹ năng và đáp ứng mục tiêu đề ra. Nhưng quan trọng hơn hết là doanh nghiệp cần có các biện pháp khuyến khích lao động học hỏi liên tục, chủ động tìm tòi nghiên cứu kiến thức và kỹ năng mới để xây dựng được nguồn nhân lực kỹ thuật, trình độ cao.

Cần điều hành linh hoạt các giải pháp kinh tế - tài chính vĩ mô theo hướng có lợi cho hoạt động xuất khẩu

Trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, thách thức bủa vây cả trong và ngoài nước nửa đầu năm 2023, cùng với yêu cầu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thì việc hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp dệt may nói riêng phục hồi, làm động lực tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới phải trở thành nhiệm vụ ưu tiên trọng tâm.

Để có thể khôi phục lại năng lực sản xuất, xuất khẩu và cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may giai đoạn tới, Chính phủ và các Bộ ngành liên quan quan tâm tập trung vào một số nội dung như: Xây dựng các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện như: gia hạn thời gian nộp thuế, tiền sử dụng đất; hạ lãi suất vay và điều kiện thực tế tiếp cận vốn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế GTGT. Điều hành linh hoạt các giải pháp kinh tế - tài chính vi mô theo hướng có lợi cho hoạt động xuất khẩu để làm động lực thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian tới như chính sách tiền tệ, chính sách thuế xuất khẩu, các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu như Logistics.

Cùng với đó, cần đồng hành cùng doanh nghiệp trong khai thác, mở rộng quan hệ, thị trường và khách hàng mới thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, tận dụng các FTAs, ký kết các biên bản hợp tác… Hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong hoạt động đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ mới thông qua nguồn ngân sách nhà nước hoặc các chương trình ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp.

Ngoài ra, xây dựng các chính sách khuyến khích chuyển dịch sản xuất theo hướng xanh, bền vững như các gói hỗ trợ thuế đối với doanh nghiệp xanh, gói tín dụng ưu đãi cho công trình sản xuất xanh. Thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành dệt may, tăng tính liên kết để tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu từ đó nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng trong ngành dệt may, minh bạch hóa các khâu để phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu và nhà mua hàng.

Minh Hùng